Nhiều sáng kiến 'độc', 'lạ' của Đoàn Thanh niên trong năm chống dịch Covid-19

Vũ Thơ
Vũ Thơ
09/01/2021 18:28 GMT+7

Năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid-19 , hoạt động của Đoàn Thanh niên đã xuất hiện rất nhiều mô hình mới , sáng tạo, trong đó nhiều mô hình "độc", "lạ" mang lại hiệu quả và lan tỏa trong cộng đồng.

Theo báo cáo của T.Ư Đoàn, năm 2020, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, từ cấp T.Ư đến tất cả các cấp cơ sở, đoàn viên, thanh niên đều có sự chuyển động rất lớn.
Các cấp bộ Đoàn đã kịp thời chuyển đổi phương thức hoạt động một cách sáng tạo, nhạy bén phù hợp với tình hình dịch bệnh, thực sự thiết thực, hiệu quả.

“San sẻ yêu thương”

Khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 và thiên tai lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, Đoàn Thanh niên đã triển khai các đội hình tham gia vào những công trình, phần việc cụ thể, với những sáng kiến vì cộng đồng.
Trong các phong trào của Đoàn đã xuất hiện những mô hình đầy tính nhân văn như: chương trình “San sẻ yêu thương” phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt. Đơn cử như Chương trình “Triệu bữa cơm” với thông điệp “Trao bữa cơm, trao yêu thương” đã trao tặng gần 510.000 “bữa cơm” trị giá gần 7,8 tỉ đồng tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Quảng Trị, Huế, Bình Thuận, Hậu Giang…

Chương trình "Triệu bữa cơm" giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch

Ảnh Trần Tú

Chương trình “San sẻ yêu thương cùng miền Trung” được triển khai tại 7 tỉnh miền Trung, với các hoạt động khám bệnh, tặng quà cho 2.000 người dân; tặng 120 sổ tiết kiệm Vì tương lai xanh; tặng trên 7.000 suất quà cho học sinh bị ảnh hưởng bởi bão lũ; tặng quà cho các trường học vùng lũ bị hư hại nặng …
Các hoạt động trong chương trình “San sẻ yêu thương” đã kịp thời hỗ trợ người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và bão lụt vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…

Đồng hành với thanh niên bằng những mô hình mới

Trong năm qua, dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng tổ chức Đoàn đã phát huy vai trò của mình một cách xuất sắc trong việc đồng hành với thanh niên trong học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp. Các mô hình “Shipper” mang bài tập đến tận tay các em học sinh; “Tiếng kẻng học bài” hỗ trợ học sinh học trong mùa dịch là những mô hình sáng tạo, in đậm dấu ấn trong cộng đồng.
Việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai. Rất nhiều cuộc tọa đàm trực tuyến được tổ chức để cung cấp thông tin thị trường, kiến thức, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của thanh niên tiếp cận với các nguồn hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ dịch bệnh.

Thanh niên đến tận nhà hướng dẫn học sinh học bài

Ảnh Nhật Nam

T.Ư Đoàn đã triển khai Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức”. T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Hành trình Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 tại 9 tỉnh, thành phố; phối hợp tổ chức hội nghị “Giải pháp nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam triển khai chương trình “Nghìn việc làm” hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho sinh viên…
Đặc biệt, thông qua internet, mạng xã hội, các cấp bộ Đoàn xây dựng các sân chơi tương tác trực tuyến, thiết kế các biểu đồ, sticker, infographic, motion graphic, video clip ngắn… để hướng dẫn các kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu nhi.

“Những bước chân vì cộng đồng”

Một trong nhưỡng chương trình có sức lan tỏa lớn trong năm 2020 là chương trình "Những bước chân vì cộng đồng", nhằm cụ thể hóa phong trào “10.000 bước chân mỗi ngày” và gây quỹ xây dựng 16 nhà văn hóa cộng đồng cho 16 dân tộc thiểu số ít người tại Việt Nam.
Chương trình được tổ chức với hình thức kêu gọi cộng đồng, hội viên, thanh niên đi bộ, chạy bộ mỗi ngày để rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể chất và lan toả tinh thần nhân ái, ủng hộ gây quỹ xây dựng nhà văn hoá cộng đồng cho 16 dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Lần đầu tiên diễn ra chương trình "Những bước chân vì cộng đồng"

Ảnh Đăng Hải

Tính đến nay, chương trình đã tổ chức 2 chặng có quy mô toàn quốc. Sau 2 chặng đầu tiên tổ chức, phong trào đi bộ, chạy bộ đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, hội viên, thanh niên, kết quả thu hút 60.647 người đăng ký tham gia với tổng chiều dài đi, chạy bộ tích luỹ đạt 1.859.904 km, đóng góp hơn 1,8 tỉ đồng để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc thiểu số ít người.

Nhiều sáng kiến "độc", "lạ"

Trong năm qua, nhiều mô hình sáng kiến "độc", "lạ" của thanh niên đã để lại dấu ấn cho cộng đồng, đặc biệt là các sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, có các mô hình như: xây dựng các “Trạm rửa tay dã chiến”, “Điểm rửa tay” từ vật dụng tái chế; dự án phát triển hệ thống cảnh báo sớm Covid-19 toàn cầu.
Thanh niên tự pha chế nước rửa tay diệt khuẩn, kính chắn giọt bắn, mặt nạ phòng dịch; máy rửa tay sát khuẩn tự động; may và phát khẩu trang miễn phí; đổi phế liệu, rác thải nhựa lấy khẩu trang; nghiên cứu và chế tạo buồng khử khuẩn và phòng áp lực...

Thanh niên đến tận nhà giúp dân khai báo y tế

Ảnh Nhật Nam

Đáng nhớ, các "chiến sĩ áo xanh" đã “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hỏi từng công dân” khai báo y tế; những “shipper” mang bài tập đến tận tay các em học sinh. Hay những mô hình như: “Tiếng kẻng học bài”; robot “Dũng sĩ diệt khuẩn”, “Chiến sĩ diệt khuẩn”; điểm cấp gạo ATM miễn phí... đã là những mô hình đầy ý nghĩa trong mùa dịch.
Bên cạnh đó là những "Bữa cơm 0 đồng", "Gian hàng 0 đồng", "Siêu thị hạnh phúc", "Chuyến xe hạnh phúc"; các hoat động hỗ trợ thanh niên bị mất việc làm do dịch Covid-19 tìm việc online; mô hình dựng chốt tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone; “Cùng áo xanh thắng nhanh Covid-19”; chiến dịch “Thanh niên với ứng dụng NCOVI, Bluezone”...
Theo báo cáo của các cơ sở Đoàn, đó là những hoạt động chưa từng có, phát huy tinh thần sáng tạo vì cộng đồng của thanh niên, góp phần cùng đất nước vượt qua đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.