Tựu trường: Nơi áp lực vì quá tải, nơi xoay xở nâng chất lượng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/08/2023 07:05 GMT+7

Hôm nay 28.8, học sinh của hầu hết địa phương đồng loạt tựu trường năm học mới. Giải quyết việc thiếu giáo viên, quá tải trường lớp, chất lượng giáo dục ở các tỉnh miền núi phía bắc quá thấp… là những vấn đề "đặt hàng" các địa phương trong năm học này.

HÀ NỘI ĐỀ NGHỊ ĐƯỢC NÂNG TẦNG CÁC TRƯỜNG HỌC NỘI THÀNH

Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh (HS) lớn nhất cả nước với 2.840 trường học, khoảng 2,2 triệu HS. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Hà Nội hiện có 123.000 giáo viên (GV), việc thiếu GV chỉ xảy ra cục bộ.

Tựu trường: Nơi áp lực vì quá tải, nơi xoay xở nâng chất lượng   - Ảnh 1.

Sau lớp 1, sáng nay 28.8 học sinh các cấp chính thức tựu trường năm học 2023 - 2024

ĐÀO NGỌC THẠCH

Để giải quyết tình trạng này, vừa qua HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023, trong đó bổ sung cho ngành giáo dục 3.112 chỉ tiêu GV hợp đồng. Sở cũng vừa tổ chức tuyển dụng hơn 600 GV các trường trực thuộc (chủ yếu là các trường THPT). Các quận, huyện, thị xã cũng đang tổ chức tuyển dụng GV mầm non, tiểu học và THCS; đồng thời triển khai ký hợp đồng với 3.112 GV theo nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội. Như vậy, có hơn 6.000 GV các cấp học được bổ sung vào đội ngũ GV hiện có, đủ để các nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, theo ông Cương, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, một số phòng GD-ĐT có cách làm rất hay là tập hợp lực lượng GV các bộ môn sẵn sàng chi viện, hỗ trợ các nhà trường còn thiếu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hà Nội sẽ thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra sao về việc giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ trắng đêm xảy ra ở một số cơ sở giáo dục năm học vừa qua, ông Cương cho rằng: "Với áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học, số HS hằng năm tăng mạnh, công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những hạn chế, tồn tại được Sở thẳng thắn nhận diện. Sở đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó có việc tham mưu lãnh đạo TP tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học; rà soát quy hoạch mạng lưới trường học; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp...

Một trong những giải pháp quan trọng trong năm học mới là tăng cường các điều kiện hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ năm học 2024 - 2025 ở tất cả các trường. Giải pháp này nhằm tăng tính minh bạch, công khai và công bằng, từ đó chấm dứt việc phụ huynh HS xếp hàng nộp hồ sơ".

Ông Cương cũng nêu thực tế: Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 - 60.000 HS, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 - 40 trường học. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất ở các quận hạn hẹp, việc xây mới trường học rất khó khăn. Vì vậy, Hà Nội vừa có đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành.

Tựu trường: Nơi áp lực vì quá tải, nơi xoay xở nâng chất lượng   - Ảnh 2.

Năm học mới, nhiều địa phương còn thiếu giáo viên

ĐÀO NGỌC THẠCH


GẮN TRÁCH NHIỆM GV VỚI KẾT QUẢ CỦA HS ?

Trước thực trạng kết quả thi tốt nghiệp hằng năm của Hà Giang rất thấp, 4 năm liền "đội sổ" trong bảng xếp hạng cả nước, mới đây lần đầu tiên UBND tỉnh này đã tổ chức hội nghị nhằm tìm giải pháp nâng chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030. Vấn đề đội ngũ GV cũng được nêu lên như một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chất lượng giáo dục ở địa phương này còn nhiều bất cập. Ngoài vấn đề chất lượng, về số lượng, hiện địa phương này còn thiếu gần 3.000 GV, trong đó nhiều GV các môn học mới, đặc biệt là tin học, tiếng Anh thiếu trầm trọng nguồn tuyển.

Phát biểu tại hội nghị nói trên, ông Nguyễn Mạnh Dũng, quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, đề nghị ngành GD-ĐT cần khẩn trương tuyển dụng hết số biên chế GV được giao.

Đặc biệt, trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Mạnh Dũng còn yêu cầu: "Chú trọng giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy thực tế của GV. Gắn trách nhiệm của GV đứng lớp với việc bàn giao chất lượng cuối năm học để nâng cao ý thức trách nhiệm trong giảng dạy và giáo dục của GV trong các nhà trường, giúp GV kịp thời nắm bắt kết quả học tập thực chất của từng HS để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp; thực hiện ký cam kết chất lượng, gắn trách nhiệm của GV với kết quả học tập của HS, tránh để xảy ra tình trạng HS "ngồi nhầm lớp". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.