Tương lai ảm đạm của đất nước có lạm phát gần 500%

14/04/2016 08:13 GMT+7

Tốc độ lao dốc của kinh tế Venezuela tỷ lệ thuận với sự gia tăng của vấn đề lớn nhất nước này: siêu lạm phát dự kiến đến 481%.

Tốc độ lao dốc của kinh tế Venezuela tỷ lệ thuận với sự gia tăng của vấn đề lớn nhất nước này: siêu lạm phát dự kiến đến 481%.

Người Venezuela đứng xếp hàng chờ mua thực phẩm tại một siêu thị ở San Cristobal, cách thủ đô Caracas 660 km về hướng tây nam - Ảnh: ReutersNgười Venezuela đứng xếp hàng chờ mua thực phẩm tại một siêu thị ở San Cristobal, cách thủ đô Caracas 660 km về hướng tây nam - Ảnh: Reuters

Theo CNN, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo về nền kinh tế đang lao đao vì giá dầu thô. Lạm phát Venezuela được cho là sẽ tăng 481% trong năm nay và lên đến 1.642% trong năm sau.

IMF cũng cho biết quốc gia Nam Mỹ, vốn ít khi đưa ra số liệu kinh tế chính thức, sẽ có tỷ lệ thất nghiệp là 17% trong năm nay và gần 21% trong năm 2017. Ở thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ từng lên đến 25%.

“Venezuela đang trên bờ vực của siêu lạm phát”, giám đốc nghiên cứu Kathryn Rooney Vera của hãng BullTick Capital Markets nói. “Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng”, chuyên gia Francisco Rodriguez thuộc ngân hàng Merrill Lynch của Bank of America nhận định.

Lạm phát đã và đang là vấn đề đau đầu của Venezuela. Hồi tháng 1, chính phủ đất nước Nam Mỹ cho hay lạm phát đã tăng 141% trong năm kết thúc vào tháng 9.2015. Điều này đồng nghĩa với việc giá cả các loại hàng hóa, chẳng hạn như sữa, đường và bột mì đang đi lên rất nhanh. Nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh hay xà phòng luôn trong tình trạng hạn chế nguồn cung và một số khách sạn còn đề nghị khách hàng nên đem giấy vệ sinh và xà phòng của riêng họ.

Giá trị tiền tệ Venezuela lao dốc không phanh. Trên thị trường chợ đen, nơi hầu hết người dân Venezuela đang lấy USD đổi đồng bolivar - nội tệ quốc gia, 1 USD hiện ngang giá 1.125 bolivar. Một năm trước, 1 USD còn ngang giá 258 bolivar.

Trong lúc này, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã và đang tiếp tục các chương trình chi tiêu công và phúc lợi xã hội lớn mà người tiền nhiệm của ông, ông Hugo Chavez đã áp dụng hơn một thập niên trước. Dù vậy, với nền kinh tế èo uột vì giá dầu giảm mạnh, việc đáp ứng chi tiêu như trên rất khó khăn.

Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và khoảng 95% hàng hóa xuất khẩu của nước này là dầu thô. Kinh tế Venezuela phụ thuộc rất lớn vào những thùng “vàng đen” và giá dầu thế giới hiện vẫn đang ở mức thấp. Vì đất nước không thể trả tiền nhập khẩu lương thực cơ bản và thuốc men, nhiều người dân phải chịu cảnh thiếu hụt các mặt hàng này.

Sức khỏe kinh tế Venezuela có thể sẽ trầm trọng hơn nhiều vào cuối năm nay. Nước này phải thanh toán khoản nợ 5 tỉ USD trong nhiều đợt kéo dài từ tháng 10 đến tháng 11 trong lúc dự trữ ngoại hối đang ở mức đáy 12 năm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.