Tuổi trẻ VN nhớ lời Di chúc theo chân Bác: Một tấm gương lao động ngôn từ

26/08/2019 07:44 GMT+7

Trong một số giờ học văn khi còn đi học, thỉnh thoảng tôi có nghe các thầy cô lấy Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một dẫn chứng cho sự chính xác trong việc sử dụng ngôn từ.

Giờ đây những điều này được thể hiện cụ thể trong tập sách Di chúc của Bác Hồ, một giáo trình tiếng Việt độc đáo (NXB Trẻ, năm 2017) của tác giả Dương Thành Truyền.
Theo GS-TS ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân, qua những dẫn liệu cụ thể, tác giả đã chứng minh một cách sinh động tấm gương lao động ngôn từ mẫu mực của Bác Hồ: Cẩn trọng sửa đi sửa lại, công phu trong từng chữ, từng lời, từng đoạn kết nối nhau theo một trật tự logic chặt chẽ nhằm đến cách diễn đạt trong sáng, giản dị nhất có thể mà lại hiệu quả tối đa.

Di chúc hơn 1.000 chữ, Bác dành công sức hơn 4 năm

Theo tác giả Dương Thành Truyền, để viết Di chúc, một văn bản khoảng hơn 1.000 chữ, Bác Hồ đã dành công sức trọn vẹn hơn 4 năm. Năm nay viết, mấy năm sau Bác lại tìm cách bổ sung, thêm bớt, thậm chí thay đổi cả những đoạn đã từng sửa chữa nhằm tìm cách diễn đạt sao cho chính xác, hay hơn, tốt hơn.
Tác giả cũng đưa ra những con số cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lao động công phu khi viết Di chúc. Trong bản năm 1965, Bác có 2 lần bổ sung bằng cách viết tay trên bản đánh máy. Bản năm 1968 phần 1, Bác sửa 9 lần; bản năm 1968 phần 2, sửa 30 lần. Bản năm 1969, Bác sửa 16 lần.
Như vậy, khi viết từng bản thảo, có tổng cộng 57 lần Bác tự sửa chữa, trong đó 32 lần lựa chọn lại từ ngữ, 22 lần tổ chức lại câu hoặc các thành phần của câu, 3 lần bổ sung thêm câu hoặc thêm đoạn. Còn nếu đối chiếu các phần có cùng một nội dung giữa các bản thảo với nhau, trong đó lấy bản 1 (năm 1965) làm gốc thì Bác đã 10 lần bổ sung, 8 lần sửa chữa.
Tuổi trẻ VN nhớ lời Di chúc theo chân Bác: Một tấm gương lao động ngôn từ1

Những bài học về rèn luyện cách viết tiếng việt

Trong Di chúc của Bác, người đọc sẽ thường xuyên rút ra được bài học về việc lựa chọn từ ngữ phù hợp với điểm nhìn và chỗ đứng, thái độ và tình cảm của người phát ngôn.
Theo tác giả Dương Thành Truyền, thực tế khảo sát quá trình sửa chữa Di chúc cho thấy có 7 trường hợp Bác lựa chọn để phù hợp cho yêu cầu này. Chẳng hạn trong bản năm 1969, Bác thay thế từ “thăm hỏi” bằng “chúc mừng” trong “chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng” liền trước “thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.
Bác thay thế từ không phải vì sợ trùng lặp mà muốn lựa chọn sự diễn đạt tinh tế, phù hợp với chỗ đứng của người phát ngôn: Với tư cách lãnh tụ, Bác chúc mừng những người làm nên chiến thắng; với tư cách người lớn tuổi, Bác thăm hỏi các phụ lão và thanh thiếu niên, nhi đồng.
Ở trường hợp khác, bản năm 1968 phần 1 ban đầu Bác viết: “Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. 1 hộp để lại miền Bắc. 1 hộp cho miền Trung. 1 hộp cho miền Nam”, nhưng sau đó Bác sửa lại, nhất loạt dùng “cho”: “1 hộp cho miền Bắc. 1 hộp cho miền Trung. 1 hộp cho miền Nam”, mà không dùng “để lại”. Theo tác giả, như vậy Bác đã chọn cho mình một chỗ đứng không thuộc nơi nào cả, để tình cảm và thái độ dành cho đồng bào mọi miền đều ngang bằng nhau. Đồng thời đạt đến sự thể hiện rất khiêm tốn của người cách mạng.
Một trường hợp khác cũng cho thấy Bác rất cân nhắc khi sử dụng từ ngữ. Chẳng hạn trong câu: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và chính phủ” (…), Bác bỏ từ “rồi” bằng “tiếp đến”. Trong tiếng Việt, “rồi” chủ yếu biểu thị sự kiện diễn ra liền theo, “tiếp đến” có thêm nét nghĩa liên tục, không ngừng nghỉ. Theo tác giả Dương Thành Truyền, Bác chọn “tiếp đến” thay cho “rồi” phù hợp hơn với việc đánh giá công lao của đồng bào trong 2 cuộc kháng chiến...
Diễn đạt chính xác đã khó nhưng diễn đạt ngắn gọn mà hàm chứa lượng thông tin cao lại càng khó. Qua tập sách này, chúng ta thấy trong quá trình Bác hoàn chỉnh di chúc có đến 10 trường hợp Bác đã lược bỏ từ, rút gọn chữ hoặc chuyển đoạn văn thành câu mà lượng nghĩa không hề giảm sút. Chẳng hạn Bác đã lược bỏ “xương” trong “tro xương” giúp câu vừa ít chữ mà nghĩa lại càng chính xác…
Qua những dẫn chứng cụ thể từ tập sách, theo tác giả, người đọc ngày nay có thể thấy Di chúc của Bác như một giáo trình hết sức độc đáo, sinh động, hấp dẫn dạy cho chúng ta nhiều bài học cụ thể, có giá trị thực tiễn trong việc rèn luyện cách nói, cách viết tiếng Việt.

Tổ quốc viết hoa

“Trước hết nói về ĐẢNG - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Trong câu này, khi sửa, Bác bổ sung động ngữ “phục vụ Tổ quốc” tạo nên một liên hợp song song 3 vế vừa có đối vừa có điệp: phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Sự bổ sung này cần thiết và có giá trị.
Từ Tổ quốc viết hoa rất đáng chú ý. Bên cạnh các từ nhân dân, cách mạng, giai cấp không viết hoa, Bác luôn viết hoa từ Tổ quốc. Thống kê cho thấy bản năm 1965 có 3 từ Tổ quốc, bản năm 1968 lần 1 có 2 từ, bản năm 1968 lần 2 và bản năm 1969 mỗi bản có 1 từ. Tất cả từ Tổ quốc Bác đều viết hoa vừa mang ý nghĩa đề cao Tổ quốc trên hết vừa mang nét nghĩa cá thể Tổ quốc ta.

Một bài học lớn

Là một nhà văn hóa kiệt xuất, bằng hoạt động thực tiễn nói và viết phong phú và đa dạng của mình, Hồ Chí Minh truyền lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý giá. Người khuyên bảo khi viết, phải hết sức chú ý mình viết để làm gì, viết cái gì, và viết cho ai, từ đó mà cân nhắc, lựa chọn cách viết như thế nào cho thích hợp. Đây là những bài học sâu sắc, mang tính kinh điển đối với những người cầm bút. Chẳng những thế, Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta những áng văn mẫu mực, những kiệt tác bất hủ đậm đà bản sắc dân tộc và tình yêu tiếng Việt, tiêu biểu là Tuyên ngôn độc lập, một “thiên cổ hùng văn”. Di chúc cũng là một áng văn như thế.
Đọc Di chúc trong những bản thảo viết tay, dừng lại và chăm chú vào những chữ, những đoạn, những dòng đảo lên chuyển xuống, xóa đi chữa lại, lược bớt thêm vào, chúng ta nhận biết quá trình Hồ Chí Minh tạo lập và hoàn thiện một văn bản. Đó là một quá trình lao động ngôn từ đầy cẩn trọng, công phu và trách nhiệm. Một bài học lớn. Một tấm gương sáng.
Nhà nghiên cứu Trần Chút

Những bài học sinh động, sâu sắc về sự cẩn trọng, tinh tế, thông điệp ẩn sau ngôn từ

Khi toàn bộ ảnh chụp bút tích Di chúc của Bác Hồ được công bố, nhờ vào các ký tự được đánh máy hoặc viết tay, màu mực xanh và đỏ, cùng các ký hiệu thể hiện thao tác trên văn bản như xóa, bổ sung, chèn vào, đảo vị, chọn lại…, chúng ta có thể tái hiện lại quá trình thực hiện việc sửa chữa Di chúc của Người từ 1965 đến 1969. Trong nỗ lực tìm hiểu các trường hợp sửa chữa đó, thực chất là đi tìm kiếm lời giải đáp: “Vì sao Bác Hồ sửa chữa ngôn từ như thế?”, chúng ta xúc động và khâm phục vì có một cơ hội đặc biệt với bằng chứng xác đáng về tấm gương lao động ngôn từ của Người: không chỉ là công phu chữ nghĩa, mà còn là một bậc thầy điêu luyện tiếng Việt!
Có thể nói, Di chúc của Bác Hồ chính là một giáo trình hết sức độc đáo, qua từng con chữ cụ thể đã dạy cho chúng ta những bài học sinh động, sâu sắc về sự cẩn trọng, về sự tinh tế, về thông điệp ẩn sau ngôn từ và cả lời dặn về ý thức rèn luyện ngôn từ cùng với một tình yêu sâu đậm dành cho tiếng Việt của chúng ta!
Vì vậy, rèn luyện cách nói, cách viết của mỗi người cũng chính là noi gương Bác, là góp phần làm cho tiếng Việt ngày càng trong sáng, ngày càng được quý trọng, ngày càng được phổ biến rộng khắp như lòng mong muốn của Bác Hồ! 
Dương Thành Truyền
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.