Tuổi trẻ Việt Nam trong phát triển các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia

23/06/2022 07:11 GMT+7

Bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nghĩa vụ và trách nhiệm của không chỉ nhà nước, mà là sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của thanh niên.

Phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới văn hóa là cội nguồn

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa là nguồn lực nội sinh của đất nước và cũng vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển đất nước.

Mệnh đề “Văn hóa còn thì dân tộc còn” đã nói lên tầm quan trọng và vai trò của văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển của một quốc gia, dân tộc. Đặc biệt trong bối cảnh ngày nay, thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động nhanh chóng, đem đến cho Việt Nam cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen. Việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết…

Một tiết mục văn nghệ trong buổi tọa đàm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên vừa được T.Ư Đoàn tổ chức tại Hà Giang

ĐĂNG HẢI

Có thể nói, toàn cầu hóa đã ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của các quốc gia, đồng thời biến giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế trở thành một xu thế tất yếu. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến văn hóa các quốc gia luôn có cả mặt tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức.

Vấn đề đặt ra là trước những cơ hội và thách thức ấy, văn hóa của mỗi quốc gia sẽ thích ứng thế nào và phát triển ra sao? Làm sao để lựa chọn mô hình văn hóa phù hợp với những chuyển động của lịch sử và thực tiễn phát triển đất nước? Rõ ràng, trong bối cảnh thế giới mở cửa và hội nhập, các nền văn hóa trên toàn cầu có nhiều cơ hội và điều kiện để giao thoa nhau. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để chúng ta quảng bá văn hóa Việt với thế giới, thể hiện tinh thần của một dân tộc ngàn năm văn hiến, đậm đà bản sắc, độc lập, tự cường.

Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị và một bộ lọc tốt, chúng ta cũng hoàn toàn có thể bị những văn hóa độc hại xâm nhập, hóa tan các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều đối tượng dễ bị cuốn theo những trào lưu, tư tưởng không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây nguy hại với văn hóa nước nhà, và xa hơn là ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một dân tộc.

Vì vậy, bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nghĩa vụ và trách nhiệm của không chỉ nhà nước, mà là sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của thanh niên, chính là những chủ nhân tương lai của đất nước, là những người tiếp tục bảo tồn, phát triển và quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Vai trò của tuổi trẻ Việt Nam trong phát triển các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia

Thanh niên được xem là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng CNXH. Thanh niên với độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình, là lực lượng có tiềm năng to lớn, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước hiện nay và tương lai.

Vì vậy, thanh niên luôn được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Trong thời kỳ đất nước ta đang mở cửa nền kinh tế, tham gia sâu rộng vào hội nhập quốc tế và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, vai trò và tầm quan trọng của thanh niên càng được khẳng định hơn bao giờ hết, đặc biệt trong việc xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, cũng như quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra trường quốc tế. Mỗi thanh niên Việt Nam là một sứ giả văn hóa, góp phần xây dựng và bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của nước nhà.

Để làm được điều này, trước hết, thanh niên cần được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, thấm nhuần lý tưởng cách mạng, truyền thống văn hóa của dân tộc, được khơi dậy và phát huy tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu quê hương, và luôn nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc trong bối cảnh mới.

Những năm gần đây, văn hóa Việt Nam đang xuất hiện những tín hiệu đáng mừng với sự quan tâm ngày càng lớn của người trẻ trong việc phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống. Từ sở thích, đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, ngày càng có nhiều người trẻ tham gia vào việc phục dựng, sáng tạo những giá trị văn hóa từ di sản của cha ông để lại; tạo ra không ít dự án, sản phẩm thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.

Tiêu biểu như: “Trường ca kịch viện” - một dự án “Ca kịch” do một nhóm học sinh đến từ các trường THPT thực hiện từ năm 2019 với nhiều hoạt động bài bản, với mong muốn quảng bá, đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng, nhất là các bạn trẻ. Hay các dự án phục dựng lại trang phục cổ, đồ trang sức, nội thất truyền thống từ doanh nghiệp trẻ Ỷ Vân Hiên cũng là một điểm nhấn trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài cũng đam mê khám phá, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc một cách thầm lặng.

Tại Úc, cuốn sách song ngữ Anh - Việt đầu tiên khái quát về cổ phục Việt thời Lê sơ đã được xuất bản với tên gọi “Dệt nên triều đại” do nhóm Trung tâm Việt Nam (Vietnam Centre) thực hiện. Đây có thể được xem là những sứ giả thầm lặng, gắn những nhịp cầu góp phần đưa văn hóa Việt Nam không ngừng đi xa, để lại nhiều dấu ấn trong cộng đồng quốc tế.

Cần có chiến lược bài bản

Để có thể trở thành một quốc gia có nền văn hóa phát triển, thậm chí là tạo ra được làn sóng xuất khẩu văn hóa như một số quốc gia thành công trên thế giới, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển bài bản từ sớm.

Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng xây dựng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thiết lập một môi trường văn hóa lành mạnh. Đây chính là đòn bẩy để văn hóa đại chúng phát triển theo đúng giá trị cốt lõi của nó, cũng như tạo ra được một môi trường cổ vũ sáng tạo văn hóa, thúc đẩy giao lưu văn hóa theo hướng hòa nhập chứ không hòa tan. Và trên hết, tạo cơ chế khích lệ thế hệ trẻ tham gia xây dựng, phát triển, truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc. Có như vậy, thế hệ trẻ Việt Nam mới thực sự được trao niềm tin, tạo cơ hội để đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển văn hóa nước nhà, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương văn hóa tư tưởng.

Một điểm đáng lưu ý nữa là ngày nay, khi công nghệ thông tin không ngừng phát triển, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới ra đời đã tạo điều kiện cho quá trình giao lưu quốc tế trở nên dễ dàng hơn với mọi người. Những người trẻ Việt với thế mạnh về ngoại ngữ, khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy, đã chọn cách lập các kênh truyền thông trên mạng xã hội… nhằm xây dựng nội dung quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế với cả phụ đề Anh - Việt, giúp nhiều bạn bè thế giới dễ dàng tiếp cận như các dự án của nhóm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương, hay các kênh YouTube của Nguyễn Khánh Vương Anh giới thiệu về ẩm thực Việt, Sunny Vietnam giới thiệu nhiều clip về văn hóa - du lịch đặc sắc và vô vàn tấm gương điển hình khác.

Tựu trung, họ đều là những người trẻ với lòng đam mê, nhiệt huyết, có lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn, thấm đậm ý thức trách nhiệm của người trẻ trong việc bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc. Dù ở trong nước hay xa quê, những người trẻ này đều tự hào về truyền thống dân tộc, mong muốn chứng minh văn hóa Việt Nam với thế giới. Điều này cũng cho thấy ý thức về việc bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới đang ngày càng được nâng cao trong thế hệ trẻ, từ đó góp phần xây dựng, củng cố lòng tự tôn dân tộc trước làn sóng hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.

(*) Bài viết được trích từ tham luận tại hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.