Tuổi thơ quay về với bộ tranh làng quê của chàng họa sĩ trẻ

Phạm Hữu
Phạm Hữu
06/10/2020 18:44 GMT+7

Trong những ngày qua, bộ tranh về làng quê Bắc bộ mộc mạc của chàng hoạ sĩ trẻ Trần Công Nguyên (30 tuổi) làm nhiều người cảm thấy bồi hồi nhớ về một vùng quê bình yên, gắn liền với tuổi thơ.

Lấy cảm hứng từ làng quê tuổi thơ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại Huyện Xuân Trường (Nam Định), ngay từ nhỏ cậu bé Trần Công Nguyên đã bắt đầu với những nét vẽ nguệch ngoạc về làng quê của mình. Niềm đam mê hội họa của Nguyên được chấp cánh từ những năm học cấp 1 và kéo dài cho đến sau này. Lớn lên chàng trai quyết định thi vào Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành thiết kế mỹ thuật điện ảnh.

Bức tranh có tên "Chiều quê"

T

Tác phẩm "Sớm mai của mẹ"

Tác phẩm "Khoảng sân trước nhà"

Tác phẩm "Ngõ quê"

Ngay từ năm nhất đại học, Nguyên đã đi làm thêm và kiếm tiền bằng nghề vẽ và không cần chu cấp từ gia đình. Tuy nhiên, khi ra trường chàng trai đi làm cho một công ty về thiết kế game của Nhật Bản. Được thời gian ngắn, do không quen sự gò bó của môi trường văn phòng, Nguyên quyết định rời công ty ra ngoài làm họa sĩ tự do.
Cuối tháng 9 vừa rồi, chàng họa sĩ tự do đã cho ra đời bộ ảnh về làng quê Bắc bộ khiến nhiều người bồi hồi xúc động.
Nguyên cho biết đã sáng tác tranh từ rất lâu. Riêng bộ tranh làng quê này Nguyên sáng tác từ đầu năm 2020, và sẽ sáng tác thêm về đề tài làng quê hơn nữa. Nguyên cho rằng xuất thân từ làng quê nghèo nên đề tài nông thôn luôn là chất liệu gắn bó với anh.

Ký ức xưa

Tác phẩm "Ký ức về bà"

“Những hình ảnh ấy hiện nay không còn nhiều nên mình muốn tái hiện lại để thế hệ trẻ thời nay thấy được nét đẹp văn hóa xưa, còn những người đã trải qua khi nhìn tranh có thể tìm về ký ức tuổi thơ của mình”, Nguyên nói.
Trong bộ tranh, có những địa điểm được Nguyễn tái hiện lại ký ức, có bức cậu đi vẽ thực tế tại các làng quê tại Bắc bộ như: Cự Đà, Đường Lâm… và cả ở Nam Định quê của Nguyên.

Sẽ vẽ thêm về các vùng quê của 3 miền

Để thực hiện bộ tranh, theo Nguyên khó khăn nhất là những ngôi nhà cổ bây giờ hầu như không còn được nguyên trạng. Tất cả đều được sửa sang, mất nhiều chi tiết cổ xưa. Để vẽ ra được hồn quê, Nguyên phải nhớ lại khung cảnh tuổi thơ của mình, dùng những kiến thức về lịch sử mỹ thuật điện ảnh đã được học và tài liệu thực tế. Sau đó kết nối lại với nhau để sáng tác ra một bức tranh nhiều ý nghĩa.

Tác phẩm "Lối về"

Tác phẩm "Trở về tuổi thơ"

Ngoài ra, khi lên ý tưởng và phác thảo cho một tác phẩm Nguyên gần như “vò đầu bức tóc”. Mỗi bức tranh được sáng tác trong khoảng 5-8 ngày, cũng có khi cả tuần không có ý tưởng để vẽ được bức nào.
Nói về bức tranh Nguyên thích nhất “Khoảng sân trước nhà”. Bức tranh này Nguyên vẽ bằng ký ức của bản thân, không còn hình ảnh cụ thể nữa. Căn nhà 3 gian trong tranh cũng là hình ảnh đặc trưng của quê hương Nguyên và đã từng sống.
“Khi vẽ bức này cảm xúc của tôi rất dâng trào vì tuổi thơ của mình cũng hệt như thế, bố mẹ đi làm, ông ở nhà trông cháu. Hình ảnh chiếc chõng tre mà ông hay ngồi, ông kể chuyện cháu nghe, quan tâm cháu từng miếng ăn, giấc ngủ”, Nguyên chia sẻ.
Giải thích vì sao bộ tranh xuất hiện trên mạng xã hội, Nguyên cho biết sau khi hoàn thành mỗi một bức tranh Nguyên đều đăng tác phẩm đó lên trang cá nhân. Đó là kênh để tương tác với người yêu tranh và nhà sưu tập.
Nguyên nói thêm: “Những tác phẩm đầu tiên đã được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt và ngày càng có sự lan tỏa. Thực sự là tôi cảm ơn mọi người rất nhiều. Đó là động lực để tôi sáng tác thêm nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa”.
Trong tương lai, Nguyên sẽ nghiên cứu thêm về khung cảnh và văn hóa làng quê cả 3 miền đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.