Tước quyền hiện diện truyền thông

30/10/2022 06:14 GMT+7

Mở một kênh video cá nhân trên Facebook , YouTube, TikTok để thu hút người xem là việc quá đơn giản với nhiều bạn trẻ , nhưng cũng kể từ đó người mở kênh sẽ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt của việc tranh giành sự chú ý của công chúng.

Thế là không ít người phải bày đủ chiêu trò để thu hút công chúng mà họ vẫn tưởng là đang hãnh diện tham gia vào đội ngũ sáng tạo nội dung. Nào là “săn mây”, ngồi trên máy bay chụp ảnh mây qua cửa sổ. Nào là leo lên băng chuyền hành lý để quay TikTok, bất chấp thiên hạ ném cho ánh nhìn khó chịu. Nào là chạy ra khỏi khu vực quy định trên đường ra máy bay cũng chỉ vì quay TikTok, bất chấp quy định kiểm soát an ninh, an toàn hàng không.

Trong giới làm nội dung video trên Facebook, YouTube, TikTok hiện nay, mức độ sao chép, tái chế sản phẩm của người khác là rất nghiêm trọng. Bắt chước nhau nên đầy rẫy các video clip na ná nhau, cùng mô-típ gây nhàm chán cho công chúng.

Thế là phải “tăng đô”, chuyển sang bày trò gì đó bạo hơn mới hợp “khẩu vị” của công chúng. Đó là con đường thúc đẩy không ít Facebooker, YouTuber, TikToker nhảy vào khai thác chủ đề “mặn”, lao vào khai thác chủ đề tính dục nam nữ ở mức rất thô thiển, đầy phản cảm.

Chuyện xàm rồi cũng chóng nhàm. Không hẹn cũng đến ngày kiệt quệ ý tưởng thôi. Cuộc chiến sáng tạo nội dung vốn không dành cho kẻ hụt hơi trên đường sáng tạo do thiếu nội lực. Trong khi đó, không ít người đã tưởng mình đang đầy phong độ cạnh tranh sau khi gặt hái được những chỉ số thu hút công chúng khá ấn tượng.

Bối cảnh “kinh tế chú ý” (attention economy) đang đặt ra thách thức khủng khiếp là cứ mỗi phút có đến hàng nghìn mẩu thông tin trực tuyến muốn tiếp cận một cá nhân. Không phải bạn ném thứ gì đó được cho là hay ho lên mạng thì cũng đều sẽ được công chúng tiếp nhận. Công chúng giờ đây có quyền lực lớn hơn rất nhiều, dù họ vẫn đang là người dùng miễn phí.

Thế là không ít trường hợp các Facebooker, YouTuber, TikToker “bẻ lái” sáng tạo nội dung vào con đường vi phạm luật lệ xã hội. Video clip dàn dựng với các tình tiết hư cấu trượt khỏi đường ray pháp lý, hết bịa đặt để chửi người miền Trung rồi dựng chuyện để bôi xấu Đà Lạt. Mới đây nhất là chuyện Công an tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt 25 triệu đồng đối với nhóm thanh niên gồm một nam, hai nữ dàn dựng video clip và đăng tải trên TikTok với nội dung sai sự thật gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Đà Lạt.

Câu hỏi lớn hơn nên đặt ra tiếp theo chuyện này không phải là nâng mức tiền phạt lên, mà là điều chỉnh khung pháp luật để “tước quyền” hiện diện truyền thông đối với những trường hợp rõ ràng có dấu hiệu xem thường pháp luật, sẵn sàng sử dụng truyền thông để làm chuyện gây hại cho cá nhân, cộng đồng, địa phương, quốc gia. Tương tự như tước giấy phép lái xe với người vi phạm nghiêm trọng vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.