Tuần duyên Mỹ được phép xét tàu nước ngoài trong EEZ của Papua New Guinea

31/07/2023 17:12 GMT+7

Tuần duyên Mỹ có quyền lên và khám xét các tàu nước ngoài bị nghi ngờ thực hiện hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Papua New Guinea (PNG) mà không cần phải có lực lượng PNG trên tàu, theo một thỏa thuận giữa hai nước.

Giới chức lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết một thỏa thuận về thực thi pháp luật trên biển giữa Mỹ và Papua New Guinea bao gồm một điều khoản mới cho phép lực lượng này thay mặt PNG lên và khám xét một tàu khả nghi mà không yêu cầu lực lượng của PNG phải có mặt với tư cách "shiprider", theo tường thuật của Reuters ngày 31.7.

"Shiprider" là cơ chế cho phép lực lượng thực thi pháp luật và quốc phòng của các quốc gia đối tác hiện diện trên tàu của Tuần duyên và Hải quân Mỹ để quan sát và khám xét các tàu bị nghi ngờ có hoạt động phạm pháp trong EEZ của các quốc gia này hoặc ở khu vực biển cả.

"Việc vận dụng điều khoản đó trong thực tế sẽ mất nhiều công sức - tạo ra các biểu mẫu tiêu chuẩn... và các đường dây liên lạc giữa các trung tâm chỉ huy của hai quốc gia chúng tôi, nhưng khi công việc đó hoàn thành, vâng, đây chính là cơ chế cho phép (chúng tôi) nhanh chóng lên tàu (mà không cần shiprider)", một phát ngôn viên của Tuần duyên Mỹ cho biết trong tuyên bố trả lời Reuters.

Tuần duyên Mỹ được phép khám tàu nước ngoài trong EEZ của Papua New Guinea - Ảnh 1.

Tàu tuần duyên Mỹ tuần tra trong EEZ của Palau, một đảo quốc ở Thái Bình Dương

TUẦN DUYÊN MỸ

Lực lượng Tuần duyên Mỹ đang được trao vai trò lớn hơn để củng cố an ninh hàng hải tại khu vực mà các đội tàu đánh cá xa bờ quy mô lớn của Trung Quốc hoạt động, cũng là khu vực mà Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự.

Các tàu hải quân Trung Quốc thường xuyên đi qua một eo biển hẹp giữa Úc và PNG, di chuyển giữa châu Á và Thái Bình Dương. Tàu Trung Quốc cũng đậu ngoài khơi bờ biển Úc.

Tuần duyên Mỹ có các thỏa thuận "shiprider" với hàng chục quốc đảo Thái Bình Dương, vốn thường được sử dụng để tuần tra phát hiện các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. Song thỏa thuận với PNG là thỏa thuận đầu tiên có điều khoản cho phép lên tàu được Mỹ ký với một quốc gia mà Washington không có trách nhiệm phòng thủ đầy đủ.

PNG đã trở thành tâm điểm chú ý của Mỹ sau khi Trung Quốc ký kết một thỏa thuận an ninh bí mật với Quần đảo Solomon vào năm ngoái.

Hồi tháng 5, PNG đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ. Trong chuyến thăm PNG tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo về việc triển khai một tàu tuần duyên Mỹ vào tháng 8.

Thủ tướng PNG James Marape cho biết nước này đã không thể tuần tra EEZ rộng 2,7 triệu km2 để phát hiện các hoạt động bất hợp pháp từ buôn bán ma túy cho đến đánh bắt trái phép. Văn phòng của ông không lập tức phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

"Chúng tôi có thể lên bất kỳ tàu cá nào đánh bắt trong (EEZ của) PNG - bất kỳ tàu nào mang cờ, bao gồm cờ Trung Quốc", phát ngôn viên của Tuần duyên Mỹ nói với Reuters.

Liên bang Micronesia, một đảo quốc khác ở Thái Bình Dương, đã ký với Mỹ thỏa thuận tương tự vào năm ngoái.

Tại Canberra hôm 29.7, ông Austin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp Úc cho biết việc triển khai thường trực một tàu tuần tra của Tuần duyên Mỹ tại khu vực vào năm tới sẽ hỗ trợ việc thực thi luật pháp trên biển.

Phát biểu tại Vanuatu tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng hoạt động bất hợp pháp của các đội tàu đánh cá nước ngoài đe dọa chủ quyền trên biển của các nước nhỏ và là một phần của "chủ nghĩa đế quốc mới".

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của các đảo quốc Thái Bình Dương và coi các nước này không phải là "sân sau" của bất kỳ quốc gia nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.