Từ vụ Facebook kiện 4 người Việt Nam: Bản án, quyết định liệu có được thi hành?

Phan Thương
Phan Thương
01/07/2021 15:48 GMT+7

Bản án, quyết định về vụ Facebook kiện 4 người Việt Nam sẽ được thi hành tại Việt Nam hay không, dựa vào Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Facebook thông báo kiện 4 người Việt Nam 

Mạng xã hội Facebook thông báo kiện 4 người Việt Nam lên tòa án quận tại TP.Oakland (bang California, Mỹ), vì gây thiệt hại 36 triệu USD tiền quảng cáo trên nền tảng này.
Theo Facebook, 4 người Việt Nam gồm Nguyễn Th. (còn gọi là Nguyễn H.Th.), Lê K., Nguyễn Q.B và Phạm H.D (còn gọi là D.Ma), đã dùng thủ thuật để chiếm đoạt các tài khoản và chạy quảng cáo trái phép, khiến mạng xã hội này mất 36 triệu USD (gần 830 tỉ đồng).
Cụ thể, để chiếm đoạt tài khoản, nhóm bị đơn phát triển một ứng dụng có tên “Ad Manager for Facebook” và đưa lên kho ứng dụng Google Play Store. Ứng dụng này được cho là giúp quản lý và tối ưu hóa quảng cáo trên Facebook, được giả mạo như công cụ quản lý các trang trên Facebook, nhưng thực chất không phải là ứng dụng chính chủ của mạng xã hội này. Những người sử dụng sau khi cài đặt và đăng nhập vào ứng dụng sẽ bị chiếm đoạt tên đăng nhập và mật khẩu Facebook. Qua đó, nhóm bị đơn có thể đăng nhập tài khoản Facebook của nạn nhân và đăng quảng cáo trái phép.
Mạng xã hội Facebook còn cho biết nhóm người đã dùng các tài khoản chiếm dụng được để chạy hơn 10.000 quảng cáo trên Facebook, Instagram (mạng xã hội chia sẻ hình ảnh cũng thuộc Facebook). Ngoài ra, nhóm cũng cho thuê lại tài khoản có thể chạy quảng cáo để livestream, dùng để quảng cáo cho các website bán vật phẩm của họ, hướng tới người dùng Mỹ, châu Âu và Việt Nam.

Nếu bản án được công nhận tại Việt Nam, sẽ được thi hành

Đối với việc một công ty nước ngoài khởi kiện người Việt Nam tại bang California, Mỹ, luật sư Lương Văn Trung (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC) cho biết bản án nước ngoài sẽ được thi hành tại Việt Nam nếu được Việt Nam công nhận. Việc công nhận hay không sẽ dựa trên Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc theo nguyên tắc có đi có lại (tức nếu tòa án tại Mỹ đã công nhận bản án của của tòa Việt Nam thì Việt Nam có thể công nhận bản án của tòa án tại Mỹ).
Luật sư Lương Văn Trung phân tích, theo Điều 427.1, Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định: “Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không được tòa án Việt Nam công nhận thì không có hiệu lực pháp luật tại Việt Nam, trừ trường hợp đương nhiên được công nhận quy định tại Điều 431 của Bộ luật này”.
Điều 431 BLTTDS 2015 quy định bản án, quyết định của tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam khi “Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được quy định tại điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên”.
Ngoài ra, luật sư Lương Văn Trung nêu, trường hợp Việt Nam và quốc gia nơi ra bản án, quyết định dân sự không cùng là thành viên của điều ước quốc tế quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, thì tòa án Việt Nam vẫn có thể công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài trên cơ sở có đi có lại khi có yêu cầu công nhận và cho thi hành. “Việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại phải phù hợp, không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, luật sư Trung nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Lương Văn Trung, hiện Facebook đang có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, khi phát hiện nhóm bị đơn có tài sản ở bất cứ nước nào trên thế giới thì Facebook có quyền yêu cầu các nước đó công nhận và thi hành bản án, quyết định. “Đối với nước Mỹ, được nhiên họ có thể giữ (bắt) bị đơn khi những người này xuất hiện tại Mỹ để buộc họ thi hành bản án, quyết định có hiệu lực”, ông Lương Văn Trung cho hay.
Quyết định số 572/2012/QĐST ngày 3.5.2012 trả lại đơn yêu cầu công nhận Bản án dân sự số 302/2008 và Bản án số 1365/2010 của Tòa án tối cao đặc khu hành chính Hồng Kông và Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao đặc khu hành chính Hồng Kông với lý do “Việt Nam và Đặc khu Hồng Kông chưa ký kết gia nhập điều ước quốc tế về việc công nhận và cho thi hành bản án quyết định của hai bên. Việt Nam và Đặc khu hành chính Hồng Kông chưa có văn bản chính thức về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc công nhận và cho thi hành bản ản, quyết định Dân sự của Tòa án nước ngoài. Tòa án Hồng Kông không áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Do đó, chưa đủ điều kiện xét đơn yêu cầu cho thi hành bản án của Tòa án Hồng Kông tại Việt Nam”.
Liên quan đến vấn đề giải quyết phá sản, tòa án Việt Nam có quyết định số 01/2016/QĐST-KDTM ngày 8.7.2016 công nhận và cho thi hành (i) Quyết định tuyên bố về tình trạng mất khả năng thanh toán của công ty T số MSPH 93 INS 4348/2015-A-66 ngày 26.6.2015 và (ii) Quyết định tuyên bố về tình trạng phá sản của Công ty T số MSPH 93 INS 4348/2015-B-3 ngày 22.7.2015 dựa vào các cơ sở pháp lý sau: Điều 47, Điều 51, Điều 52 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý ngày 12.10.1982 về dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHXHCN Tiệp Khắc, được Cộng hòa Séc kế thừa; Điều 118 Luật Phá sản năm 2015; và Điểm a khoản 3 Điều 443 BLTTDS năm 2015. Theo đó, tòa án Việt Nam chấp thuận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành các quyết định liên quan của Cộng hòa Séc. 
Đối với vụ Facebook kiện 4 người Việt Nam, bản án, quyết định liên quan sẽ được thi hành nếu được Việt Nam công nhận. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.