Từ vụ F88, cần lấp 'lỗ hổng' trong hoạt động cầm đồ

14/03/2023 16:02 GMT+7

Các quy định pháp luật chặt chẽ sẽ giúp hoạt động cầm đồ minh bạch và lành mạnh hơn, vừa đáp ứng cung - cầu, vừa tránh xảy ra những hệ lụy không mong muốn.

Mới đây, lực lượng của Công an TP.HCM đã thực hiện khám xét trụ sở làm việc của Công ty F88. Theo thông tin ban đầu, Công ty F88 chuyên cho vay với hàng trăm nhân viên thu hồi nợ, có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.

Cũng liên quan đến hoạt động cho vay, thời gian qua, Cục Cảnh sát hình sự và công an các địa phương liên tiếp xử lý các vụ việc đòi nợ kiểu "khủng bố" người vay, gây mất an ninh trật tự…

Từ vụ F88, cần lấp 'lỗ hổng' trong hoạt động cầm đồ - Ảnh 1.

Chi nhánh Công ty F88 trên đường Trần Quang Khải (Q.1, TP.HCM) bị công an khám xét chiều 6.3

TRẦN DUY KHÁNH

Thực tế cho thấy, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân là rất lớn. Trong khi ngân hàng đòi hỏi những điều kiện vay nhất định, bao gồm chứng minh năng lực tài chính, thì hoạt động cầm đồ hoặc cho vay tín chấp lại dễ dàng hơn rất nhiều.

Những loại hình cho vay này thường có thủ tục đơn giản, người vay không cần chứng minh năng lực tài chính, giải ngân lại nhanh gọn. Vì thế, nhóm khách hàng không thể vay tiền qua ngân hàng sẽ tới cầm đồ, vay tín chấp.

Tuy nhiên, đi cùng với ưu điểm, hoạt động cầm đồ và các loại hình cho vay khác cũng tiềm ẩn những vấn đề xã hội, nhất là việc thu hồi nợ, ví dụ như các vụ việc đã nêu ở trên.

Nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để đảm bảo cho các hoạt động cho vay này minh bạch, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa không để xảy ra các hệ lụy không mong muốn.

Theo luật sư Chu Thị Út Quỳnh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, thông thường các ngân hàng có mức lãi suất cho vay thấp nhưng giấy tờ và thủ tục lại phức tạp, còn các công ty tài chính có thủ tục đơn giản nhưng lãi suất lại cao hơn. Thủ tục vay dễ hơn sẽ đi kèm nhiều rủi ro hơn, vì vậy cho vay tiêu dùng có lãi suất cao hơn so với ngân hàng là điều bình thường.

Thông tư số 39/2016 và 43/2016 của NHNN quy định về lãi suất cho vay tiêu dùng, theo đó tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ thỏa thuận về lãi suất cho vay dựa trên cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cầm đồ

Để tránh sự tùy tiện, NHNN nên ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống, trong từng thời kỳ, bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất.

Song song với việc hoàn thiện các quy định pháp luật, vai trò quản lý của nhà nước cũng cần được nâng cao thông qua hoạt động cấp phép thành lập và hoạt động, thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh và xử lý nếu có vi phạm.

Tương tự, với hoạt động cầm đồ, luật sư Quỳnh cho rằng loại hình này đang phải tuân thủ giới hạn lãi suất không quá 20% theo quy định của bộ luật Dân sự. Ngoài ra, không có quy định nào về vấn đề thu phí khi cho vay hay các vấn đề về thu hồi nợ, giới hạn đòi nợ, thu giữ tài sản…, khiến lãi suất thực tế cao hơn rất nhiều. Do đó, cơ quan quản lý cần có quy định về việc không cho phép hoặc nếu cho phép thì mức thu các loại phí này là bao nhiêu.

Riêng về việc thu hồi nợ, NHHN đã quy định rõ biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa khách hàng; số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ do các bên thỏa thuận; thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ…

Từ những cơ sở này, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cầm đồ, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của cả người vay và người cho vay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.