Tư vấn truyền hình trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh

24/06/2016 08:00 GMT+7

Năm nay lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức đồng thời ở trên tất cả các tỉnh thành của cả nước với 120 cụm thi.


Để phù hợp với sự thay đổi này, chương trình Tiếp sức mùa thi lần thứ 15 do T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long đồng tổ chức cũng được mở rộng trên 63 tỉnh thành.
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 24.6, Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn trực tuyến truyền hình chương trình Tiếp sức mùa thi với chủ đề “Đồng hành cùng thí sinh” tại địa chỉ: thanhnien.vn. Tham dự có đại diện T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, các hội Sinh viên TP.HCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Các khách mời sẽ cung cấp thông tin chi tiết và giải đáp cặn kẽ băn khoăn về chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay. Đặc biệt, chương trình sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích về kế hoạch tiếp sức thí sinh ở từng cụm thi cụ thể về nhà trọ, ăn ở, đi lại… Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi ở box bên cạnh hoặc gọi điện thoại số (08) 39309242.
***
Mở đầu buổi tư vấn truyền hình trực tuyến, nhà báo Thùy Ngân cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào đầu tháng 7 tới đây có một số thay đổi so với năm 2015. Đây là lần đầu tiên kỳ thi nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ được đồng thời tổ chức ở 63 tỉnh, thành với 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi do các sở GD-ĐT phụ trách. Những điểm mới của kỳ thi chắc chắn khiến không ít thí sinh lo ngại. Tuy nhiên , những ai từng là thí sinh dự thi ĐH,CĐ các năm trước đều biết rằng có chương trình Tiếp sức mùa thi do T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long diễn ra trong nhiều năm qua thật sự là người bạn đồng  hành, tin cậy, luôn hỗ trợ thí sinh.

Năm nay, do đổi mới trong tuyển sinh nên chương trình  Tiếp sức mùa thi cũng sẽ có những thay đổi tương ứng. Không tập trung chỉ ở những thành phố lớn như các năm trước mà mở rộng ở khắp các tỉnh, thành.

Nằm trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Hướng dẫn thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ” do Báo Thanh Niên thực hiện từ đầu tháng 4 và dự kiến kéo dài đến tháng 8.2016, chương trình diễn ra ngày hôm nay với chủ đề “Đồng hành cùng thí sinh”. Tham gia chương trình, đại diện các đơn vị sẽ đề cập đến sự chuẩn bị trên nhiều phương diện để sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh và phụ huynh về nơi ăn chốn ở, đường xá, phương tiện di chuyển thuận lợi… Tất cả đều nhằm góp phần đảm bảo cho kỳ thi diễn ra một cách an toàn, thuận lợi, tạo tâm lý tốt cho thí sinh để đạt kết quả cao nhất.

Các đơn vị tham gia chương trình gồm:  

- Phó chủ tịch Hội Sinh viên VN Lâm Đình Thắng
- Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT Nguyễn Quốc Cường
- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM Quách Hải Đạt
- Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM Lê Xuân Dũng
- Trưởng ban Trường học Tỉnh đoàn Đồng Nai Vũ Thị Hương
- Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương Trịnh Thị Thúy Hằng


Tham gia chương trình hôm nay còn có các tình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi tại TP.HCM.

Tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình

Anh Lâm Đình Thắng, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, phát biểu

Anh Lâm Đình Thắng, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, cho biết: 14 năm qua, Chương trình Tiếp sức mùa thi đã được các đơn vị tổ chức liên tục, chu đáo, hỗ trợ đắc lực cho thí sinh dự các kỳ thi tuyển sinh. Chương trình nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ là tổ chức mùa thi an toàn, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Đây đồng thời cũng là truyền thống của người dân VN - nhân văn, nghĩa tình.

Năm nay, Chương trình Tiếp sức mùa thi lần đầu tiên được mở rộng quy mô trên toàn quốc. Chương trình được đồng loạt triển khai ở 63 tỉnh, thành và được tăng cường nguồn lực cho tình nguyện viên để các tình nguyện viên tiếp cận, hỗ trợ tốt nhất với thí sinh.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT: Chỉ còn 8 ngày nữa kỳ thi diễn ra. Đến nay, thí sinh đã có giấy báo dự thi trong tay và nắm vững địa điểm thi. Các cụm thi cũng chuẩn bị xong công tác tổ chức thi. Bên cạnh đó, chương trình Tiếp sức mùa thi do T.Ư Hội sinh viên VN tổ chức cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho thí sinh.

Năm nay kỳ thi có một số thay đổi so với năm trước khi có đồng thời 2 loại cụm thi tốt nghiệp và ĐH. Tại TP.HCM có 4 cụm, 64 điểm thi và trên 66.702 thí sinh dự thi. Năm nay thí sinh Cần Giờ lên dự thi tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sẽ phải đi qua phà Bình Khánh. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của chương trình Tiếp sức mùa thi sẽ hỗ trợ cho thí sinh.
Các tình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi tại TP.HCM

 Anh Lê Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, sinh viên TP.HCM: Chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay được tổ chức lần thứ 20, bắt đầu từ năm 1997. Mọi thứ đã sẵn sàng tiếp đón tất cả thí sinh thi tại TP.HCM để thi và xét tuyển. Ngày 25.6 ra quân đến 4.000-5.000 SV tình nguyện trực tại 64 điểm thi cho hơn 66.000 thí sinh... Chúng tôi tập huấn kiến thức, kỹ năng cho tình nguyện viên, cập nhật những thay đổi trong kỳ thi để hỗ trợ thí sinh hiệu quả.

Năm nay Tiếp sức mùa thi thay đổi, tập trung hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi: tư vấn, giải đáp thông tin về kỳ thi quốc gia, đảm bảo quá trình di chuyển thuận lợi an toàn tới phòng thi, tránh tình trạng sai sót, có đội hình đưa đón thí sinh khẩn cấp. Ngoài ra tập trung trang bị tư vấn thông tin kiến thức cần biết trong công tác xét tuyển.

Giai đoạn 2 hỗ trợ thí sinh và người nhà đi nộp hồ sơ xét tuyển, kéo dài từ 1 -12.8. Sinh viên tình nguyện bố trí ở bến xe, các trường, trên các tuyến xe buýt.
Chị Vũ Thị Hương - Trưởng ban Trường học tỉnh Đoàn Đồng Nai


Chị Vũ Thị Hương - Trưởng ban Trường học tỉnh Đoàn Đồng Nai:
Đây là lần đầu tiên Đồng Nai tham gia tổ chức cụm thi ĐH. Có 7 đội hình thường trực, trong đó có 20 điểm thi được tiếp sức. Thành lập đội hình phản ứng nhanh, hậu cần, trọ và xe ôm. Có trên 500 tình nguyện viên tham gia. Ngày 26.6 ra quân chiến dịch. Ngày 29.6 bắt đầu tiếp sức cho thí sinh về Biên Hòa làm thủ tục thi, tìm nhà trọ. Các nhà trọ, điểm ăn nghỉ đã hoàn tất. Chúng tôi thành lập trang tiếp sức mùa thi và số điện thoại đường dây nóng cho thí sinh liên hệ.
Chị Trịnh Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương: Bên cạnh hỗ trợ ăn ở và đi lại, chúng tôi có thêm việc thực hiện những điểm vá xe lưu động hỗ trợ thí sinh và phụ huynh trên đường đi thi. Bên cạnh đó hỗ trợ việc phân tuyến giao thông giờ cao điểm. Số lượng thí sinh của Bình Dương năm nay trên 10.000, 391 phòng thi tại 13 điểm. Tỉnh sẽ hỗ trợ tập huấn để tình nguyện viên tham gia trực tại các điểm thi. Lực lượng này có phương án hỗ trợ chủ động với thí sinh, đặc biệt thí sinh khó khăn có phương án hỗ trợ ăn ở.

Điểm nhấn năm nay là tập trung hỗ trợ cho thí sinh vùng sâu vùng xa, hỗ trợ phương tiện đi lại, chỗ ăn ngủ. Đã có trên 80 phòng trọ miễn phí cùng ký túc xá tại 1 số trường ĐH. Một ngày có khoảng hơn 2.000 suất cơm miễn phí.
* Tiến, SV ĐH Sài Gòn đặt câu hỏi tại hội trường: “Năm nay có điểm gì mới trong xét tuyển và có thể tránh tình trạng mất ổn định như năm ngoái?”.

- Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT: Việc xét tuyển năm 2016 khác hoàn toàn năm ngoái. Đợt 1 từ ngày 1-12.8, mỗi thí sinh được quyền nộp hồ sơ vào 2 trường và mỗi trường được lựa chọn 2 nguyện vọng. Trong khi nộp hồ sơ, thí sinh không được quyền rút hồ sơ ra nộp lại vào trường khác, điều này sẽ tránh tình trạng xáo trộn. Năm nay thí sinh có thể nộp hồ sơ theo 3 cách: bưu điện, trực tuyến và tại trường.
Thí sinh trúng tuyển vào trường nào thì nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường muốn học trước 17 giờ ngày 15.8.
* Bạn đọc hỏi: Nếu nhà người thân của em ở Q.Tân Bình, em thi ở Thủ Đức thì làm sao di chuyển thuận lợi nhất? Đặc biệt trong tình huống kẹt xe. Trong ngày thi em có thể ở lại điểm thi đó được không?

- Anh Quách Hải Đạt, Đại diện Hội sinh viên TP.HCM: Nên nhờ người thân đưa đi bằng xe máy, đi quốc lộ 1A hoặc Phạm Văn Đồng. Trong trường hợp kẹt xe hay bị sự cố thì liên lạc trực tiếp số điện thoại 0838274707, Ban tổ chức sẽ có sự hỗ trợ khẩn cấp. Ban tổ chức có phối hợp với VOV giao thông quốc gia để thông tin về các tuyến đường. Các bạn nên cập nhật ở kênh này.

Thí sinh được phép ở lại buổi trưa tại điểm thi, chúng tôi sẽ hỗ trợ ăn nhẹ, nước uống... và hỗ trợ để tạo tâm lý thoải mái nhất cho thí sinh. Các bạn cũng nên chuẩn bị địa điểm ăn uống an toàn.  
Toàn cảnh buổi truyền hình trực tuyến


* Bạn đọc hỏi: Sinh viên tiếp sức sẽ làm công việc gì?

- Chị Vũ Thị Hương - Trưởng ban Trường học tỉnh Đoàn Đồng Nai: ĐỐi với các bạn tình nguyện viên tham gia đội hình tiếp sức mùa thi sẽ được tập huấn ngay sau lễ ra quân. Chúng tôi mời các chuyên gia về tiếp sức mùa thi có kinh nghiệm về tập huấn trực tiếp. Gồm quy chế tuyển sinh, kỹ năng giao tiếp... Đội hình xe bus được trang bị thông tin về các tuyến xe, giờ giấc. Đội hình xe ôm thì tập huấn thông tin về đường đi, địa bàn...
* Một câu hỏi của thí sinh gửi tới chương trình: “Nếu mất hết giấy tờ tùy thân, thí sinh có được tham gia dự thi không?”.

- Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT: Những kỳ thi trước có không ít thí sinh bị mất hết giấy tờ ngay trước thời điểm gần giờ thi. Tôi khẳng định, các thí sinh này vẫn được tạo điều kiện tốt nhất để vào dự thi. Ngay khi đến điểm thi, thí sinh cần báo ngay với hội đồng thi để tiến hành chụp ảnh, lấy dấu vân tay và viết giấy cam đoan để tránh trường hợp thi hộ.

* Một bạn đọc ở Bình Dương đặt câu hỏi: Gia đình tôi ở Bình Dương muốn giúp đỡ về chỗ ở cho thí sinh nghèo trong thời gian thi thì có thể liên hệ với ai? Ở đâu?
Chị Trịnh Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương


- Chị Trịnh Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương: Trong trường hợp gia đình muốn giúp đỡ chỗ ở cho thí sinh thì có thể gọi điện thoại cho Văn phòng Hội sinh viên tỉnh Bình Dương, số 0650 38 34 796. Văn phòng Hội sinh viên tỉnh Bình Dương sẽ tiếp nhận thông tin đăng ký và có hướng dẫn cụ thể.
- Anh Lê Xuân Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV: Với thí sinh bị mât giấy tờ hoặc bỏ quên thì liên lạc trực tiếp với đội hình sinh viên tình nguyện để được hỗ trợ, hướng dẫn. Nếu bỏ quên trên tuyến xe buýt chúng tôi sẽ liên hệ với hãng xe buýt để xin lại giấy tờ. Trong trường hợp quên ở nhà thì các bạn tình nguyện viên sẽ hỗ trợ bằng cách chở thí sinh về nhà trong thời gian ngắn nhất.

* Tình nguyện viên cần chuẩn bị kiến thức và kỹ năng gì để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh?  

- Anh Lê Xuân Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV: Nhận được hơn 10.000 phiếu đăng ký. Chúng tôi sẽ sơ tuyển để lựa chọn ra những người có đủ tiêu chí vì chỉ cần tư vấn sai là sẽ gây hại cho thí sinh. Yêu cầu là phải có kiến thức chung về kỳ thi THPT quốc gia và phương thức xét tuyển. Các kỹ năng cơ bản phải có là giao tiếp, thuyết phục, làm việc nhóm. Ngoài ra, còn đòi hỏi tính kỷ luật phải cao; tuân thủ quy định nghiêm ngặt của chương trình như giờ trực, tác phong...
Anh Lê Xuân Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV

- Chị Vũ Thị Hương - Trưởng ban Trường học tỉnh Đoàn Đồng Nai: Đội hình tư vấn thường trực có cẩm nang các nội dung, kiến thức về kỳ thi, về xét tuyển, địa điểm thi... Chúng tôi cũng tập huấn các bạn phối hợp với công an, cảnh sát giao thông để hỗ trợ các điểm thi đông đúc trong giờ cao điểm, các điểm bị ngập lụt...
- Chị Trịnh Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương, cho biết về các kỹ năng mà tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi cần có và sẽ được huấn luyện: Đối với các tình nguyện viên thì yêu cầu đầu tiên là sức khỏe. Còn đối với từng đội hình, vị trí, nhiệm vụ được phân công mà tình nguyện viên sẽ có những yêu cầu, được huấn luyện thêm các kỹ năng khác nhau.

Ví dụ, tình nguyện viên đưa đón thí sinh phải biết chạy xe máy; biết rõ đường đi, địa điểm thi, địa điểm ăn uống; biết vị trí phòng thi.

Các bạn tình nguyện viên phải tìm hiểu, thực địa trước khu vực, mảng, nhiệm vụ mà mình được phân công hỗ trợ thí sinh.

Quang cảnh buổi truyền hình trực tuyến




Hạn chế tối đa việc thành lập "hàng rào sống"
Năm 2015 chương trình nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội và có nhiều ý kiến góp ý về việc tình nguyện viên tiếp sức mùa thi lập "hàng rào sống" để phân luồng giao thông.

Dưới góc độ cá nhân, chúng tôi nhận định tình huống phân làn giao thông là việc buộc phải làm. Tuy nhiên, năm nay chúng tôi chỉ đạo hạn chế tối đa việc thành lập "hàng rào sống", thay vào đó phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng cảnh sát giao thông để điều phối giao thông. Với tình nguyện viên được phân công hỗ trợ cảnh sát, các bạn được chính các chiến sĩ cảnh sát giao thông tập huấn.
Anh Lê Xuân Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV

* Thí sinh hỏi: Làm sao để nhận diện được đâu là đội quân tiếp sức mùa thi thật? Nếu gặp đối tượng lừa đảo thì phải làm sao?

- Anh Lê Xuân Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV: Trong những năm qua, có rất nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh chương trình để thực hiện động cơ xấu. Tuy nhiên gần đây đã giảm. Những đặc điểm các bạn cần lưu ý: Đội SV tình nguyện trực ngay tại địa điểm thi, theo nhóm chứ không đơn lẻ 1-2 cá nhân. Các SV tình nguyện mặc áo xanh cổ đỏ và có logo Tiếp sức mùa thi.

Các bạn nên liên hệ với tình nguyện viên ở ngay cổng trường nơi điểm thi của mình. Trong trường hợp các bạn nghi ngờ đối tượng lừa đảo, thí sinh có quyền hỏi những thông tin cơ bản, yêu cầu cho xem thẻ. 0838274706 là số điện thoại thí sinh liên hệ khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ như vậy. 
* Một thí sinh hỏi: “Sau khi nộp hồ sơ thì làm sao để biết kết quả xét tuyển, ở thời điểm này phát hiện sai sót thông tin dự thi phải làm gì”.

- Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ở đợt 1 thí sinh nộp hồ sơ từ 1-12.8, đến ngày 15.8 các trường sẽ thông báo điểm chuẩn. Vì vậy, thí sinh sẽ theo dõi điểm chuẩn của đợt xét tuyển đầu tiên tại các trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
* Sinh viên tình nguyện tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Thí sinh đi thi thường quên máy tính, Trung tâm Hỗ trợ SV có thể huy động được nguồn tài trợ nào để hỗ trợ cho thí sinh không?

- Anh Lê Xuân Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV: Trung tâm đã vận động được nhiều vật phẩm như đồng phục, trang phục, cẩm nang, nước uống, suất ăn nhẹ... để hỗ trợ tình nguyện viên.

Chúng tôi sẽ cố gắng huy động thêm những vật dụng văn phòng để hỗ trợ thí sinh. Qua đây, chúng tôi khuyên thí sinh nên chuẩn bị đầy đủ những vật dụng quan trọng và nhớ mang theo.

* Nguyễn Hữu Cảnh, SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Lần đầu tiên em tham gia chương trình, em phải làm sao để làm cho thí sinh và phụ huynh tin tưởng khi trang phục, thẻ SV đều có thể làm giả?
- Anh Lê Xuân Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV: Có rất nhiều SV lần đầu tiên tham dự tiếp sức. Để giúp các bạn yên tâm, Ban tổ chức có những buổi tập huấn chung và riêng cho từng đội hình. Số lượng thí sinh ở tỉnh về chỉ có một số thí sinh ở Long An. Tình trạng bị phụ huynh nghi ngờ rất ít. Các bạn cần tạo phong thái chững chạc và tự tin, hoạt động theo nhóm chứ không hoạt động đơn lẻ, và hoạt động theo sự phân công, bố trí của đội trưởng.
Liên quan đến việc sinh viên tình nguyện tham gia điều phối giao thông, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, cho biết: Năm 2016 Bộ GD-ĐT đã có công văn về đảm bảo an toàn công tác tổ chức thi THPT quốc gia. Sắp tới, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM sẽ có văn bản gửi các cơ quan ban ngành cùng phối hợp tổ chức kỳ thi này tốt nhất. Trong đó, việc điều phối giao thông sẽ có Sở GTVT TP.HCM cùng tham gia để điều phối giao thông tốt, tránh tình trạng sinh viên tình nguyện phải đứng ra làm “lá chắn sống” trên các tuyến đường.
- Anh Lê Xuân Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV: Để thuận tiện trong việc tiếp sức, Trung tâm Hỗ trợ HS-SV lập số điện thoại đường dây nóng 0838274706, địa chỉ Trung tâm là 33 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM. Thí sinh cũng có thể truy cập vào trang web www.hotrosinhvien.vn để tìm hiểu thông tin.

- Chị Vũ Thị Hương - Trưởng ban Trường học tỉnh Đoàn Đồng Nai:
Trung tâm hỗ trợ HS-SV tại Đồng Nai có số điện thoại đường dây nóng là 0613842659, trụ sở của Trung tâm đặt tại số 48 Võ Thị Sau, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa, Đồng Nai

- Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT: Đường dây nóng của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM là 0942 659 300.
 
ẢNH TRỰC TUYẾN 24.6 - ảnh 5Các tình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi tại TP.HCM

- Chị Trịnh Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương, cũng công bố Đường dây nóng Chương trình Tiếp sức mùa thi của tỉnh Bình Dương: 0650 38 34 796; địa chỉ Văn phòng Hội sinh viên tỉnh Bình Dương: Tầng 8, tháp B Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương; website http://tuoitrebinhduong.vn/

Kết thúc chương trình, nhà báo Thùy Ngân chia sẻ: Chúng tôi hy vọng những thông tin cần thiết từ các đơn vị tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi đã giúp thí sinh an tâm bước vào kỳ thi săp tới cho dù lần đầu tiên thí sinh mới đến những địa phương này. Cho dù công tác tổ chức thi có nhiều thay đổi thì như các bạn đã thấy, chương trình Tiếp sức mùa thi cũng đổi mới để luôn là người bạn đồng  hành, hỗ trợ thí sinh. Vì thế, có thể nói rằng thí sinh đừng lo ngại gì cả, chỉ cần ôn tập kỹ nắm vững kiến thức, chăm lo sức khỏe và chuẩn bị một tinh thần sáng khóa, chúng ta sẽ tự tin bước vào kỳ thi.

Chúng tôi chúc các thí sinh đạt được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia, chọn được một trường ĐH ưng ý phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân.

Xin cảm ơn đại diện các đơn vị, các tình nguyện viên đã tham gia tư vấn trong chương trình hôm nay. Cảm ơn quý khán giả, độc giả theo dõi chương trình. Hẹn gặp lại trong chương trình kế tiếp trong tháng 7 khi thí sinh đã thi xong, chuẩn bị tìm trường xét tuyển. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại trong tháng 7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.