Tử tế thành 'Quy luật của muôn đời'

13/07/2022 04:12 GMT+7

Khi xem lại bộ phim tài liệu nổi tiếng Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy, ngay từ những đúp phim đầu, tôi đã bắt gặp hình ảnh một đồng nghiệp của đạo diễn đang nằm trên giường bệnh.

Anh đọc cho các bạn đồng nghiệp tới thăm mình, khi biết mình không còn sống được bao lâu nữa, một đoạn văn trong một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng ngày ấy. Đoạn văn anh đọc là trong cuốn tiểu thuyết Quy luật của muôn đời của nhà văn Gruzia Nodar Dumbadze - một nhà văn lớn hàng đầu của Gruzia và của Liên Xô. Đoạn văn ấy như thế này: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải ra sức giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử, ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng...” (Nodar Dumbadze).

Nếu trong cuộc sống, “chuyện tử tế” là câu chuyện hằng ngày, chuyện của suy nghĩ, hành động, giúp đỡ, che chở, xả thân, hy sinh của người này với người khác, của cộng đồng với cộng đồng, của gia đình và của cả xã hội, thì khi một nhà văn lớn đã khái quát nó trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, nó đã thành “Quy luật của muôn đời”, một quy luật đẹp đẽ vào hàng đầu trong tất cả các quy luật của nhân gian.

Lâu nay, trong xã hội ta, những chuyện tử tế, những điều tử tế đã được rất nhiều người thể hiện một cách bình thường, một cách tự nhiên, cứ như không thể khác.

Nhưng chúng ta cũng biết, trong chính xã hội này, từ khá lâu nay cũng đã xuất hiện không ít những suy nghĩ, những hành động, những việc làm “không tử tế”. Nhiều khi xem trên truyền thông, trên mạng xã hội, tự nhiên thấy những “chuyện không tử tế” xuất hiện dường như nhiều hơn những chuyện tử tế, những điều tốt đẹp. Ai cũng biết, làm điều tử tế, làm chuyện tốt đẹp thì chỉ vì “không thể không làm”, vậy thôi; chẳng ai cầu mong được trả ơn, càng không nghĩ mình làm để được vinh danh. Nhưng một xã hội không thể trở nên đáng sống, không thể trong sạch, không thể tạo điều kiện tốt nhất cho con người sống thực sự là người với hình ảnh tốt đẹp nhất, nếu ở xã hội ấy, lòng tốt, điều tốt, những nghĩa cử cao đẹp không được tôn vinh đúng như nó xứng đáng, dù người thực hiện nó không nghĩ đến. Lan tỏa những điều tốt đẹp là thổi những luồng dưỡng khí cho xã hội khỏe mạnh hơn, tin tưởng hơn, thêm nhiều năng lượng sống tốt sống đẹp hơn trong cuộc đời này.

Báo Thanh Niên và Công ty LG Việt Nam đã có một sáng kiến, một phối hợp đẹp đẽ cùng nhau công bố chương trình “Lan tỏa điều tử tế” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam nhằm biểu dương, tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp, những hành động xả thân cao cả, những con người dám chấp nhận hiểm nguy để cứu người khác trong hoạn nạn.

Khi ở đất nước ta, điều tử tế, lòng tốt, sự tận tâm vì cộng đồng, người thực hiện nghĩa cả được tôn vinh đúng mức, thì cũng là khi cả xã hội biết chuyển mình về ánh sáng của từ tâm, của lòng nhân ái, phát huy được những gì tốt đẹp nhất từ mỗi con người. Từng con người tốt đẹp sẽ làm nên một xã hội tốt đẹp.

Xin chúc mừng sự hợp tác cao cả vì “Cuộc sống tốt đẹp” của Báo Thanh Niên và LG Việt Nam, mong chương trình này tiếp tục truyền cảm hứng cao đẹp cho xã hội chúng ta. Từ nghĩ tốt đến làm tốt, từ sống tử tế đến làm việc tử tế, đó là con đường tất yếu đưa đất nước phát triển văn minh và nhân ái.

Và tử tế sẽ thành “Quy luật của muôn đời” như nhà văn Nodar Dumbadze hằng mong ước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.