Tự tạo cơ hội: ‘Thuần chủng’ cây rừng

07/03/2016 07:00 GMT+7

Ông Trần Quốc Hùng (49 tuổi, ngụ P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) là người đầu tiên mang cây dó từ rừng về trồng thành công tại Thủy Xuân, giúp nhiều người dân tại đây nhân rộng mô hình này, ổn định thu nhập.

Ông Trần Quốc Hùng (49 tuổi, ngụ P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) là người đầu tiên mang cây dó từ rừng về trồng thành công tại Thủy Xuân, giúp nhiều người dân tại đây nhân rộng mô hình này, ổn định thu nhập.

Ông Trần Quốc Hùng tại vườn cây dó của mình - Ảnh: Tuyết KhoaÔng Trần Quốc Hùng tại vườn cây dó của mình - Ảnh: Tuyết Khoa
Từ một phu trầm lăn lộn nhiều năm trong những cánh rừng già nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá hơn, ông Hùng quyết định “giải nghệ”, trở về quê hương và ổn định cuộc sống với việc trồng cây dó tạo trầm.
Ông Hùng chia sẻ: “Ban đầu, tui chỉ gùi vài nhánh cây dó từ rừng về vườn nhà trồng thử nghiệm. Nhưng sau thấy cây sống được trên vùng đất gò đồi Thủy Xuân, còn ra hoa rồi cho cây con nên tôi nảy ra ý tưởng nhân giống để trồng. Những năm trèo đèo lội suối với kiếp phu trầm, tôi tích lũy không ít kinh nghiệm về loại cây này. Đó là điều kiện thuận lợi giúp tôi mạnh dạn hơn cho quyết định đầu tư phát triển cây dó tạo trầm”.
Từ những cây dó rừng mang về, ông Hùng bắt đầu ươm giống mở rộng diện tích. Theo ông Hùng, tuy vùng đất Thủy Xuân phù hợp cho cây dó sống nhưng vì thổ nhưỡng có nhiều đá, đất lại cằn cỗi nên ông phải đi mua đất phù sa về trộn lẫn vào giúp cây con dễ sống hơn. Ông bắt đầu thử nghiệm tạo trầm trên những cây dó đã trưởng thành mang về từ rừng và cho kết quả khả quan. Sau hơn 10 năm cần mẫn chăm bón, vườn dó của ông Hùng đã xanh tốt với hơn 1.000 cây. Trong đó, trên 50% cây đã đưa vào khai thác tạo trầm, nhiều cây cho hàm lượng tinh dầu cao, đem lại giá trị kinh tế lớn. Ước tính mỗi năm, vườn dó mang lại thu nhập cho ông hơn 100 triệu đồng.
“Cây dó 7 - 8 năm là có thể cho tinh dầu tạo trầm. Nếu không tạo trầm thì có thể bán với giá khoảng 1 triệu đồng/cây. Tuy nhiên, việc tạo trầm không đơn giản chỉ bơm chất hóa học vào cây mà mỗi người có bí quyết riêng. Tùy thuộc từng cây để bơm liều lượng sao cho phù hợp. Ngoài ra, trồng cây dó sợ nhất là bão vì cây dễ ngã đổ. Do vậy, đến mùa bão phải chằng chống cẩn thận. Tuy thị trường tiêu thụ khá ổn định nhưng giá cả lại biến động, có khi giá 1 kg dó trầm thành phẩm hơn chục triệu đồng nhưng có khi chỉ được vài triệu đồng. Trong khi đó, thời gian để cây dó có tinh dầu tạo trầm phải mất nhiều năm”.
Ngoài việc trồng dó tạo trầm, ông Hùng còn ươm cây giống để bán và đi khắp nơi tạo trầm trên cây dó của nhiều chủ vườn. Đặc biệt, từ mô hình trồng cây dó tạo trầm của ông Hùng, nhiều hộ dân tại địa phương đã mua cây giống của ông về trồng và mang lại thu nhập ổn định.
Bà Trần Thị Ngọc, Phó chủ tịch UBND P.Thủy Xuân, cho biết ông Hùng là người đầu tiên phát triển mô hình trồng cây dó tại địa phương. Nhận thấy mô hình này cho giá trị kinh tế cao, hiện trên địa bàn phường đã có vài trăm hộ chuyển đổi sang trồng cây dó, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.