Tự tạo cơ hội - Kỳ 37: Đưa vườn dâu tây vào khu du lịch

03/07/2014 00:00 GMT+7

Từng trồng dâu sạch ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vài năm trước, vợ chồng anh Nghiêm Văn Minh và chị Nguyễn Bích Thủy mới đây đã đưa vườn dâu sạch vào canh tác trong khu du lịch Hồ Than Thở (Đà Lạt).

Tự tạo cơ hội - Kỳ 37: Đưa vườn dâu tây vào khu du lịch
Chị Nguyễn Bích Thủy trong vườn dâu công nghệ cao - Ảnh: Lâm Viên

Một lần đến thăm vườn dâu tây, xem quy trình canh tác rồi tự tay hái dâu là niềm vui được khám phá của nhiều du khách khi đến Đà Lạt. Nắm bắt nhu cầu này, vợ chồng anh Minh đã thuê 3 ha đất trong khu du lịch Hồ Than Thở trong 10 năm để tổ chức canh tác dâu tây, vừa sản xuất, vừa phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.

Ngoài khu nhà kính lớn được di dời từ Lạc Dương ra để làm nhiệm vụ ươm và nhân giống; anh Minh ứng dụng mô hình trồng dâu trong nhà kính mini mà anh nghiên cứu thành công hơn 1 năm qua. Dâu được trồng trong chậu bằng giá thể, để thẳng hàng trên giàn sắt (hoặc gỗ), nhà kính plastic mini chiều rộng 0,93 m, chiều cao mái vòm 1,5 m vừa đủ che phủ cho từng luống dâu tây nên rất thoáng khí, đáp ứng đủ ánh sáng cần thiết cho sự sinh trưởng của cây. Dâu được canh tác theo tiêu chuẩn châu u, tưới nước và bón phân qua hệ thống nhỏ giọt tự động, mỗi ngày tưới 4 lần, mỗi lần tưới từ 3 - 4 phút nên tiết kiệm nước tưới tối đa. Chị Nguyễn Bích Thủy cho biết, phân bón được nhập từ Hà Lan, giá thể nhập từ Đức nên chất lượng và năng suất của dâu tăng hơn so với trồng trong nhà kính lớn; với 1.000 m2 cho thu hoạch 100 kg dâu/ngày, giá bán từ 180.000 - 220.000 đồng/kg. Để dâu thụ phấn cao và cho nhiều trái, vợ chồng anh Minh có sáng kiến thả thêm ong vào nhà kính. Chị Thủy cho biết thêm: “Với mô hình nhà kính mini thì công nhân làm việc thoải mái hơn, không phải chịu nóng bức, ngột ngạt như làm việc trong nhà kính lớn luôn bít kín ni lông. Đến mùa nắng sẽ tháo ni lông ra rất dễ dàng”. Chi phí đầu tư nhà kính mini khoảng 1,4 tỉ đồng/ha thay vì 1,8 tỉ đồng/ha nhà kính lớn. Với thiết kế thấp, nhỏ gọn, nhà kính mini có sức chống chịu mưa bão tốt hơn, thời gian sử dụng lâu hơn và nhìn đẹp mắt, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên môi trường Đà Lạt hơn.

Để có thể tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, vợ chồng Minh - Thủy thành lập Công ty sinh học sạch Bio Fresh (Công ty Bio Fresh). Là một Việt kiều có nhiều năm sống ở Pháp, anh Minh tìm mua nhiều giống dâu từ Pháp về khảo nghiệm và chọn được giống dâu Mara Des Bois phù hợp với khí hậu Đà Lạt để trồng đại trà. Một cây giống nhập về tới Đà Lạt chi phí gần 1 USD. Bên cạnh dâu tây, anh Minh đang thử nghiệm trồng phúc bồn tử (dâu rừng) mang giống từ Hà Lan về. Ngoài sản phẩm dâu tươi, Công ty Bio Fresh còn thuê chuyên gia từ châu u hướng dẫn sản xuất chế biến các loại si rô, rượu, mứt… từ các loại dâu. Hiện Công ty Bio Fresh thường xuyên cung cấp sản phẩm cho 14 công ty, siêu thị, các hệ thống khách sạn, nhà hàng lớn trong nước, xuất khẩu qua Singapore. Chị Thủy cho biết một đối tác Nhật Bản sau khi khảo sát vườn dâu, xem quy trình chế biến sản phẩm đã chấp nhận mua hàng của Bio Fresh.

Kết hợp du lịch với tiêu thụ nông sản, biến vườn dâu sạch công nghệ cao trở thành điểm tham quan, mua sắm thú vị cho du khách là thành công mà vợ chồng anh Minh đã đạt được với sự sáng tạo của mình.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.