Tự tạo cơ hội: Gầy dựng đàn vịt trời

03/03/2016 05:50 GMT+7

Khởi đầu với 2.000 con giống, đến nay đàn vịt trời của anh Nguyễn Khắc Tuấn (34 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã tăng lên đến hàng chục ngàn con.

Khởi đầu với 2.000 con giống, đến nay đàn vịt trời của anh Nguyễn Khắc Tuấn (34 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã tăng lên đến hàng chục ngàn con.

Vịt thương phẩm tại trang trại của anh Nguyễn Khắc Tuấn - Ảnh: G.KVịt thương phẩm tại trang trại của anh Nguyễn Khắc Tuấn - Ảnh: G.K
“Bén duyên” vịt trời từ… nhà hàng
Theo anh Tuấn, cơ duyên đến với vịt trời từ một lần đi ăn nhà hàng ở TP.HCM. “Lần đó, tôi gọi món vịt trời nướng. Thịt ngon ngọt, khá hấp dẫn nhưng con vịt trời khoảng 1 kg lại có giá đến 600.000 đồng. Tò mò hỏi thì người quản lý nhà hàng nói đắt do hiếm, phải nhập hàng từ miền Bắc gửi vào”, anh Tuấn nhớ lại.
Tìm hiểu trên mạng, anh Tuấn nhận thấy nguồn vịt thương phẩm cũng như con giống chủ yếu đưa từ phía bắc vào nam. Tại Đồng Nai cũng có một vài chỗ nuôi nhưng quy mô không lớn. Năm 2015, Tuấn ra miền Bắc tìm đến một số trang trại nuôi vịt trời tham quan học hỏi kinh nghiệm và sau đó mua 2.000 con vịt giống (giá từ 280.000 - 400.000 đồng/con - khoảng 1 kg) đưa về trại nuôi tại xã Xuân Thạnh, H.Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) nuôi thử nghiệm. Đàn vịt trời được thả tự do trong ao nước rộng khoảng 4.000 m2 (có lưới vây xung quanh để vịt không ra khỏi phạm vi nuôi) khoảng một tháng thì bắt đầu đẻ trứng.
“Vịt trời ăn rất ít nên cho chúng ăn vừa đủ no. Ngoài thóc, lục bình, tôi còn mua cây chuối về cho vịt trời ăn. Điều đặc biệt, vịt trời kháng bệnh rất tốt, gần như đàn không bị hao hụt con nào. Tuy nhiên, do bản tính hoang dã nên mỗi khi thấy bóng người chúng hay bay loạn xạ làm vịt dễ chết vì dập trứng trong bụng. Do đó, khi nuôi con người phải duy trì khoảng cách với vịt trời”, anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.
Phải hạ giá thành
Quyết tâm hạ giá thành và không phải phụ thuộc nguồn giống từ miền Bắc đưa vào, anh Tuấn mua máy về ấp trứng. Những đợt đầu hàng ngàn quả trứng gần như nằm im trong khung, tỷ lệ nở chỉ đạt khoảng 30%. “Tôi tìm gặp các chuyên gia về dinh dưỡng thức ăn gia súc, gia cầm để phân tích lượng thức ăn, mẫu trứng và học hỏi những người có kinh nghiệm về ấp trứng để điều chỉnh máy móc, phân loại trứng đầu vào. Đến nay tỷ lệ trứng nở thành công đã đạt khoảng trên 50%. Vịt con nuôi nhốt khoảng 20 ngày thì cho xuống nước và thả ra ngoài thiên nhiên để phát triển”, Tuấn nói.
Hiện mỗi ngày lượng trứng vịt đẻ ở trang trại của anh khoảng 1.000 trứng. Để xử lý lượng trứng này, Tuấn đầu tư 5 máy ấp. Hằng tháng, anh cung cấp ra thị trường khoảng 7.000 - 8.000 con giống. Có vịt con, Tuấn lại đầu tư thêm một trang trại ở H.Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) để nuôi vịt thương phẩm.
Ngoài việc bán vịt giống (từ 35.000 - 50.000 đồng/con) và vịt thương phẩm (160.000 - 180.000 đồng/con), Tuấn lên phương án giao vịt giống cho nông dân, hội, đoàn viên thanh niên hợp tác chăn nuôi phát triển mô hình kinh tế gia đình. “Theo phương án này thì người nuôi không cần bỏ vốn, chỉ cần có diện tích ao vườn và bỏ công chăm sóc. Con giống và thức ăn sẽ được cơ sở của tôi cung cấp. Sau khi nuôi khoảng 4 tháng, vịt đạt thời gian và trọng lượng (1,1 - 1,4 kg/con) để xuất bán. Người nuôi và người đầu tư phân chia tỷ lệ lợi nhuận theo hợp đồng”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn hy vọng với việc phát triển chăn nuôi rộng rãi, con vịt trời sẽ không còn là món ăn đặc sản ngự trị trong nhà hàng mà trở thành loại thực phẩm bình dân hằng ngày trong mỗi gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.