Từ nước Mỹ: Những điều u tối vẫn bao trùm

18/02/2021 19:00 GMT+7

Dịch bệnh, kinh tế suy giảm, khủng hoảng bầu cử và giờ là thiên tai hoành hành tại Mỹ.

 Trong năm 2020, Mỹ đã chứng kiến nhiều điểm tối, từ đại dịch Covid-19 làm hàng trăm ngàn người chết và nền kinh tế rơi ở mức tăng trưởng âm cùng tình trạng thất nghiệp tăng cao. Mỹ cũng đã trải qua những cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bất công rồi phát sinh các cuộc bạo động, cướp bóc.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc với cuộc chiến pháp lý dai dẳng, kéo theo đó là biểu tình rầm rộ. Đỉnh điểm đã dẫn đến cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol làm 6 người chết và hàng chục người bị thương. Ông Donald Trump bị luận tội lần 2. Dù được tha bổng nhưng có thể cựu tổng thống sẽ phải đối diện với kiện tụng nhiều lần nữa.
Những điều này đã cho thấy vẫn còn nhiều sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ. Mỹ đã có vắcxin Covid-19 và đang tiến hành tiêm chủng trên toàn quốc, nhưng số lượng vắc xin vẫn không đủ nên hầu hết chỉ tiêm cho các đối tượng ưu tiên như người làm trong chính phủ, bệnh viện và người già. Vì vậy, còn rất nhiều người Mỹ vẫn chưa được tiêm ngừa, trong khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn phức tạp.

Lễ tình nhân không hề ấm áp

Đa số người Mỹ cảm thấy mệt mỏi trong năm qua khi dịch bệnh, kinh tế, chính trị và nhiều sự bất ổn bao trùm. Nhưng chưa dừng lại ở đó, vào ngày 14.2 - ngày Lễ tình nhân - lại là ngày nhiều người dân Mỹ không thấy được sự lãng mạn, ấm áp mà ngược lại chứng kiến sự khởi đầu mạnh mẽ của cơn bão tuyết hoành hành.
Theo www.weather.gov - Cơ quan khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS), cơn bão tuyết vào mùa đông lạnh giá sẽ tác động lớn đến đời sống của hơn 100 triệu người ở Mỹ tại ít nhất 25 tiểu bang nước Mỹ. Cơn bão đã mang đến tuyết, những cơn mưa và băng đá cùng nhiệt độ lạnh buốt khắp khu vực miền Nam và miền Đông Mỹ (từ tiểu bang Texas đến tiểu bang Maine).
Hiện nay, miền Nam Mỹ đang gồng mình vì đợt lạnh rét hiếm hoi, cụ thể như nhiệt độ ở Houston, tiểu bang Texas vào đêm ngày 15.2 là -10,5 độ C, trong khi thủ phủ của Oklahoma vào ngày 16.2 đã trải qua buổi sáng lạnh nhất kể từ năm 1899. Cũng trong ngày 16.2, cơn bão tuyết kèm theo mưa đã gây ra thời tiết lạnh giá cũng như phủ tuyết hết gần ¾ lục địa Mỹ, đây là mức kỷ lục được ghi nhận kể từ khi NWS thu thập dữ liệu vào năm 2003. Theo NWS, tuyết vẫn còn tiếp tục rơi nhiều hơn cho đến 20.2 từ vùng đồng bằng phía Nam cho đến thung lũng Mississippi.

Tuyết đông thành đá tại Houston, Texas vào ngày 16.2

Trần Duy Nam

 
Mặc dù Texas luôn được xem là nắng ấm so với nhiều tiểu bang khác tại Mỹ nhưng năm nay Texas lại nằm trong vòng vây kinh hoàng nhất của cơn bão tuyết kể từ năm 1895. Trong Lễ tình nhân 14-15.2.1895 cũng có cơn bão tuyết ở thành phố Houston, bang Texas dày hơn nửa mét. Đó là cơn bão tuyết rất lớn từ thành phố Tampico, tiểu bang Mexico đến thành phố Pensacola, tiểu bang Floria và lập kỷ lục ở tiểu bang New Orleans cùng tiểu bang Alabama.
Cơn bão tuyết năm nay cũng diễn ra ở mức nghiêm trọng như vậy khi một số khu vực có nhiệt độ ở mức -18 độ C. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải phê duyệt tình trạng khẩn cấp cho Texas.

Ở Mỹ cũng thiếu điện - nước

Trong khi đó, Cơ quan quản lý lưới điện của bang Texas đã quyết định tắt các nguồn điện luân phiên tại các khu vực, các thành phố trên toàn tiểu bang vào ngày 15.2. Điều này làm cho hàng triệu cư dân sinh sống tại Texas phải chịu cảnh mất điện sinh hoạt và chống chọi với nhiệt độ lạnh trung bình từ -12 độ C đến 0 độ C. Ngoài ra, các đường ống nước bị đóng băng và vỡ tung ở khắp tiểu bang đã làm cho chính quyền phải khóa nguồn nước, người dân ở nhiều thành phố không có nước sinh hoạt hàng ngày. Đường sá bị đông đá và trơn trượt nên việc lưu thông trên đường rất nguy hiểm.
Trong những ngày qua đã có ít nhất 37 người chết vì va chạm trên những con đường băng giá, có người không chịu nổi cái lạnh nên chết cóng và những người khác thiệt mạng khi những nỗ lực tuyệt vọng để tìm hơi ấm đã chết vì khói độc CO2. Trong đó, thương tâm nhất cho người gốc Việt là một cụ già cùng 3 người cháu tại thành phố Sugar Land, Texas đã chết cháy khi cố tìm cách sưởi ấm và nấu ăn để vượt qua thời điểm khó khăn này.
Bên cạnh đó tại các chợ, cửa hàng bán nhu yếu phẩm như Walmart đã chứng kiến hàng trăm người xếp thành hàng dài chờ để vào mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết như đồ ăn, đèn pin và đặc biệt là nước lọc khiến cho những mặt hàng này nhanh chóng hết sạch.
Ngoài ra, các hàng dài xếp hàng của các chiếc xe hơi tại các cây xăng để chờ đổ xăng dự trữ cho việc đi lại, sưởi ấm, sạc pin điện thoại và các nhu cầu khác đã làm cho các cây xăng cũng nhanh chóng hết xăng. Tình trạng hết xăng hoặc hết phục vụ với dòng chữ “Out of Service” tại các cây xăng cùng những nhà hàng, quán ăn hầu hết cũng đều đóng cửa do tình trạng cúp điện, cúp nước càng khiến cho nhiều người dân tại Texas hoang mang, dẫn đến tình cảnh khá hỗn loạn.
 

Nhiều người dân xếp hàng để vào cửa hàng Walmart tại Texas ngày 17.2

Trần Duy Nam

 
Nhiều người dân ở các tiểu bang Mỹ, đặc biệt ở Texas đã chỉ trích nặng nề chính quyền trong việc ứng phó kém hiệu quả khi cơn bão tuyết xảy đến. Có người còn mỉa mai khi nói họ là công dân Mỹ, một nước hàng đầu thế giới mà thiếu thốn điện – nước – xăng – nhu yếu phẩm. Những người khác thì cho rằng có sự phân biệt đối xử khi ở các khu vực trung tâm thành phố Austin (thủ phủ của tiểu bang Texas) vẫn luôn sáng đèn rực rỡ nhưng khu phía Đông Austin là nơi của nhiều người dân gốc Phi và Tây Ban Nha thì bị cúp điện toàn diện.
Một số người ủng hộ cựu Tổng thống Trump đã chỉ trích chính quyền Joe Biden vì đã ký sắc lệnh chấm dứt nguồn nhiên liệu đá phiến, nhiên liệu hóa thạch (đây được xem là nguồn nhiên liệu chủ lực trước đây của Mỹ và có giá thành rẽ, phong phú) nên khi sự việc bão tuyết xảy đến và nhiều sự kiện liên quan xảy ra làm cho không đủ nhiên liệu để sản xuất điện cung cấp cho người dân khi nhu cầu tăng cao.
Để xoa dịu làn sóng chỉ trích nặng nề của dân chúng, vào ngày 16.2, Thống đốc Texas là ông Greg Abbott đã yêu cầu các cơ quan lập pháp điều tra Hội đồng Độ tin cậy Điện của Texas (ERCOT) khi để mất điện quy mô lớn và ông lên tiếng kêu gọi các lãnh đạo ERCOT phải từ chức. Đồng thời, ông Greg Abbott hứa sẽ tiến hành các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện để phục vụ cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể.
 

Nhiệt độ tại 5 tiểu bang cúp điện nhiều nhất tại Mỹ vào ngày 17.2

NWS

Những điều tồi tệ do cơn bão tuyết gây ra không chỉ tác động tiêu cực đến Texas mà còn đến rất nhiều tiểu bang khác tại Mỹ. Theo https://poweroutage.us cập nhật tối ngày 17.2, những khu vực cúp điện nhiều nhất thì ngoài Texas đứng đầu thì còn lần lượt tại các tiểu bang Mississippi, Oregon, Louisiana và Kentucky. Không chỉ làm đình trệ giao thông đường bộ do đường đông đá nguy hiểm, cơn bão tuyết năm nay cũng đã tác động nghiêm trọng đến các chuyến bay nội địa khi có hàng trăm chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng đến việc đi lại trên toàn nước Mỹ.
Hơn nữa, NWS cảnh báo rằng băng tuyết sẽ tiếp tục lan rộng từ đồng bằng miền Nam sang Trung Đại Tây Dương và Đông Bắc Mỹ. Khí hậu lạnh rét vẫn tiếp tục tại những khu vực này cùng các cơn bão dữ dội có thể tạo ra một vài cơn lốc xoáy ở Duyên hải miền Trung và ở Đông Nam Bộ. Trong khi đó ở Tây Bắc Mỹ sẽ có mưa và tuyết rơi dày đặc.
 Kể từ thời điểm Covid-19 lây lan đến Mỹ cho đến nay người dân Mỹ đã phải chịu nhiều tiêu cực từ sức khỏe, kinh tế, việc làm, tinh thần và cuộc sống hàng ngày. Những điều u tối này dường như vẫn còn đeo bám nước Mỹ cho dù đã có vắc xin và bước qua năm mới với một tổng thống mới. Rất nhiều người dân Mỹ hy vọng rằng qua tháng 3, Mỹ sẽ vượt qua những điều tiêu cực trên để trở lại sự thịnh vượng vốn có.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.