Tự nhiên rụng cả hàm răng!: Điều trị như thế nào khi mất răng?

Thanh Tùng
Thanh Tùng
06/09/2018 08:58 GMT+7

Với mỗi trường hợp mất răng , tùy thuộc tiền sử bệnh, tình trạng răng miệng hiện tại, mong muốn của bệnh nhân và điều kiện kinh tế, bác sĩ nha khoa có thể đưa ra lựa chọn điều trị phục hồi phù hợp.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 (BS CK2) Nguyễn Văn Khoa - Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấy ghép nha khoa, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, TP.HCM: mất răng có thể do hậu quả của bệnh sâu răng, do bệnh lý quanh răng, do chấn thương…, không được điều trị đúng mức.
Một trong những nguyên nhân gây mất răng hàng loạt là bệnh lý quanh răng (bệnh nha chu) - khởi đầu từ vệ sinh răng miệng kém dẫn đến tình trạng viêm nướu; viêm nha chu kèm tiêu xương ổ răng.
Hậu quả là răng không còn được nâng đỡ bởi phần xương ổ cứng chắc, dẫn đến lung lay và mất răng do nhổ hoặc tự rụng. Các yếu tố như, di truyền cơ địa nhạy cảm với các yếu tố gây viêm, bệnh tiểu đường, xạ trị, hay chấn thương có thể thúc đẩy bệnh nha chu diễn ra thuận lợi hơn.
Có bệnh nha chu, lưu ý khi làm phục hình, implant
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khoa, việc xác định để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh nha chu và các yếu tố liên quan có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ sức khoẻ răng miệng.
Với người có tiền sử bệnh lý nha chu - đặc biệt là viêm nha chu, thì việc điều trị, theo dõi và duy trì sự lành mạnh của mô nha chu là cần thiết và quyết định sự tồn tại lâu dài của hàm răng - bất kể bệnh nhân đang sở hữu hàm răng tự nhiên, răng bọc mão sứ hay hàm giả tháo lắp. Chẳng hạn, với bệnh nhân có viêm nha chu muốn thực hiện phục hồi các răng đã mất, thì điều cần thực hiện trước tiên là điều trị ổn định bệnh lý này trước; sau đó mới tiến hành các phục hồi như răng giả tháo lắp, cầu răng, hoặc implant nha khoa. Bệnh nhân có nhu cầu thực hiện phục hồi răng mất bằng implant nha khoa, cần lưu ý điều trị ổn định tình trạng đường huyết trước khi thực hiện phẫu thuật cấy ghép nha khoa.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Hà - Trưởng khoa Phục hình, Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương (TP.HCM), điều quan trọng là trước khi phục hình lại răng mất, bác sĩ phải kiểm tra, đánh giá: tình trạng mất răng; sự ổn định của mô nha chu và các răng còn lại (nhất là mô nha chu và các răng kế khoảng mất răng); tình trạng khớp cắn; nguyên nhân gây mất răng; tình trạng bệnh lý toàn thân... Từ đó sẽ tư vấn các phương pháp phục hình thích hợp để người bệnh lựa chọn loại phục hình phù hợp với điều kiện của mình.
"Không phải trường hợp nào hễ răng bị lung lay hoặc vỡ lớn đều phải nhổ đi và làm phục hình hay cấy ghép implant. Trong trường hợp này cần được khám, điều trị ở chuyên khoa như: nha chu, chữa răng, phục hình để bảo tồn tối đa chiếc răng thật", bác sĩ Trần Hà nói.
Bác sĩ Trần Hà cho biết, với người mất răng, đã nhổ răng, có thể áp dụng: phục hình hàm răng tháo lắp - trường hợp này không chống chỉ định, chi phí thấp, phù hợp với người ít tiền. Hạn chế là, vướng víu khi ăn. Nếu người bệnh có đủ điều kiện về sức khoẻ và kinh tế thì có thể cấy ghép răng implant.
"Implant là phương pháp phục hình tối ưu nhưng phải đáp ứng điều kiện nhất là bệnh lý liên quan, nếu không chú ý thì sau khi làm implant có thể thất bại", bác sĩ Trần Hà khuyến cáo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Khoa cho biết thêm, có nhiều phương pháp phục hồi có thể áp dụng cho người mất răng như: phục hình tháo lắp; phục hình cố định; và implant nha khoa. Nhưng lưu ý, với bệnh nhân có tiền sử bệnh nha chu cần thận trọng chỉ định phục hồi bằng implant nha khoa. Sau khi phục hồi răng mất bằng implant nha khoa, nguy cơ viêm quanh implant có thể xảy ra với tỷ lệ cao nếu không quan tâm vệ sinh răng miệng đúng mức.
Ngoài ra, cần kiểm soát lượng đường huyết ở mức ổn định ở những người có bệnh tiểu đường. Cao huyết áp và tim mạch cũng thường gặp ở người mất răng và có thể gây khó khăn cho phẫu thuật đặt implant.
Bệnh viêm nha chu
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Tín Hiển - Trưởng khoa Nha chu (Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, TP.HCM), cho biết bệnh nha chu còn gọi là viêm quanh răng, là bệnh mạn tính, làm mất cấu trúc mô chống đỡ răng (xương, nướu, dây chằng nha chu). Nguyên nhân gây bệnh có thể là: mảng bám quanh răng gây viêm (do vệ sinh răng miệng); chấn thương; di truyền...
Biểu hiện thường gặp của bệnh là: nướu viêm đỏ, dễ chảy máu chân răng, chảy mủ, vôi răng nhiều, tiêu xương ổ răng, răng lung lay và cuối cùng là mất răng.
Bệnh viêm nha chu, tiến triển từ từ, chứ không phải "đùng" một cái gây mất răng. Bệnh ít gây đau nên người ta ít để ý, và khi nướu sưng, răng lung lay nhiều là bệnh đã nặng. Nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thì đạt hiệu quả cao, giúp giữ được răng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.