Từ nhà vô địch độ phủ vắc xin đến thảm họa Covid-19

18/11/2021 19:30 GMT+7

Đầu năm 2021, Romania là một trong những nước có tỷ lệ chủng ngừa cao nhất châu Âu. Tuy nhiên giờ đây, đất nước này đang trải qua làn sóng lây nhiễm tồi tệ với 65% dân số chưa được tiêm vắc xin .

Nhân viên y tế đến nhà một bệnh nhân Covid-19 ở Romania

chụp màn hình der spiegel

Theo Der Spiegel, khoảng 65% dân số Romania hiện chưa được tiêm ngừa Covid-19. Đây là lý do các bệnh viện ở quốc gia này rơi vào tình trạng quá tải trong vài tuần qua. Các nhân viên y tế cho biết họ phải đi đến 3 bệnh viện khác nhau mới có thể tìm được giường trống cho bệnh nhân Covid-19. Và hầu hết những người phải cấp cứu đều chưa được chủng ngừa.

"Đến bệnh viện quá muộn"

Đầu năm nay, khi những vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên được tung ra thị trường, Romania nhanh chóng trở thành quốc gia dẫn đầu trong chiến dịch tiêm chủng. Nước này có tốc độ tiêm chủng nhanh hơn hầu hết các nước Liên minh châu Âu khác (EU). Trong khi chính phủ Đức còn chưa quyết định được nhóm người nào được ưu tiên tiêm vắc xin, Romania đã tiêm ngừa Covid-19 cho cả người vô gia cư.

Song, từ mùa thu năm nay, Romania đã trải qua làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất từ khi đại dịch bắt đầu. Ba Lan, Hungary và các nước khác đã phải tiếp nhận bệnh nhân từ Romania. Tính đến đầu tháng 11, cứ ba phút thì có một người Romania tử vong vì Covid-19. Đất nước này hiện có tỷ lệ tử vong bình quân đầu người do Covid-19 cao nhất thế giới.

Bác sĩ Genoveva Cadar (56 tuổi) là người đứng đầu "vùng đỏ" tại khoa hô hấp của một bệnh viện ở thủ đô Bucharest của Romania. Khu điều trị Covid-19 của bệnh viện có sức chứa hơn 100 bệnh nhân, trong đó 15 người đang được chăm sóc đặc biệt. Bà Cadar cho biết mình đã làm việc ở đây 30 năm, nhưng chưa từng gặp cuộc khủng hoảng nào thế này.

Bệnh nhân Covid-19 được thở oxy tại bệnh viện Giurgiu, Romania ngày 4.11

reuters

Bệnh viện của bà Cadar còn lập thêm giường chăm sóc đặc biệt trên một chiếc xe tải lớn màu đỏ bên ngoài vì không còn đủ chỗ. Trong đó, 8 người được nối với ống thở. “Hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn", bà Cadar nói.

Ngoài Romania, tình hình ở các nước Đông Âu khác như Bulgaria, Latvia và Lithuania cũng đang xấu đi. Các nước này chủng ngừa chưa đến một nửa dân số và số ca tử vong ở đó đang gia tăng đáng kể.

Cơn khủng hoảng Romania đang trải qua là triệu chứng của những “căn bệnh” mà đất nước này đã phải vật lộn trong nhiều năm. Hệ thống y tế của Romania đang sụp đổ.

Không chịu chích ngừa Covid-19 sẽ phải tự trả viện phí tại Singapore

Trong khi bà Genoveva Cadar nói về những hoạt động hằng ngày tại bệnh viện, một chiếc xe cứu hỏa chạy ngang qua. Trong những tháng gần đây, hơn 20 người đã thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn tại phòng chăm sóc đặc biệt ở Romania.

“Chúng tôi cũng sợ hỏa hoạn. Lượng oxy dự trữ lớn làm tăng nguy cơ hỏa hoạn nếu xảy ra ngắn mạch”, bà Cadar nói. Romania chi chưa đến 6% GDP cho y tế, thấp nhất trong EU. Nhiều bệnh viện đã xuống cấp nặng nề và đất nước này đang thiếu nhân viên y tế.

"Chảy máu" nhân viên y tế

Bà Cadar cho biết mình đang cần gấp 3 lần số nhân viên y tế hiện tại cho khu chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Kể từ khi đất nước này gia nhập EU, hàng ngàn bác sĩ Romania đã di cư đến các quốc gia họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Chỉ tính riêng tại Đức, khoảng 5.000 bác sĩ Romania đang làm việc trong các cơ sở y tế. Hiện sinh viên y khoa đang giúp Romania lấp đầy khoảng tại các bệnh viện và trung tâm tiêm chủng.

Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, liên minh cầm quyền chính phủ Romania sụp đổ vào tháng 9. Đến nay, đất nước này vẫn chưa thành lập được chính phủ mới. Ông Vlad Voiculescu, cựu Bộ trưởng Y tế Romania, cho biết đất nước này đang trải qua "một thảm họa nhân đạo."

Chuyên gia Mỹ: tăng cường tiêm chủng, Covid-19 sẽ không còn ảnh hưởng đến cuộc sống

Ông Voiculescu nói Tổng thống Klaus Iohannis của Romania và Thủ tướng vừa bị bãi nhiệm Florin Cîțu chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng này. “Họ muốn là người đi đầu trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế”, ông Voiculescu nói. Vào tháng 5, Romania nới lỏng quy định chống dịch. Cùng lúc đó, tốc độ tiêm chủng ở nước này cũng giảm đi. Đến mùa hè, chính phủ Romania thông báo rằng đại dịch đã bị đánh bại.

"Nếu Đức vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế thì làm sao hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém của chúng tôi có thể chống chọi được đại dịch mà không thực hiện bất kỳ biện pháp nào?", ông Voiculescu chỉ trích.

Nhân viên y tế khữ trùng sau khi thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 ở Romania

chụp màn hình der spiegel

Chính phủ Romania đã tái áp đặt các hạn chế vào cuối tháng 10 trong nỗ lực kiểm soát đại dịch. Người dân không được tổ chức các bữa tiệc lớn và phải xuất trình thẻ thông hành Covid-19 khi vào cửa hàng hoặc cơ quan chính phủ. Romania cũng cố gắng đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và trên thực tế, tỷ lệ chủng ngừa đã tăng đáng kể trong những ngày gần đây.

Tuy nhiên, bà Cadar không trông mong tình hình ở Romania sẽ cải thiện, ít nhất là đến tháng 12. Bác sĩ này cho biết các chiến dịch tiêm chủng và phong tỏa sẽ mất một ít thời gian để có thể phát huy tác dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.