Từ ngày 15.5: Sinh viên ngành toán có thể được cấp học bổng 2,4 triệu đồng/tháng

02/05/2022 10:09 GMT+7

Từ tháng 5.2022, nhiều chính sách pháp luật mới sẽ có hiệu lực trong lĩnh vực giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên.

Tăng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên từ ngày 19.5.2022

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27.9.2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Quyết định có hiệu lực từ ngày 19.5.2022.

Hiện nay, mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên là 2,5 triệu đồng/tháng. Theo quyết định mới ban hành, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng.

Theo quyết định mới ban hành, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng

THANH NIÊN

Ngoài ra, Quyết định 05/2022/QĐ-TTg còn sửa đổi đối tượng cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng, cụ thể: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Quy định mới về tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa

Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa (SGK) ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 5.5.2022.

Theo đó, người biên soạn SGK phải đáp ứng các tiêu chuẩn, gồm: Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có SGK được biên soạn; Am hiểu về khoa học giáo dục; Có đầy đủ quyền công dân, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.

Theo quy định mới, người biên soạn SGK cần phải có thêm ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có SGK được biên soạn

THANH NIÊN

Theo quy định mới, người biên soạn SGK cần phải có thêm ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có SGK được biên soạn.

Sinh viên ngành toán có thể được cấp học bổng 2,4 triệu đồng/tháng

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 22/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.5.2022.

Tại khoản 2 điều 6 của Thông tư quy định, chi học bổng khuyến khích để thu hút và nâng cao chất lượng đối với sinh viên ngành toán được Hội đồng xét cấp học bổng xét chọn theo tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Mức học bổng bằng mức trần học phí của năm học hiện hành đối với chuyên ngành toán tại các cơ sở giáo dục đại học quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Theo đó, sinh viên ngành toán có thể được cấp học bổng 2,4 triệu đồng/tháng, cấp theo từng kỳ học và cấp 10 tháng trong năm học.

Tại khoản 2 điều 6 của Thông tư số 22/2022/TT-BTC quy định, chi học bổng khuyến khích để thu hút và nâng cao chất lượng đối với sinh viên ngành toán được Hội đồng xét cấp học bổng xét chọn theo tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

THANH NIÊN

Tại khoản 1, điều 4 của thông tư cũng quy định, chi giải thưởng cho các nghiên cứu xuất sắc về toán học. Mức chi áp dụng điểm a, khoản 1, điều 3 Thông tư số 27/2018/TT-BTC ngày 21.3.2018 của Bộ Tài chính. Cụ thể, giải nhất: 80 triệu đồng, giải nhì: 60 triệu đồng, giải ba: 40 triệu đồng, giải khuyến khích: 20 triệu đồng.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định việc chi trả tiền công đối với các nhóm nghiên cứu mạnh theo hợp đồng thuê khoán. Việc chi trả tiền công dựa vào khả năng kinh phí, vai trò, nhiệm vụ, yêu cầu về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác của các thành viên trong các nhóm. Kinh phí được giao, tối đa không quá 40 triệu đồng/người/tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.