Từ ngày 13.12, học sinh TP.HCM đi học trở lại theo cấp độ dịch như thế nào?

Bích Thanh
Bích Thanh
02/12/2021 15:08 GMT+7

Với quyết định tổ chức cho học sinh đi học trở lại từ ngày 13.12, học sinh từ mầm non đến THPT học trực tiếp hay trực tuyến tùy theo cấp độ dịch của quận, huyện ở TP.HCM.

Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) chuẩn bị trường lớp đón học sinh đi học trở lại

TRúc Nguyễn

Ngày 2.12, ngay sau khi UBND TP.HCM ban hành kế hoạch về việc tổ chức cho học sinh học trực tiếp trở lại bắt đầu từ ngày 13.12, Sở GD-ĐT đã có những quy định cụ thể về việc triển khai dạy và học trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Theo đó, TP.HCM quy định các trường THPT hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố. Còn các trường mầm non, tiểu học, THCS hoạt động theo cấp độ dịch của TP.Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng.

Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) phun khử khuẩn vào ngày 1.12 để chuẩn bị cho việc học sinh đến trường

Phú Huỳnh

Theo thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19
-19 trên địa bàn thành phố tính đến ngày 25.11 của UBND TP.HCM, thành phố ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - màu vàng).

Đối với cấp huyện, có 9 địa phương cấp độ 1 (nguy cơ thấp - màu xanh) gồm: Q.1, Q.6, Q.7, Q.8, Q.11, Tân Bình, Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ).

13 địa phương cấp độ 2 gồm: Q.3, Q.4, Q.5, Q.10, Q.12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, TP.Thủ Đức, Hóc Môn và Nhà Bè.

Một số phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer ở trẻ em

Cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1 (nguy cơ thấp)

Khi đóng trên địa bàn quận, huyện nói trên thì các trường tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GD, Bộ Y tế, UBND TP... Các trường THCS, THPT thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/ tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet. Thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết trực tiếp) của kế hoạch giáo dục nhà trường, cơ sở giáo dục được thực hiện trên internet, các nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục cho học sinh được thực hiện thông qua các hệ thống quản lý học tập.

Cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 2 (nguy cơ trung bình),

Các trường tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GD, Bộ Y tế, UBND TP... và củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Về thời lượng, số lượng học sinh, quy định một số hoạt động theo cấp học cụ thể như sau: Cấp học mầm non tổ chức cho 100% trẻ từ 25 tháng tuổi trở lên đến trường. Không tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường như: tham quan nhà sách, siêu thị, bưu điện, công viên… Kết hợp gửi các clip về hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tạo điều kiện cho phụ huynh hỗ trợ chăm sóc trẻ tại nhà.

Ở cấp học tiểu học, tổ chức cho 100% học sinh lớp 1, lớp 2 học trực tiếp với thời lượng 100% còn học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 thì học trực tiếp với thời lượng 50%.

Cấp học THCS, THPT thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần, ưu tiên chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet. Thời lượng dạy học còn lại trong kế hoạch giáo dục nhà trường (ngoài 18 tiết trực tiếp), cơ sở giáo dục được thực hiện dạy học trên internet, các nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục cho học sinh được thực hiện thông qua các hệ thống quản lý học tập.

Riêng đối với học sinh lớp 6, lớp 9 và lớp 12, các trường có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.

Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có thể hoạt động tối đa 50% số lượng học viên tại một thời điểm, phối hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp đảm bảo chất lượng dạy và học.

Các trường sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại

Phú huỳnh

Trường học TP.HCM rục rịch đón học sinh quay lại thích nghi an toàn với Covid-19

Cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao)

Những trường học ở địa bàn này tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình.

Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12. Cụ thể, 100% trẻ từ 4 tuổi trở lên đến trường những các trường không tổ chức dịch vụ ăn sáng, hạn chế một số hoạt động ngoại khóa: bơi, vẽ, võ, thể dục nhịp điệu… Không tổ chức các hoạt động: lễ hội, sự kiện, tổ chức ăn với hình thức tự chọn (buffet). Kết hợp gửi các clip về hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tạo điều kiện cho phụ huynh hỗ trợ chăm sóc trẻ tại nhà.

Cấp học tiểu học thì 100% học sinh lớp 1 và 2 học trực tiếp với thời lượng 50% còn lại các khối lớp khác học trực tuyến.

Cấp học THCS, THPT thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo qui định trong chương trình chính khóa. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần, ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet. Thời lượng dạy học còn lại trong kế hoạch giáo dục nhà trường (ngoài 12 tiết trực tiếp), cơ sở giáo dục được thực hiện dạy học trên internet; các nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục cho học sinh được thực hiện thông qua các hệ thống quản lý học tập.

Đối với học sinh lớp 6, lớp 9 và lớp 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Không tổ chức các chương trình nhà trường, không thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.

Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa hoạt động tối đa 25% số lượng học viên tại một thời điểm, phối hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp đảm bảo chất lượng dạy và học.

Cũng trong hướng dẫn về việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại, Sở GD-ĐT quy định đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học. Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp, có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh đến trường theo hướng dẫn về cấp độ dịch của Sở GD. Theo đó, ngày 13.12, học sinh lớp 9 sẽ đến trường để sinh hoạt và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ngày 14.12, học sinh đi học theo thời khóa biểu học một biểu và tách lớp thành 2, mỗi phòng học có 24 học sinh. Lãnh đạo trường này nhấn mạnh trường không tổ chức bán trú, căn tin và xe đưa đón. Nhà trường sẽ quản lý người ra vào di chuyển theo hướng 1 chiều để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh, giáo viên.

Tương tự, ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình) đưa ra kế hoạch tổ chức học sinh đi học trở lại theo phương án đảm bảo an toàn ngay từ cổng trường. Theo đó, trường bố trí học sinh di chuyển ra vào theo từng cổng cụ thể. Học sinh các lớp ở từng dãy nhà sẽ di chuyển theo cầu thang của dãy nhà đó. Tất cả các khu vực đều bố trí các đồ dùng, vật dụng để phục vụ việc vệ sinh, khử khuẩn. Học sinh chỉ học một buổi và thực hiện việc tách lớp để đảm bảo khoảng cách an toàn theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.