Từ một bài thơ chữ quốc ngữ

03/01/2016 11:01 GMT+7

Theo linh mục Thanh Lãng trong 'Biểu nhất lãm văn học cận đại' thì Filiphé Bỉnh (1759-1832), một linh mục Dòng Tên người Việt, là người viết chữ quốc ngữ hơn 100 năm sau khi chữ này ra đời.

Theo linh mục Thanh Lãng trong 'Biểu nhất lãm văn học cận đại' thì Filiphé Bỉnh (1759-1832), một linh mục Dòng Tên người Việt, là người viết chữ quốc ngữ hơn 100 năm sau khi chữ này ra đời.

Filiphé Bỉnh có thể rời Việt Nam năm 1794 và cư ngụ tại Bồ Đào Nha 30 năm. Thanh Lãng chưa tìm thấy tiểu sử của Filiphé Bỉnh nhưng tìm thấy khá nhiều tài liệu bằng chữ Việt của ông lưu trữ tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Tới thành Macao có lẽ là bài thơ bằng chữ quốc ngữ đầu tiên do Filiphé Bỉnh sáng tác vào ngày 4 tháng chạp năm 1794. “Tôi đang gưỡi gắp (gửi gắm) chốn Ma cao. Hai chữ thanh nhàn xiết kễ (kể) bao. Hôm sớm phần hồn dầu mặc sức. Tháng ngày việc chác chẳng tơ hào. Xây dần (Xoay vần) tám tiết hằng no ấm. Đáp (Đắp) đổi tứ mùa khỏi khát khao. Gần chợ gần soũ (sông) gần núi bể. Trăm mùi khôn chút vẻ tanh tao”.
Là người làm thơ đương đại, tôi không bình luận về chất lượng thơ của bài thơ đã viết cách đây hơn 200 năm, vì Nguyễn Trãi từng làm thơ chữ Nôm từ hơn 600 năm trước vẫn hay hơn rất nhiều. Chỉ có điều tôi chú ý: Nguyễn Trãi làm thơ bằng chữ Nôm, còn Filiphé Bỉnh làm thơ bằng thứ chữ mà bây giờ ta gọi là chữ quốc ngữ, ở giai đoạn sơ khai của nó. Đây chẳng qua là tên quen gọi, chứ chữ Nôm cũng là chữ quốc ngữ, dùng cách viết chữ Hán mà phiên âm tiếng Việt.
Chữ quốc ngữ thì dùng mẫu tự Latin phiên âm tiếng Việt. Ngày xưa, ông cha chúng ta nhiều khi không biết chữ Hán, không biết cả chữ Nôm, dĩ nhiên chưa biết chữ quốc ngữ vì chưa có thứ chữ này, nhưng vẫn sáng tác và lưu truyền cho hậu thế những tác phẩm thuộc dòng văn học truyền miệng, trong đó có những tác phẩm xuất sắc được nhiều thế hệ thuộc lòng và truyền cho thế hệ sau. Không dùng chữ viết vẫn có văn học, nhưng văn học sẽ phát triển mạnh mẽ như thế nào nếu có chữ viết, điều này tất cả chúng ta đều biết. Dù chữ quốc ngữ ra đời vì những mục đích gì và ban đầu nhằm phục vụ cho những ai, thì từ khi có chữ quốc ngữ mẫu tự Latin dễ học dễ viết, người Việt Nam đã thực sự có chữ viết của mình. Và khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, thì với chữ quốc ngữ, đa số người Việt Nam thuở ấy đã nhanh chóng thoát nạn mù chữ nhờ theo học những lớp bình dân học vụ. Bây giờ nếu nghĩ, lẽ ra người Việt ta giữ được chữ Nôm thì sẽ giữ vững được nền văn hóa dân tộc độc đáo của mình, thì e hơi… cực đoan. Chữ Nôm là một sáng tạo rất đáng quý của người Việt, nhưng nó vẫn phải dựa vào chữ Hán, chí ít là ở hình thái chữ, mà sau nhiều thế kỷ nó vẫn không thể phát triển, không thay được chữ Hán, thì phải thấy cái khó khăn vô cùng của nó khi vừa đồng dạng vừa có mục tiêu dị biệt với chữ Hán.
Sau khi chữ quốc ngữ chính thức được dùng, vào ngày 1.1.1882, cách nay tròn 134 năm, là ngày chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”, thì chúng ta đã có một thứ chữ viết của người Việt khá hoàn chỉnh như bây giờ đang dùng. Phải chăng, như dân mình hay nói, đó là “Ơn kẻ dữ”? Vậy mà, sau 134 năm, trong chữ quốc ngữ của ta vẫn tồn tại không ít từ Hán Việt. Văn hóa và chính trị Trung Quốc vẫn ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam. Đó là một thực tế, dù ta có thừa nhận hay không. Vậy thì phải rất vui, vì nhờ chữ quốc ngữ, chúng ta đã có một cú “thoát Trung” rất ngoạn mục, ít ra là thoát mẫu tự chữ viết. Từ 134 năm nay, người Trung Quốc vẫn viết chữ tượng hình, còn Việt Nam thì đã có chữ viết của riêng mình theo mẫu tự Latin. Khác hoàn toàn với chữ viết Trung Quốc. Với chữ quốc ngữ, Việt Nam là nước châu Á hiếm hoi có chữ viết theo mẫu tự Latin. Nói theo bây giờ, nhờ thế có lẽ ta sẽ “hội nhập” nhanh hơn chăng ? Cũng chẳng biết thế nào, vì hội nhập phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không đơn thuần ở mẫu tự chữ viết.
Trở lại với bài thơ Tới thành Macao” của “nhà thơ vườn” Filiphé Bỉnh. Xin ghi lại bằng chữ quốc ngữ đương đại bài thơ này để dễ cảm nhận:
Tôi đang gửi gắm chốn Macao/Hai chữ thanh nhàn xiết kể bao/Hôm sớm phần hồn dầu mặc sức/Tháng ngày việc chác chẳng tơ hào/Xoay vần tám tiết hằng no ấm/Đắp đổi tứ mùa khỏi khát khao/Gần chợ gần sông gần núi bể/Trăm mùi khôn chút vẻ tanh tao”.
Đây là bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn, nhưng không viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, mà viết bằng thứ chữ mẫu tự Latin. Có lẽ với hồi ấy, nó lạ lẫm lắm. Và cũng còn nhiều “sạn” lắm, nếu so với chữ quốc ngữ bây giờ. Nhưng nếu không có những người mở đường như thế, dám làm thơ bằng thứ chữ còn mới mẻ và đang phát triển chứ chưa hoàn chỉnh như thế, thì làm sao bây giờ chúng ta có cả một nền thơ được viết bằng chữ Việt hoàn chỉnh như vậy. Dù bài thơ không thuộc “dạng” xuất sắc, nhưng có thể thấy sự thơ thới của nhà thơ khi dùng chữ, khi thoải mái thể hiện xúc cảm của mình bằng thứ chữ mình mới làm quen.
Thơ như thế bây giờ cũng có thể làm đơn xin vào Hội nhà văn được. Ngài Filiphé Bỉnh hẳn đã rất vui khi viết được bài thơ bằng chữ quốc ngữ thời sơ khai này. Bây giờ được đọc bài thơ, chúng ta cũng rất vui, vì chỉ sau hơn 200 năm, chữ quốc ngữ dưới ngọn bút (hay máy vi tính) của các nhà thơ Việt đã tung hoành ngang dọc, đã “chơi” từ tượng trưng tới siêu thực rồi hậu hiện đại một cách thật dễ dàng. Người ta hay nói “Phong ba bão táp cũng không bằng ngữ pháp tiếng Việt”, nhưng hơn ông Jourdain trong hài kịch Moliere làm văn xuôi mà không biết, ngày nay chúng ta làm thơ hay làm văn xuôi đều chủ động với chữ viết thuần Việt của mình, chủ động với ngữ pháp Việt của mình. Mà thứ chữ bây giờ thuần Việt ấy, khởi nguyên cũng đâu phải của người Việt? Cái gì dùng tốt cho dân tộc mình, qua thời gian trở nên một bộ phận không thể thiếu trong hành trang của dân tộc mình, thì đều tốt cả, phải không ạ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.