Tư liệu mới nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đời Minh

15/02/2022 09:15 GMT+7

Chinh chiến và từ bỏ: Nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đời Minh của tác giả Trịnh Vĩnh Thường (TS sử học người Hồng Kông định cư tại Đài Loan) được TS Nguyễn Phúc An (Trường Đại học KHXH-NV – ĐHQG TP.HCM) dịch và khảo chú.

Chinh chiến và từ bỏ: Nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đời Minh do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành đầu năm 2022. Sách gồm 7 chương, gần 400 trang (gồm cả phụ lục), TS Trịnh Vĩnh Thường tập trung nghiên cứu mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc vào đời nhà Minh, từ đời Hồng Vũ (1368 – 1398) – niên hiệu của Minh Thái Tổ đến đời Gia Tĩnh (1522 – 1542) niên hiệu của Minh Thế Tông, tương đương từ đời vua Trần Dụ Tông (1368) đến vua Mạc Hiến Tông – Phúc Hải.

Một khối lượng tư liệu đồ sộ đã được chắt lọc song sách vẫn giúp bạn đọc có thêm nhiều tư liệu và góc nhìn bổ sung cho lịch sử Việt Nam nhiều góc khuất và khoảng trống còn bỏ ngỏ. Ví dụ, tác giả Trịnh Vĩnh Thường cung cấp thông tin về anh em Mạc Thúy và Mạc Viễn là cháu của Mạc Đĩnh Chi sau khi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần đã quy phụ nhà Minh và làm hướng đạo để quân Minh hiểu rõ tình hình bố phòng quân sự của nhà Hồ. Thậm chí cả việc bắt được cha con Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương cũng nhờ công của anh em Mạc Thúy và Mạc Viễn.

Bìa sách Chinh chiến và từ bỏ: Nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đời Minh

K.M.S

Tác giả cũng đưa ra những đánh giá khách quan trong mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc đời nhà Minh. Trong đó có thể kể đến đánh giá từ năm Thiên Phúc (939) đời Hậu Tấn bên Trung Quốc, tức đời Ngô Vương của Việt Nam, đến năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) đời Minh Thành Tổ, suốt 468 năm hai triều đại nhà Tống và nhà Nguyên đã nhiều lần dụng binh mà không chiếm được một tấc đất nào của Việt Nam. Phải chịu mất nước về tay nhà Minh nhưng người Việt Nam vẫn không chịu khuất phục. Sử gia Trịnh Vĩnh Thường đánh giá: “Nói chung, An Nam dưới sự cai trị của Trung Quốc trong niên giám Vĩnh Lạc nhà Minh chính là một cục diện “loạn”. Để rồi 20 năm sau, Lê Lợi đã giành lại chủ quyền cho người Việt Nam.

Tác phẩm còn cho bạn đọc thấy nhiều tư liệu lý thú về sự việc vua Mạc Đăng Dung trói mình lên biên giới, cắt đất cho vua Minh. Theo đánh giá của các sử gia Trung Quốc, đó là hành động “muốn tránh cho Trung Quốc tìm cớ phát động chiến tranh”và “đương nhiên Mạc Đăng Dung đã đến Trung Quốc để đảm bảo rằng quyền thống trị trong nước của ông ta không bị bớt đi”. Việc nhà Minh đổi từ An Nam quốc vương của vua Lê mà thành Đô thống sứ phong cho vua Mạc Thái Tổ, đã được sử gia Trịnh Vĩnh Thường bình luận: “việc Mạc Đăng Dung đích thân đến cho thấy cái trí tuệ to lớn của ông ta, từ đó mà nhận được sự thừa nhận của nhà Minh, miễn trừ lo lắng về sau, có thể toàn sức đối phó với kẻ phản kháng”.

Điều này cho thấy các nhà nghiên cứu sử học của Trung Quốc khi đánh giá về vua Mạc Đăng Dung còn cởi mở hơn các nhà sử học của Việt Nam một thời rất nhiều!

Ở đây cũng cần phải nói rằng, bằng khả năng bao quát tư liệu tốt, người dịch không những bám sát tư liệu gốc mà còn bổ chú, đính chính được những địa danh, nhân vật trong sử liệu của Việt Nam như trường hợp nhà Tống sai tướng là Quách Quỳ và Triệu Tiết thống lĩnh mấy chục vạn quân tấn công Việt Nam. Ở sách gốc, tác giả Trịnh Vĩnh Thường viết là Triệu Oa, khi dịch, Nguyễn Phúc An đã căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư để đính chính lại là Triệu Tiết. Hoặc trường hợp tên húy của vua Trần Thái Tông là Trần Cảnh thì sử liệu Trung Quốc ghi là Trần Nhật Cảnh cũng được người dịch ghi chú rõ ràng… Việc người dịch căn cứ vào các tư liệu lịch sử của Việt Nam khi chuyển ngữ là một lối làm việc khoa học, thông minh, tránh được lối dịch “hóc xương gà” mà không ít người dịch sách về lịch sử đã vấp phải.

TS sử học Trịnh Vĩnh Thường sinh năm 1952, hiện đã nghỉ hưu. Ông nguyên là giáo sư khoa Lịch sử trường Đại học Quốc lập Thành Công - Đài Loan (NCKU), TS Sở nghiên cứu Tân Á – Hồng Kông. Là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, TS Trịnh Vĩnh Thường đã viết nhiều tác phẩm liên quan đến lịch sử và văn học Việt Nam như: Sự hưng thịnh và suy tàn của nền văn học chữ Hán tại An Nam; Chinh chiến và từ bỏ: Nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đời Minh; Việt Nam sử - con rồng trên bán đảo kiên cường bất khuất

TS Nguyễn Phúc An sinh năm 1984 tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, Việt Nam. Bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường Đại học Quốc lập Thành Công - Đài Loan, hiện anh đang giảng dạy tại trường Đại học KHXH-NV – ĐHQG TP.HCM. Là tác giả nhiều công trình khảo cứu và dịch thuật như: Đờn ca tài tử Nam Bộ - khảo & Luận (2018); Thư tịch Trung Quốc và thơ văn đi sứ Trung Hoa đời Nguyễn (dịch, 2018); Văn học trung đại Việt Nam – nhìn từ thể loại tiểu thuyết truyền kỳ chữ Hán (khảo luận – phê bình, 2020); Nghiên cứu văn học sử với Hoa Bằng qua Tạp chí Tri Tân (chuyên khảo, 2020); Truyền thuyết các nhân vật Tam Quốc (dịch, 2021)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.