Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862: Việc giảng hòa Pháp - Đại Nam

07/12/2022 07:35 GMT+7

Sau giai đoạn tạm lắng, các cuộc hòa đàm đều thất bại, mọi yêu sách của phía Pháp đều bị từ chối. Người Pháp hiểu rằng họ phải tái khởi động cuộc chiến trên thực địa.

Về việc giảng hòa Pháp - Ðại Nam, Ðại Nam thực lục chép sự việc tháng 10 âm lịch năm 1859: “Trước đây từ cuối mùa hạ [tháng 6 âm lịch], phái viên của Tây dương [tức Pháp] xin hòa, nhưng hạn trong nửa năm để bàn định việc giảng hòa. Rồi thì phái viên Tây dương yêu cầu nhiều khoản, các quan ở quân thứ Quảng Nam biện bác bắt bẻ không ăn thua gì. Vua đã xuống dụ quở trách. Tây dương rồi lại cho quân quấy rối như trước. Vua cho là cuộc giảng hòa chưa chắc đã xong” (Ðại Nam thực lục, tập 7, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.639).

Chợ tạm trên bán đảo Sơn Trà tháng 1.1860; Ảnh: Le Monde illustré, số ra ngày 31.3.1860, tr.213

Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Theo các nội dung trên, phía Pháp hạn trong nửa năm để bàn định, việc nghị hòa kéo dài hơn hai tháng (từ 20.6 đến 29.8), hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung trên bàn đàm phán.

Không thỏa hiệp điều khoản tôn giáo

Ðầu tháng 7 âm lịch, quan Ðê chính là Nguyễn Tư Giản dâng sớ nói không nên hòa với người Pháp. Vua đem hỏi các quan viện Cơ mật thì Trương Ðăng Quế và Phan Thanh Giản tâu: “Phái viên của Tây dương yêu cầu nguyên có 3 khoản. Hiện nay nó xin cắt đất, quyết nhiên ta không cho. Một khoản thông thương thì bản triều ta từ khi mới dựng nước đến nay, đã có lệ nhất định. Một khoản truyền giáo, cũng từ đời Trần, đời Lê đã cấm rồi. Gần đây vì điều cấm của ta rất ngặt, cho nên họ xin khoan cho việc cấm truyền đạo” (Ðại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.623 - 624).

Về vấn đề giáo dân, vào tháng 8 âm lịch, có nhiều người nói rằng người Pháp dùng “dân đạo để dẫn đường và làm nội ứng, xin nên xử trí rất nghiêm. Thậm chí có người xin giết hết cả dân đạo đi. Vua cũng không nỡ, bảo là nói quá đáng. Rồi bỏ đấy” (Ðại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.630). Một tháng sau, vua cho là “gần đây dân đạo các địa phương nhiều kẻ giao thông ngầm với Tây dương, phải nên kiềm chế trước để dứt mối gian” (Ðại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.633), bèn ra chỉ dụ về trừng phạt giam giữ tùy theo tội trạng hòng kiểm soát tình hình.

Song song đó, vua sai bộ Lễ tìm những người biết chữ biết tiếng Pháp sung chức thông ngôn để dự bị sai phái. Trong quá trình giảng hòa, hai vị đại thần là Trương Ðăng Quế và Phan Thanh Giản cho rằng đặc phái viên của phó đô đốc thể hiện hai quan điểm trái ngược nhau, “Ở Ðà Nẵng thì họ dụng ý cố chấp, ở Gia Ðịnh thì họ giả làm kính thuận. Việc nhiều trái ngược không hợp nhau, cuộc hòa chưa chắc đã xong” (Ðại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.632).

Trong quá trình tiếp xúc Pháp - Ðại Nam, vua quan nhà Nguyễn rất nghi ngại ý đồ chính trị của các nhà truyền giáo, vì vậy tự do theo đạo là điều khoản không cần phải bàn đến, việc triều đình Huế không thỏa hiệp vấn đề tôn giáo với đặc phái viên của Rigault de Genouilly trong cuộc thảo luận tại Ðà Nẵng tháng 6 và 7.1859 là một ví dụ.

Bấy giờ sức khỏe Rigault de Genouilly giảm sút nghiêm trọng, ông ta được triệu hồi về Pháp. Từ ngày 25.9.1859, vai trò của Rigault de Genouilly được giao lại cho Ðề đốc Page. Ngày 19.10.1859, Page đến Ðà Nẵng, chính thức kế nhiệm Rigault de Genouilly, và được Phó đô đốc chuyển giao quyền chỉ huy lực lượng viễn chinh kể từ ngày 1.11.1859.

Sử liệu Pháp cho biết, bấy giờ lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Sài Gòn và Ðà Nẵng mất đến 929 lính, tức hơn 1/3 quân số lúc ban đầu (Philippe Devillers, Người Pháp và người Annam bạn hay thù?, Ngô Văn Quỹ dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006, tr.97).

Ngày 27.11.1859, Page khởi hành vào Sài Gòn, ngày 5.12.1859 đến nơi, cuộc di tản lực lượng viễn chinh khỏi Ðà Nẵng từng bước được thực thi. Page nhanh chóng chiếm Sài Gòn và Chợ Lớn, cho đặt trụ sở của mình ở Sài Gòn, ông ta tiếp tục mở các cuộc đàm phán với đại diện triều đình Huế tại Nam kỳ là Thống tướng quân vụ đại thần Tôn Thất Cáp, một số tài liệu Pháp ghi tên nhân vật này là Tôn Thất Hiệp.

Tôn Thất Cáp gửi thư trả lời Ðề đốc Page ngày 11.12.1859, trong đó có nội dung rằng: “Các ông muốn rằng đạo Công giáo được rao giảng trên toàn lãnh thổ, rằng mỗi làng đều có một nhà thờ ư? Không thể nào như vậy?” (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), Vũ Lưu Xuân dịch, TuvanBooks và NXB Thế giới, 2011, tr.41).

Về phía triều đình Huế, sau dụ ban tháng 9 âm lịch, đến cuối tháng 12 âm lịch năm 1859, vua định rõ lại điều cấm quan lại theo đạo Công giáo. Trước đó nữa, trong các báo cáo gửi về Bộ trưởng Bộ Hải quân, Phó đô đốc Rigault de Genouilly đã nói đến khó khăn này đồng thời lên án thái độ của các thừa sai Pellerin, Lefebvre… khi các vị này chống đối giải pháp hòa bình, họ cổ vũ chiến tranh và phá hoại cuộc thương thuyết, rằng “họ mong chúng ta [quân viễn chinh Pháp] đánh chiếm và lật đổ dòng tộc đương quyền [nhà Nguyễn]” (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), sđd, tr.39).

Ðề đốc Page cũng phàn nàn điều tương tự với Bộ trưởng Bộ Hải quân, thậm chí Page còn “không nhờ vả các thừa sai ngay khi cuộc thương lượng với triều đình Huế bắt đầu” (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), sđd, tr.40 - 41), nhưng Page cũng không hơn gì người tiền nhiệm. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.