Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862: Trước nguy cơ mất Gia Định, Định Tường, Biên Hòa

10/12/2022 07:52 GMT+7

Trong quá trình hòa đàm, các yêu cầu cụ thể của phía Pháp lúc bấy giờ như cắt nhượng đất, tự do thờ phụng, bồi thường chiến phí… ít được nêu rõ trong ghi chép của sử quan triều Nguyễn.

Pháp phong tỏa con đường vận chuyển gạo

Hơn một tuần sau khi Mỹ Tho thất thủ (12.4.1861), Phó đô đốc Charner ban hành một nghị định (ngày 23.4.1861) cấm chở gạo lên phía bắc. Léopold Pallu, trong Nam kỳ viễn chinh ký 1861, cho rằng “thông tin này khiến cho người An Nam bối rối” bởi lúa gạo là nguồn lương thực thiết yếu, là mối bận tâm chính của triều đình Đại Nam.

Ba ngày sau đó (26.4.1861), Charner gửi thư cho Nguyễn Bá Nghi vừa hứa hẹn vừa gây áp lực: “Nếu ký hòa ước, ngoại thương của An Nam vốn bị các tàu tuần dương ngăn chặn, sẽ được tự do nối lại; và với sự bảo hộ của Pháp tại Sài Gòn, Mỹ Tho, vùng Nam kỳ lục tỉnh sẽ phát triển thịnh vượng vượt bậc so với thời trước chiến tranh. Tóm lại, thay vì gây khó khăn cho triều đình Huế, nước Pháp sẽ hỗ trợ cho An Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Quan toàn quyền Pháp (Charner) hy vọng sau khi chuyển tới vua nhà Nguyễn những suy nghĩ này, sẽ nhận được một câu trả lời hứa hẹn khả năng điều đình” (Léopold Pallu, Nam kỳ viễn chinh ký 1861, Thanh Thư dịch, DTBooks và NXB Hồng Đức, 2018, tr.171).

Đại diện các làng Đại Nam tới gặp Phó đô đốc Charner. (Theo ký họa của Roux)

L’illustration, Journal Universel, số ra ngày 1.6.1861, tr.337Nguồn: HathiTrust Digital Library

Trong chỉ thị cho Nguyễn Bá Nghi được dẫn ở bài trước, triều đình Huế chủ trương xem người Pháp phúc đáp thư thế nào rồi sẽ tùy nghi xử trí. Phần Nguyễn Bá Nghi, nhìn thấy rõ sức mạnh quân sự của Pháp và bị đặt vào tình thế khó khăn, quan Khâm sai gửi thư cho Charner (ngày 3.5.1861) với nội dung: “Kể từ ba năm chiến tranh với các ông, không một cái gì trong vương quốc khốn khổ này thoát khỏi tai họa mà các ông giáng xuống. Kho lương của chúng tôi bị đốt cháy, đồn lũy bị đánh chiếm và phá hủy, thương mại điêu đứng; ghe thuyền chở vải quý bị đánh đắm, lính chết, nhà tan. Các ông còn đòi chúng tôi vàng bạc; đẩy chúng tôi vào đói khổ. Trời xanh có hài lòng với những tai ương mà các ông gây ra hay không? Giờ các ông lại cấm gạo; dân chúng sẽ chết đói”. Cuối thư, Nguyễn Bá Nghi nói một cách kiêu hãnh: “Được thôi, nếu đó là phương sách cuối cùng mà Ngài đưa ra thì chúng tôi sẽ thu thập binh khí và chiến đấu đến cùng” (Léopold Pallu, Nam kỳ viễn chinh ký 1861, sđd, tr.171 - 172). Charner hồi đáp trong thư ngày 7.5.1861 là “sẽ nỗ lực dùng vũ khí để đẩy lùi vũ khí”.

Cần biết rằng ngay từ đầu, khi chứng kiến thuyền súng tối tân và vượt trội của người Pháp, Nguyễn Bá Nghi đã chủ trương hòa đàm. Quan Khâm sai lại gửi thư về Huế tâu nói: “Sự thế Nam kỳ, duy việc giảng hòa còn có thể làm được. Nếu không như thế sẽ có việc lo ngại khác”, “Tôi đến Biên Hòa, xét thấy tình thế đều là nguy bách. Bất đắc dĩ phải phái người đến trách hỏi viên nguyên soái của Tây dương dẫu rằng tạm làm kế hoãn binh, nhưng thực ra tôi thấy sự thể, đánh và giữ đều không làm được. Không hòa thì không định được cục diện. (...) Nay nếu không hòa, họ tất nhiên không lui, chiến tranh tai họa liên miên, tôi rất lấy làm sợ ngại. Cho nên tôi nói rằng trừ việc hòa ra, tôi đành chịu tội” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.715).

12 yêu sách của Charner

Trong lá thư gửi cho Nguyễn Bá Nghi ngày 7.6.1861, Charner nhắc lại 12 điều kiện tiên quyết để có hòa bình Pháp - Đại Nam: 1. Tự do theo đạo Thiên Chúa; 2. Nhượng đất Sài Gòn và tỉnh Gia Định; 3. Nhượng Mỹ Tho và lãnh thổ lân cận; 4. Nhượng Thủ Dầu Một ở tỉnh Biên Hòa; 5. Tự do hàng hải ở miền Tây; 6. Người châu Âu được đi lại tự do trên toàn lãnh thổ, với điều kiện chấp hành luật lệ An Nam; 7. Trao trả người châu Âu bị cho là phạm luật cho các lãnh sự ở hải cảng gần nhất; 8. Quyền hiện diện của hai phía Pháp và Nam kỳ ở tòa án của mỗi bên; 9. Thiết lập lãnh sự quán và trao quyền tự do cho thương mại châu Âu ở các hải cảng chính; 10. Ân xá cho tất cả tội phạm liên quan tới chiến tranh; 11. Bồi thường 4 triệu piastre; 12. Chấp nhận đại sứ Tây Ban Nha là thành viên tham dự hiệp ước trong tương lai. (Léopold Pallu, Nam kỳ viễn chinh ký 1861, sđd, tr.172 - 173).

Charner dùng từ “trình bày lại”, và không quên nói rõ là trong công hàm lúc trước (tháng 4.1861) đã gửi cho Nguyễn Bá Nghi, y đã nêu rõ những điều khoản trên để hai bên có thể tiến tới thiết lập “một nền hòa bình vững chắc”. Sự việc này được nhắc đến vắn tắt trong thư của Nguyễn Bá Nghi gửi về Huế tháng 4 âm lịch năm 1861: “Quân Tây dương yêu cầu quá đáng, tôi cố sức biện bạch, đã đến 4 lần, mà khí thế của họ rất găng, giở giọng dã man. Tôi đã lại nói như trước, cho là cắt đất bồi phí tổn như thế, thực là có chỗ không tiện, không chịu nổi” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.716).

Tự do thờ phụng chỉ là một phần yêu cầu từ phía Pháp, bên cạnh các vấn đề về tự do thương mại và lưu thông, quan hệ ngoại giao… đã được nêu trong dự thảo hòa ước 1860 dưới thời Đề đốc Page và lặp lại trong yêu cầu của Charner, thậm chí Charner còn đòi hỏi nhiều hơn người tiền nhiệm.

Thời Charner, tự do thông thương và tôn giáo không còn là ưu tiên số 1 của triều đình Huế, trong tình thế bất lợi trên chiến trường, vua quan nhà Nguyễn đặc biệt lưu tâm đến nguy cơ mất ba tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa, và bồi thường chiến phí cho người Pháp, nên đành chấp nhận nhượng bộ vấn đề tôn giáo. (Còn tiếp)

Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862

Những cuộc hòa đàm đầu tiên

Việc giảng hòa Pháp - Đại Nam

Triều đình Huế bước đầu nhượng bộ


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.