Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862: Những cuộc hòa đàm đầu tiên

05/12/2022 07:32 GMT+7

Từ tài liệu của Pháp và VN, các tác giả dựng lại những cuộc hòa đàm đầu tiên từ năm 1859, đồng thời cung cấp thêm hai bản hòa ước khác vào năm 1860 và 1861, trước khi ký Hòa ước 1862.

Loạt bài cung cấp nhiều thông tin và bối cảnh liên quan, nguyên nhân dẫn đến các cuộc hòa đàm Pháp - Việt mà Hòa ước Sài Gòn là kết quả của một quá trình trước đó khi chiến trường quyết định cục diện, quyết định thế cờ trên bàn đàm phán. Thanh Niên xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Sau khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, cuộc chiến rơi vào thế giằng dai. Quân Đại Nam vẫn cố gắng phản công, củng cố khu vực đồng bằng; quân Pháp gặp bất lợi về sức khỏe song vẫn tập trung tái thiết thành An Hải.

Doanh trại liên quân Pháp - Tây Ban Nha dưới chân núi Sơn Trà (Đà Nẵng); đăng trên Le Monde illustré, số ra ngày 27.11.1858, tr.341

Thư viện Quốc gia Pháp

Tháng 1.1859, quyết định chinh phục Sài Gòn, “kho gạo nuôi sống một phần kinh thành Huế và quân đội An Nam”, ban ra và được quân Pháp tại Đà Nẵng hân hoan chào đón. Tuy nhiên, quyết định này khiến giám mục Pellerin không hài lòng bởi trước đó ông đã khăng khăng yêu cầu Phó đô đốc Rigault de Genouilly tấn công Bắc kỳ với lý do “ngoài Bắc đang gia tăng sự bức hại đối với giáo dân, bấy giờ các nhà truyền giáo Tây Ban Nha cũng được đưa vào Đà Nẵng” (Henri de Ponchalon, Indo-Chine: souvenirs de voyage et de campagne, 1858 - 1860 (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 - 1860), Alfred Mame et Fils, Tours, 1896, tr.131).

Cũng theo đại tá Henri de Ponchalon, giám mục Pellerin mong muốn Rigault de Genouilly tiến đánh Bắc kỳ thay vì Sài Gòn, bởi ở đó “có nhiều giáo dân sẵn sàng tham gia với quân viễn chinh”. Về phía viên phó đô đốc, ông ta ý thức được rằng với lực lượng quân sự hạn chế, bấy giờ đánh Huế cũng không thể, càng không thể phó thác chiến dịch quân sự vào lợi ích tôn giáo, vì vậy ông ta cần phải chiếm đóng Sài Gòn (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 - 1860, sđd, tr.134).

Phó đô đốc hải quân Genouilly bố trí thuyền trưởng (đại tá) Thoyon cùng ba đại đội thủy quân lục chiến ở lại Đà Nẵng, ngày 2.2.1859, ông ta dẫn phần lớn quân số vào Sài Gòn, liên quân đến cửa sông Đồng Nai ngày 9.2.1859 và hạ thành Gia Định ngày 17.2.1859. Giữa tháng 4.1859, viên phó đô đốc này bắt đầu điều quân trở lại Đà Nẵng và pháo hạm Alarme đưa ông ta về đến Đà Nẵng vào ngày 26.4.1859 (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 - 1860, sđd, tr.170), để giải tỏa áp lực cho đội quân ít ỏi của mình bấy giờ đang chống chọi lại ý chí của quân Đại Nam (quốc hiệu nước ta lúc bấy giờ) là “quét sạch quân Pháp ra khỏi Đà Nẵng”. Đồng thời, Rigault de Genouilly gửi thư xin Paris cho điều quân tiếp viện đến, để có thể chống trả quân Đại Nam trong bối cảnh quân Pháp bị bệnh dịch hoành hành.

Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Chasseloup-Laubat là không thể điều quân theo yêu cầu vì nước Pháp đang trong cuộc chiến với nước Áo (Henri de Ponchalon cho biết thư tín nhận được ngày 10.6.1859), và thông tin cho Rigault de Genouilly “cố gắng ký kết với Đại Nam một bản hòa ước, thậm chí có quyền tự do bỏ cuộc ra về” (Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 - 1897), Omega+ và NXB Hồng Đức, 2018, tr.67).

Rigault de Genouilly gửi thư trả lời rằng rời bỏ Nam kỳ sẽ làm ảnh hưởng uy tín của nước Pháp tại vùng Viễn Đông, vì vậy ông ta chọn giải pháp ký hòa ước.

Từ chiến trường đến bàn đàm phán

Một cuộc hội đàm được thiết lập tại Đà Nẵng ngày 20.6.1859, hai chiếc lều lớn được phía Đại Nam dựng lên ở khoảng giữa hai phòng tuyến Pháp - Đại Nam trước đó mấy ngày để phục vụ cho cuộc tiếp xúc. Đại diện cho Rigault de Genouilly là đặc phái viên (đại úy) Louis Charles Lafont, ngoài ra còn có linh mục Legrand làm thông ngôn và tùy viên đại sứ quán tại Macau là Méritens; đại diện cho phía Đại Nam là “ba vị quan” gồm một quan võ và hai quan văn (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 - 1860, sđd, tr.188).

Đại diện phía Pháp yêu cầu Đại Nam chấp nhận các yêu sách của họ về tự do tín ngưỡng, tự do lập phố, thông thương để có hòa bình. Henri de Ponchalon cho biết: “…Sau một cuộc thảo luận ngắn, cuộc thương lượng tạm dừng, cha Legrand tuyên bố rằng [phó] đô đốc chỉ giao thiệp với một quan đại thần có quyền hạn tối cao của triều đình Huế” (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 - 1860, sđd, tr.188).

Cuộc hội đàm Pháp - Đại Nam lần thứ hai diễn ra ngày 28.6.1859, trên mạn một chiếc thuyền mành, Henri de Ponchalon miêu tả là “những vị quan [Đại Nam] lần đầu đi tất và mang giày vải đen” (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 - 1860, sđd, tr.191). Ngày 4.7.1859, diễn ra cuộc hội đàm lần thứ ba nhưng cũng không thành công.

Trong suốt quá trình đàm phán, hai bên đều phải án binh bất động. Bấy giờ, quân Pháp thiệt hại nặng nề do thời tiết 39 - 42 độ C khiến họ “ngạt thở trong lán trại”, lính mới đến bị dịch tả nghiêm trọng, “chúng tôi mất hơn 200 người lính” (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 - 1860, sđd, tr.190). Nhuệ khí đi xuống và tinh thần lung lay, cùng với tin tức quân Áo đang gây áp lực cho quân Pháp ở chiến trường Tessin (Ý), phía Pháp gặp thiếu thốn đủ thứ, “chúng tôi bắt đầu không nhận được những thứ cần thiết như quân trang, giày, thịt, rượu…” (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 - 1860, sđd, tr.192 - 193). (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.