'Từ hai phía mặt trời', thiên trường ca dày 1.118 trang viết của nhà văn Trúc Phương

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
18/08/2023 18:32 GMT+7

"Nhiều nhà thơ trên thế gian này luôn đặt câu hỏi về nguồn gốc trái đất, vũ trụ, loài người, cái đẹp..., nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi, đó là một nhà thơ viết rất ngắn, đó là Thôi Hiệu chỉ với 8 câu mà lưu sanh thiên cổ. Và người viết rất dày, thế kỷ 21 này ở Việt Nam, là Trúc Phương với trường ca Từ hai phía mặt trời", nhà văn Trầm Hương chia sẻ.

Sáng 18.8 tại TP.HCM nhà văn Nhất Phương (Trúc Phương) và Hội Nhà văn TP.HCM đã có buổi tọa đàm, ra mắt trường ca Từ hai phía mặt trời - Sử thi trái đất và loài người dày 1.118 trang viết của nhà văn Trúc Phương.

'Từ hai phía mặt trời', thiên trường ca dày 1.118 trang viết của nhà văn Trúc Phương   - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại buổi tọa đàm, ra mắt trường ca Từ hai phía mặt trời - Sử thi trái đất và loài người dày 1.118 trang viết của nhà văn Trúc Phương

PHƯƠNG HUYỀN

Tham dự có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Bích Ngân - Ủy viên ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM; Nhà văn Bùi Anh Tấn - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ TP.HCM; Nhà văn Trầm Hương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn TP.HCM cùng các khách mời và bạn đọc yêu thơ.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân khẳng định: "Nhà văn Trúc Phương vốn là một cây bút văn xuôi trường lực của văn chương Nam bộ. Từ nơi chôn nhau cắt rốn ở xã Bình Hòa Phước (H.Long Hồ, Vĩnh Long), ông bước theo con đường cách mạng từ năm 14 tuổi với tên khai sinh Nguyễn Minh Nghiệp. Qua rèn luyện trong bom đạn và sự trải nghiệm trong hòa bình, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Minh Nghiệp đã trở thành nhà văn Trúc Phương của những tác phẩm được đồng nghiệp và công chúng yêu mến như: Cây sầu đâu sinh đôi, Nghìn năm biển gọi, Chuyến xe ngựa cuối cùng, Nắng không của mặt trời, Chim không hót lúc bình minh...

'Từ hai phía mặt trời', thiên trường ca dày 1.118 trang viết của nhà văn Trúc Phương   - Ảnh 2.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân khẳng định: "Nhà văn Trúc Phương vốn là một cây bút văn xuôi trường lực của văn chương Nam bộ"

'Từ hai phía mặt trời', thiên trường ca dày 1.118 trang viết của nhà văn Trúc Phương   - Ảnh 3.

Đông đảo hội viên Hội Nhà văn TP.HCM đến dự và chia vui với đứa con tinh thần mới của nhà văn Trúc Phương

PHƯƠNG HUYỀN

Nói về tác phẩm mới của ông, nhà văn Bích Ngân nhấn mạnh: "Từ hai phía mặt trời là hành trình khám phá cả hai yếu tố tự sự và trữ tình được tác giả gửi gắm tâm huyết một cách chân thành: Những vạ gió tai bay cứ kéo đến lộng hành/Trái đất vẫn nhân từ chịu đựng/Mất anh em xa, mong gặp láng giềng gần. Ngoài ra, trường ca Từ hai phía mặt trời còn đề cập đến sự hình thành của thế giới chúng ta đang sống. Từ phương Tây đến phương Đông, từ các vùng đất Ai Cập, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, Ấn Độ đến các triều đại Xuân Thu, Chiến Quốc của Trung Quốc. Từ những câu chuyện nhuốm màu thần thoại Apollo, Achilles, Hercules, Tất Đạt Đa... đến những mối tình bi thương của Đắc Kỷ - Trụ Vương, Bao Tự - Chu Vương, Tây Thi – Phạm Lãi....".

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: "Từ hai phía mặt trời hứa hẹn sẽ lập kỷ lục về thể loại trường ca của Việt Nam, vì tập 1 đã có dung lượng 1.100 trang".

Ông Lê Thiếu Nhơn nói: "Đặc tính của trường ca là dài, nhưng phẩm chất của trường ca không chỉ là dài. Từ hai phía mặt trời thông qua những triều đại, những thần thoại, những học thuyết, những câu chuyện để lý giải sự thịnh suy của thế giới chúng ta đang sinh tồn. Trong ngổn ngang bụi mờ ký ức và hoài niệm rêu phong, tác giả Nhất Phương âu lo cho từng mệnh kiếp nhỏ nhoi: "Bài thơ vàng ố/ Vừa làm cuộc hóa thân bên chùm lửa nhỏ/ Người đàn bà tự do nhìn làn khói bay/ Ngẩn ngơ buồn".

'Từ hai phía mặt trời', thiên trường ca dày 1.118 trang viết của nhà văn Trúc Phương   - Ảnh 4.

Lãnh đạo Hội Nhà văn TP.HCM trao hoa chúc mừng nhà văn Trúc Phương (giữa)

PHƯƠNG HUYỀN

Nhà văn Trầm Hương cảm động: "Tôi không có ý so sánh Thôi Hiệu và Trúc Phương bởi tài năng văn chương trời cho mỗi người mỗi khác, tâm thế xã hội nhà thơ được sống cũng khác nhau, nhưng có một điểm tương đồng cả hai cùng có được. Đó là cảm xúc. Có cảm xúc nhà thơ mới đề thơ, viết thơ. Người xưa đề thơ trên vách lầu. Trúc Phương giam mình trong thư phòng đầy sách, vật lộn với chiếc máy tính cũ kỹ gõ ra hàng ngàn trang thơ".

Một sự tạo ra muôn sự

Vụ nổ Big Bang thành bài ca vũ trụ

Ta đi về phía tương lai

Càng yêu thêm miền quá khứ

Những thiên hà đang bay

Trong ái ân tình tự

Trái đất quay quanh mặt trời

Cuộc rong chơi của lửa

Có mặt tại khán phòng, người yêu thơ Trúc Phương không chỉ được nghe nhiều chia sẻ rút ruột của đồng nghiệp khi nói về ông, cùng với những câu trường ca hay cứ thế lan tỏa mà còn được xem những những hình ảnh quý giá của nhà văn Trúc Phương, những kỷ niệm đẹp từ thời nhà văn Trúc Phương còn trẻ và những kỷ niệm thật ấm áp cùng bạn bè, đặc biệt là người vợ yêu quý, qua video clip xúc động do nhà thơ Nguyên Hùng dàn dựng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.