Từ giải thưởng VinFuture nghĩ về niềm hy vọng cho khoa học công nghệ Việt Nam

Quý Hiên
Quý Hiên
26/01/2022 16:57 GMT+7

Góc nhìn từ một số nhà khoa học về ảnh hưởng của giải thưởng triệu đô mà Quỹ VinFuture trao cho các nhà khoa học xuất sắc bậc nhất thế giới tới nền khoa học Việt Nam.

Hoạt động khoa học công nghệ trong nước vừa có một tuần sôi động bởi lễ trao giải thưởng VinFuture và các sự kiện đi cùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng giải thưởng chính giải thưởng VinFuture cho các nhà khoa học, những người tạo ra nền tảng sản xuất vắc xin Covid-19 mRNA

Thanh Lâm

Đã đến lúc Việt Nam không chỉ “đi xin”

Một trong những người đánh giá rất tích cực các sự kiện trong tuần lễ VinFuture là TS Phạm Chi Lan, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam. TS Phạm Chi Lan cho hay, khi biết thông tin về giải thưởng, bà cũng hồ nghi về ý nghĩa của giải thưởng. Nhưng sau khi chứng kiến các hoạt động của tuần lễ giải thưởng, đặc biệt là qua sự kiện lễ trao giải, bà đã thay đổi hoàn toàn so với định kiến trước đó.

Theo TS Phạm Chi Lan, từ hơn nửa thế kỷ nay, nền khoa học công nghệ Việt Nam đã quen với việc nhận hỗ trợ từ bên ngoài, kể cả những thành quả khoa học công nghệ từ các nước được du nhập vào Việt Nam qua nhiều kênh khác nhau, đến sự viện trợ của Chính phủ và các tổ chức khác nhau.

Chúng ta chỉ biết nghĩ rằng, bản thân sự phát triển của mình, hoặc sử dụng tốt các nguồn viện trợ, cũng là một đóng góp trở lại cho thế giới. Nhưng việc lần đầu tiên, có một quỹ của Việt Nam do một tỉ phú Việt Nam đứng ra trao, là một điều rất tốt.

TS Phạm Chi Lan phát biểu trong một cuộc toạ đàm

Hoàng PHan

“Ít nhất đây là một thông điệp cho người Việt hiểu rằng đã đến lúc không chỉ “ngửa tay đi xin thiên hạ” nữa”. Việt Nam hiện nay đã phát triển hơn, kinh tế tăng trưởng tốt, nên đã đến lúc Việt Nam có những đóng góp nhất định trở lại với nền khoa học công nghệ thế giới. Vì thế, giải thưởng VinFuture có những đóng góp nhất định cho Việt Nam, để cho thế giới thấy rằng Việt Nam đã có những nỗ lực nội lực thúc đẩy nền khoa học công nghệ chung chứ không chỉ trông mong ra bên ngoài”, TS Phạm Chi Lan chia sẻ.

Giải thưởng còn có những đóng góp quan trọng khác cho Việt Nam. Chẳng hạn, thông qua việc hưởng ứng nhiệt tình của giới khoa học thế giới với giải thưởng (con số 600 hồ sơ đề cử ở mùa đầu tiên là minh chứng cụ thể), các nhà khoa học trong nước có thể tiếp cận gần hơn với bức tranh khoa học công nghệ thế giới ở từng lĩnh vực cụ thể. Từ đó có sự soi chiếu với bản thân để nảy nở ước mơ, khát vọng. “Việt Nam có 17 dự án được đề cử tham gia xét thưởng. Sự mạnh dạn này rất đáng khích lệ”, bà Phạm Chi Lan bình luận.

Đặc biệt, theo bà Phạm Chi Lan, đây là sự kiện thu hút được nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới ở các lĩnh vực khác nhau đến Việt Nam, tham gia các hoạt động khoa học có ý nghĩa, tạo nên cơ hội tuyệt vời, giúp các nhà khoa học trong nước có cơ hội được lĩnh hội trực tiếp kiến thức, thông tin về các hướng nghiên cứu mới, từ những nhà khoa học kiệt xuất đương thời.

TS Chi Lan nói: “Qua giao lưu trực tiếp, chúng ta sẽ có cơ hội được họ lắng nghe, được họ hiểu mình hơn và biết đâu từ đó sẽ nảy sinh cơ hội hợp tác với họ về sau”.

PGS Chu Hoàng Hà, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, cũng đồng tình với nhận định trên của bà Phạm Chi Lan. Theo PGS Chu Hoàng Hà, đúng là thường các giải thưởng có giá trị lớn không đến từ các nước chưa phát triển, vì thế việc thành lập Quỹ VinFuture để trao giải thưởng triệu đô là một sáng kiến của các nhà sáng lập quỹ, là nhìn xa trông rộng, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong đánh giá của cộng đồng khoa học thế giới.

“Nó thể hiện trách nhiệm của người Việt chúng ta với thế giới, nó cho thấy chúng ta quan tâm đến khoa học nói chung, trong đó đặc biệt coi trọng khoa học công nghệ”, PGS Hoàng Hà nhận xét.

Không chỉ là danh hão…

Nhưng PGS Chu Hoàng Hà cũng cho rằng, cái được như đã nêu trên không chỉ là danh hão mà sẽ tác động sâu sắc vào nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách và của cộng đồng trong nước nói chung.

Hiện nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều chủ trương coi trọng vai trò của khoa học công nghệ với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, do nền kinh tế còn yếu nên dù trình độ khoa học công nghệ trong vài năm gần đây tốt lên nhiều nhưng vẫn khó bật lên được. Sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ có biên độ tương ứng với nền kinh tế, nên dẫu có tốt cũng chỉ nằm trong biên độ đã bị giới hạn. Ngay như một nước hiện có nền kinh tế rất phát triển, đầu tư cho khoa học công nghệ rất nhiều như Hàn Quốc, nhưng họ cũng chưa có nhà khoa học nào được giải thưởng Nobel.

PGS Chu Hoàng Hà (bìa trái) trong một sự kiện hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam

Quỳnh Liên

Vì thế, việc có một giải thưởng quốc tế với giá trị lớn ngay tại Việt Nam, nếu duy trì được lâu dài, sẽ có tác động về mặt tinh thần rất lớn với nhà khoa học trong nước. Trước hết, việc trao giải thưởng hàng năm sẽ khiến người dân trong nước thấy khoa học công nghệ được quan tâm, được vinh danh, nên sẽ có thái độ trọng thị với người làm khoa học công nghệ. Sau đó là sự tác động của giải thưởng vào nhận thức của những người làm chính sách.

“Trong lễ trao giải chúng ta thấy sự có mặt của Thủ tướng, của nhiều thành viên Chính phủ. Nó thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, của cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp…, tới khoa học công nghệ. Nó cho thấy Việt Nam hướng đến xã hội coi trọng tri thức, coi trọng khoa học công nghệ. Nhà khoa học nhìn vào đó cũng sẽ có suy nghĩ tích cực, tin tưởng hơn vào con đường mình đang đi”, PGS Hoàng Hà nói.

Hy vọng học được chuẩn mực quốc tế

Trước một số ý kiến cho rằng nếu có triệu đô để khen thưởng các nhà khoa học thì nên ưu tiên khen thưởng nhà khoa học trong nước, để giải thưởng là sự đóng góp trực tiếp với nền khoa học nước nhà, bà Phạm Chi Lan nhận định đó là suy nghĩ không thực tế.

Theo bà Phạm Chi Lan, những yếu kém hiện nay của nền khoa học công nghệ nước nhà không hẳn là do thiếu tiền, mà là thiếu sự đầu tư đúng cách. Hiện nay, các quỹ của Nhà nước giành cho khoa học công nghệ là rất nhiều, thậm chí có những năm tiêu không hết tiền, mà hầu hết các sản phẩm được đầu tư có góp gì thì rất khó phân tích, nhìn nhận, đánh giá.

Cũng cùng quan điểm trên, PGS Chu Hoàng Hà cho rằng, việc có giải thưởng quốc tế như VinFuture ở Việt Nam là một cơ hội cho giới khoa học trong nước học hỏi được cách làm chuẩn mực quốc tế trong việc vinh danh các công trình khoa học.

“Nhìn vào đó để chúng ta thấy đã là khoa học thì chỉ có một chuẩn mực chung, chứ không thể đặt ra những tiêu chuẩn riêng của Việt Nam. Điều này rất quan trọng vì không thể làm khoa học một mình mà cần phải theo chuẩn mực chung của thế giới”, PGS Chu Hoàng Hà nói.

Trước những ý kiến cho rằng, nếu thực sự quan tâm tới nền khoa học công nghệ thì Quỹ VinFuture nên đầu tư cho khoa học công nghệ, giúp nhà khoa học trong nước nâng cao điều kiện nghiên cứu chất lượng, thay vì vung tiền khen thêm những người đã quá đủ lời khen, PGS Chu Hoàng Hà cho đó là bình luận thiếu công bằng.

“Mỗi việc cần đánh giá đúng ở vị trí của nó. Nếu nói một giải thưởng phải giải quyết hết tất cả vấn đề thì đó là một cách suy nghĩ không hợp lý. Vingroup cũng có nhiều hoạt động đóng góp cho khoa học, đâu chỉ việc trao giải thưởng này. Họ có quỹ VinIf, tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học trong nước, cấp học bổng cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh, nghiên cứu sau tiến sĩ. Chính họ còn tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, với những đề tài có đóng góp tốt cho nền khoa học trong nước”, PGS Chu Hoàng Hà chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.