Từ đơn thư bạn đọc: Sống hồi hộp dưới chân núi Quyết

Khánh Hoan
Khánh Hoan
29/04/2021 07:30 GMT+7

Hàng trăm hộ dân dưới chân núi Quyết, thuộc P.Trung Đô, TP.Vinh, Nghệ An, từ nhiều năm nay phải sống trong cảnh khổ sở vì nguy cơ sạt lở núi và quy hoạch treo chưa biết ngày di dời.

Đi không được, ở không xong

Sau nhiều lần điều chỉnh, năm 2008, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch lâm viên núi Quyết. Theo đó, dự án có diện tích hơn 147 ha, gồm các hạng mục: khu đón tiếp, tiểu công viên di tích chiến tranh, khu dịch vụ giải trí, khu sinh thái cảnh quan thiên nhiên, khôi phục di tích Hoàng thành Phượng Hoàng Trung Đô... Tổng mức đầu tư dự kiến 600 tỉ đồng, kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Để thực hiện dự án, 7 cơ quan, 5 khu tập thể và 300 hộ dân nằm dọc hai bên đường Ngô Thì Nhậm (sát chân núi Quyết) phải di dời.
Thế nhưng, sau 13 năm quy hoạch, dự án vẫn chưa khởi động. Cuộc sống người dân ở hai bên con đường này từ đó lâm vào cảnh khổ sở. Ông Vương Đình Danh, một người dân sống ở đây, cho biết nhà ông nằm trong diện bị quy hoạch di dời. Do đó, ông không dám sửa chữa, làm lại dù căn nhà cấp 4 của gia đình ông được xây dựng từ hơn 30 năm trước đã xuống cấp nặng nề.
“Do bị quy hoạch, hạ tầng không được đầu tư nên khu này còn tệ hơn cả ở vùng quê. Vợ chồng tôi định bán đất để đi nơi khác ở nhưng vì bị quy hoạch nên không bán được. Giờ ở không được, bán cũng không xong mà ngày di dời thì chưa biết khi nào”, ông Danh thở dài.
Bà Đặng Thị Tráng, một hộ dân sống trong căn nhà tập thể cũ nát ở sát đường Ngô Thì Nhậm, cho biết bà là công nhân nhà máy bê tông đúc sẵn nên được phân một căn hộ tập thể. Năm 1990, căn hộ được bán hóa giá cho công nhân. Sau khi bị quy hoạch để xây dựng khu du lịch, những hộ dân sống ở khu tập thể này rất khổ sở vì đi không được, ở không xong.
“Chúng tôi đều là công nhân về hưu, cuộc sống rất khó khăn. Nhà cửa quá chật chội, nay đã xuống cấp, muốn vay mượn tiền để sửa mà ở nhưng không dám vì sợ sửa xong lại di dời. Từ nhiều năm nay, cứ có bão là phải chạy đi lánh nạn vì sợ nhà sập”, bà Tráng nói.
Sống hồi hộp dưới chân núi Quyết1

Những căn nhà đã cũ bám mặt đường Ngô Thì Nhậm

Bên cạnh đó, hơn 100 hộ dân ở đây không những khổ sở vì bị “treo” mà còn lo ngay ngáy vì sạt lở núi. Ông Đặng Phi Trường, một người dân ở đây, cho biết hơn 10 năm nay, tình trạng sạt lở đất khi có mưa bão vẫn thường xảy ra khiến người dân bất an.
“Mấy năm trở lại đây, hễ có mưa lụt là chúng tôi phải chạy đi sơ tán vì sợ núi lở. Năm 2020, chúng tôi được thông báo bồi thường 1,9 triệu đồng/m2 để di dời, nhưng gia đình tôi không thể đi vì số tiền này không mua được đất để tái định cư”, ông Trường nói. Đợt mưa lũ tháng 10.2019 khiến một mảng đất đá rất lớn trên núi Quyết đổ sập xuống, tràn vào 7 nhà dân ở khối 3, trong đó có 1 gia đình bị đất đá đè sập nhà bếp, rất may không có thiệt hại về người. Năm 2020, hàng xóm sát nhà ông Trường cũng đã phải chuyển đi nơi khác vì bất an do sạt lở.

Mòn mỏi chờ di dời

Ông Trần Quảng Đại, Chủ tịch UBND P.Trung Đô, cho biết quy hoạch khu du lịch lâm viên núi Quyết đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Việc quy hoạch kéo dài nhưng không thực hiện dự án khiến người dân khổ sở và họ đang rất mong mỏi được sớm di dời. “Người dân bị vướng quy hoạch nên không thể tách thửa cho con cái sau khi lập gia đình. Nhiều gia đình muốn thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng để làm ăn nhưng ngân hàng cho vay rất ít. Việc chuyển nhượng cũng khó vì không ai muốn mua đất đang có quy hoạch”, ông Đại nói.
Hễ có mưa bão, chính quyền phường lại lo sơ tán dân vì hơn 100 gia đình đang sống trong vùng nguy cơ sạt lở núi. Mùa nắng nóng thì sợ cháy rừng vì nhà dân ở sát núi Quyết, mùa mưa lũ thì sợ sạt lở đất. Đến nay, mới chỉ 6 gia đình có nguy cơ bị sạt lở được hỗ trợ để tự di dời.
Ông Đại cũng cho biết hiện UBND TP.Vinh đã cho khảo sát 5,5 ha đất tái định cư để di dời hơn 100 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi. Tuy nhiên, thời gian thực hiện và lúc nào hoàn thành để di dời dân vẫn chưa thể biết. Trong khi đó, hơn 200 hộ dân còn lại nằm trong khu quy hoạch vẫn chưa biết ngày nào mới được “cởi trói”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.