Tự do không có nghĩa là gây hại

11/11/2021 04:50 GMT+7

Khi bài viết của bất kỳ 'nhà báo công dân' nào có yếu tố gây hại, vi phạm luật pháp sở tại đều phải bị điều chỉnh, xử lý theo pháp luật.

Trên một số kênh thông tin ngoài nước vừa xuất hiện lời đề nghị không xử lý hình sự một số người trong nước ta đang vi phạm pháp luật về tự do ngôn luận, đăng tải nhiều thông tin không đúng sự thật, làm tổn thương danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân; làm tổn thất quyền và lợi ích chính đáng của người thực thi công vụ. Lý lẽ của những luận điệu này nhằm “bảo vệ nhà báo công dân”, “đảm bảo tự do báo chí”…

Ngày 28.10.2021, TAND H.Thới Lai (TP.Cần Thơ) tuyên phạt các bị cáo trong nhóm “Báo Sạch” tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2 điều 331 của bộ luật Hình sự

Tú Uyên

Tự do ngôn luận là một khái niệm triết học - chính trị của quyền tự do nói chung, được công nhận, thực thi và giám sát ở các quốc gia với nội dung và mức độ khác nhau. Dù có khác nhau về ý thức hệ chính trị như thế nào chăng nữa thì quyền tự do công dân đều không phải là vô tận, mà được điều chỉnh bằng hệ thống luật pháp chặt chẽ. Tự do ngôn luận do vậy không nằm ngoài pháp luật; việc thực hiện quyền tự do ngôn luận tùy thuộc vào khả năng và giới hạn trong sự ảnh hưởng đến quyền của những người khác.

Từ rất lâu, John Stuart Mill (1806 - 1873), nhà nghiên cứu triết học và kinh tế chính trị người Anh, được xem là một trong những nhà tư tưởng gây ảnh hưởng nhất trong lịch sử chủ nghĩa tự do, đã tỏ rõ quan điểm rằng mỗi cá nhân cần được tự do làm những gì họ muốn, trừ khi làm tổn hại người khác; mục đích duy nhất mà quyền lực được thực thi một cách chính đáng đối với bất kỳ thành viên xã hội văn minh nào, trái với ý muốn của anh ta, là để bảo vệ những người khác.

Kế thừa luận điểm ấy, đầu thế kỷ trước, thẩm phán lừng danh của Tòa án tối cao Mỹ Oliver Wendell Holmes Jr, là học giả pháp lý người Mỹ được trích dẫn nhiều thứ ba trong thế kỷ 20, đã nêu lý luận về nguyên tắc gây hại trong xử lý các vấn đề về tự do ngôn luận, được cân nhắc bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Câu châm ngôn nổi tiếng của ông là: “Tự do ngôn luận sẽ không bảo vệ một người đàn ông hô khống “Cháy!” trong một nhà hát tối đèn, làm cho mọi người hoảng loạn, giẫm đạp nhau”.

Thế kỷ 21 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo ra đa dạng hình thái tương tác xã hội trên mạng internet. Đầu năm 2019, ngay cả cha đẻ của Facebook là Mark Zuckerberg cũng phải lên tiếng “cần đưa ra những điều luật mới để cải thiện các vấn đề trên internet, giúp bảo vệ những điều tốt đẹp nhất của quyền tự do trên mạng”.

Công nghệ mạng xã hội đã kết nối đông đảo người tham gia, tạo dư luận và qua đó các định danh “nguồn tin công dân”, “nhà báo công dân” dần rõ nét. Tuy nhiên, việc thực hiện cung cấp thông tin, đăng tải thông tin trong quá trình thực hiện quyền tự do ngôn luận của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc không gây hại cho cộng đồng, cho tổ chức và cá nhân khác, cao hơn nữa là không làm tổn thất uy tín, thể diện của quốc gia, dân tộc mình. Quy chế hoạt động của hiệp hội báo chí tại các nước Bắc Âu đặc biệt coi trọng nội dung này.

Khi sự liên kết mạng xã hội tạo điều kiện cho một “nhà báo công dân” nào đó tương tác với dư luận qua việc tự tìm kiếm, khai thác thông tin, tự viết và xuất bản thông tin thì người ấy càng phải chịu trách nhiệm cao hơn trước xã hội, bởi không có tổ chức nào hay một ai khác chia sẻ trách nhiệm ấy cả. Dù nội dung thông tin có “sạch” hay “không sạch”, khi bài viết của bất kỳ “nhà báo công dân” nào có yếu tố gây hại, vi phạm luật pháp sở tại đều phải bị điều chỉnh, xử lý theo pháp luật.

Không thể chấp nhận được lý lẽ của sự biện hộ cho động cơ, ý đồ vi phạm khi sự gây hại đã diễn ra, ảnh hưởng tới danh dự của cá nhân, trách nhiệm công vụ và lợi ích của tổ chức cùng sự văn minh của cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.