Từ đai WBO của Thu Nhi: Làm thế nào để phát triển boxing chuyên nghiệp Việt Nam?

Hoàng Quỳnh
Hoàng Quỳnh
25/10/2021 08:12 GMT+7

Chiếc đai vô địch WBO thế giới của Nguyễn Thị Thu Nhi, trước đó là Trần Văn Thảo đi tiên phong với đai WBC châu Á, Trương Đình Hoàng với đai WBA châu Á lần lượt đang là cú hích lớn để boxing Việt Nam hướng đến đấu trường chuyên nghiệp.

Ngoài các trung tâm đào tạo nhà nước thì hàng loạt lò võ cũng ra đời thu hút khá đông người tham gia. Riêng tại TP.HCM, các lò võ boxing, MMA (võ tự do) mọc lên như nấm, có thể kể đến Saigon Sports Club, VSP, Trigger Boxing, Cocky Buffalo… Saigon Sports Club là nơi chắp cánh cho nhà vô địch SEA Games Trương Đình Hoàng đoạt đai WBA Đông Á 2019, WBA châu Á 2020.

Thu Nhi kể về khoảnh khắc tự hào nâng quốc kỳ Việt Nam khi giành đai WBO

VSP là nơi tay đấm Nguyễn Văn Đương vừa tham gia Olympic 2020 có thời gian theo tập. Trigger Boxing chính là lò võ làm nên tên tuổi của Trần Văn Thảo, còn Cocky Buffalo gắn liền với tân vô địch WBO thế giới 2021 Nguyễn Thị Thu Nhi.

Thu Nhi với cú ra đòn trúng mặt võ sĩ Nhật

WBO

Điểm mạnh của các lò võ tư nhân là cơ sở vật chất, thiết bị tập luyện hiện đại, đầy đủ, đồng thời có HLV giỏi trong và ngoài nước tham gia huấn luyện. VĐV cũng có quân xanh chất lượng, thường xuyên đấu tập nên tiến bộ rất nhanh. Đây là điều mà các trung tâm đào tạo võ thuật khác đang thiếu, đặc biệt là nguồn HLV giỏi để đào tạo những kiến thức, kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao cho VĐV. “Muốn theo boxing chuyên nghiệp cần rất nhiều yếu tố nhưng cần 1 người quản lý giỏi từ định hướng ban đầu đến lộ trình đầu tư ra sao, phát triển điểm mạnh, cải thiện điểm yếu thế nào là hết sức quan trọng. Đó được xem là yếu tố tiên quyết trong bối cảnh boxing Việt Nam hiện nay bởi chúng ta không thiếu tiềm năng nhưng lại không được đầu tư với định hướng rõ ràng, các em không thấy tương lai nếu chơi chuyên nghiệp sẽ cần gì, được gì nên mông lung”, một quản lý lò boxing chuyên nghiệp tại TP.HCM chia sẻ.

Xem trọn trận quyền anh Thu Nhi thắng tay đấm Nhật Bản, giành đai WBO

Trao đổi với Thanh Niên, Chánh văn phòng Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) Nguyễn Võ Đăng Thúy cho biết hiện boxing Việt Nam đã có tiếng vang và tạo sự chú ý ở đấu trường quốc tế, từ 2 VĐV tham gia Olympic 2020 đến đấu trường chuyên nghiệp có Trần Văn Thảo, Thu Nhi, Đình Hoàng… Tên của các võ sĩ Việt Nam đã xuất hiện trên dữ liệu boxing chuyên nghiệp (Boxrec) nên có thể nói boxing Việt Nam đang phát triển và sẽ tiếp tục lớn mạnh. “Để phát triển boxing Việt Nam thì cần rất nhiều yếu tố, từ sự hợp lực từ VBF, nhà nước, các CLB và lò đào tạo chuyên nghiệp cũng như không thể thiếu các nhà tài trợ. Sự hợp lực này giúp các võ sĩ có cơ hội học tập, tập luyện và tăng cường về chuyên môn, kỹ năng và thể lực, đồng thời ổn định thu nhập bởi tạo thu nhập cao là mục đích, động lực của các võ sĩ ”, bà Thúy cho biết.

Theo bà Thúy, ngành TDTT cần có chiến lược phát triển boxing chuyên nghiệp Việt Nam bằng việc khuyến khích sự hình thành của các lò võ, tổ chức thi đấu nhiều trận, nhiều giải chuyên nghiệp hơn giúp các võ sĩ có trận mạc, nâng cao kỹ chiến thuật và nhất là thể lực đáp ứng yêu cầu có thể thi đấu 10 - 12 hiệp chứ không phải chỉ 4 hiệp như nghiệp dư. Xây dựng lộ trình để các bạn trẻ mê boxing từ nhiều nguồn khác nhau dấn thân theo con đường chuyên nghiệp. Điều này các CLB tư nhân đang làm tương đối tốt. Họ có chính sách lương bổng, dinh dưỡng và HLV riêng. Các VĐV chỉ cần chuyên tâm tập luyện, học hỏi. Boxing chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn mới nên VBF đang dần hoàn thiện quy chế và sẽ phối hợp chặt chẽ với các CLB, lò đào tạo tại Việt Nam để hỗ trợ họ cũng như VĐV về pháp lý lẫn chuyên môn.

“Với cách làm hiện nay, chúng tôi tự tin 3 năm nữa sẽ trình làng lứa VĐV đủ sức tranh đai boxing chuyên nghiệp thế giới. VĐV sẽ sống khỏe khi theo đuổi boxing chuyên nghiệp. Đơn cử như võ sĩ Trần Văn Thảo hiện nay có thể kiếm thu nhập từ 20.000 - 40.000 USD cho mỗi trận thắng ở giải chuyên nghiệp”, đại diện lò đào đạo Trigger Boxing thổ lộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.