Tự chữa bệnh bằng tỏi, người phụ nữ bị bỏng da đau đớn

23/07/2018 08:06 GMT+7

Người phụ nữ đến bệnh viện trong tình trạng đau đớn, da bị đỏ, phồng rộp.

Bác sĩ Kai Wong, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Oxford University Hospitals NHS Foundation Trust (Anh), đã báo cáo trường hợp này trên BMJ Case Reports. Ca này là một người phụ nữ ở Anh bị bỏng do dùng tỏi sống để tự chữa bệnh nấm da chân (Athlete's foot).
Nấm da chân là một bệnh nhiễm trùng da do nấm gây nên. Nó có tên gọi như vậy là vì hay xuất hiện ở các vận động viên.
Theo lời bác sĩ Kai Wong, nhiều người đã quen sử dụng tỏi như một dược liệu, như nhân loại vẫn làm hàng ngàn năm qua. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi người phụ nữ 45 tuổi quyết định dùng tỏi sống để chữa bệnh nấm khi cả ngón chân và da xung quanh đã bị tấn công. Cô thái tỏi sống thành lát và đắp lên chân 4 giờ/ngày trong suốt 4 tuần.
Nhưng phương pháp nói trên không có tác dụng như mong muốn. Thời điểm khi cô đến gặp bác sĩ, chân thì vẫn bị nhiễm nấm, còn da thì đỏ và đau đớn do phồng rộp trên chân. Các bác sĩ tiến hành vệ sinh chân cho người phụ nữ bằng nước và sau đó băng lại. Da của cô lành lại sau 2 tuần.
Bác sĩ Kai Wong chia sẻ với Live Science rằng triệu chứng đau đớn là do tác động của các hợp chất chứa lưu huỳnh trong tỏi, bao gồm diallyl disulfide.
Bác sĩ Lisa Maier, giáo sư da liễu thuộc Đại học Y Washington, cho biết: "Về cơ bản, tác nhân mạnh nhất (trong tỏi) là hợp chất disulfide diallyl. Nó có thể kích thích da, gây bỏng. Nó cũng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng (phản ứng tăng nhạy cảm của da đối với các dị nguyên, thuộc loại phản ứng quá mẫn chậm), và sau đó, bạn có thể bị nổi mẩn hoặc chàm (eczema) nhiều hơn”.
Live Science thông tin thêm, trong thực tế, từng có đầu bếp và những người làm việc với thực phẩm bị bỏng sau khi xử lý tỏi. Mức độ nghiêm trọng của vết bỏng phụ thuộc vào lượng thời gian xử lý tỏi, độ tươi, lượng tỏi cũng như tình trạng da từ trước và độ nhạy cảm da của mỗi người.
Về người phụ nữ trên, các bác sĩ khuyên cô nên sử dụng phương pháp điều trị chuẩn cho nhiễm nấm của mình.
Tiến sĩ Lisa Maier nói trên Live Science, thuốc mỡ không kê toa, thuốc chống nấm, như terbinafine và clotrimazole, có thể điều trị nấm da chân, miễn là móng tay không bị nhiễm bệnh. Nhưng nếu nấm ở cả móng tay, "cách hiệu quả nhất để điều trị những nhiễm trùng này là dùng thuốc uống và cần được bác sĩ kê toa”.
Bác sĩ Kai Wong cho biết một số nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất được gọi là ajoene trong tỏi có thể điều trị bệnh nấm da chân (nhưng không phải nấm móng tay).
Một nghiên cứu năm 1996 trên tạp chí Mycoses và một nghiên cứu năm 2000 trên Journal of the American Academy of Dermatology đều chỉ ra ajoene có một số thành công trong điều trị nấm chân.
Nhưng cả hai nghiên cứu này đều xét trên lượng mẫu nhỏ (lần lượt là 34 và 47 người). Do đó, cần làm nhiều nghiên cứu hơn để kiểm tra tính hiệu quả của hợp chất nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.