Từ chàng trai trường huyện thành giảng viên kinh tế học tại trời Âu

Ngọc Long
Ngọc Long
05/08/2023 09:36 GMT+7

Sau khi tốt nghiệp phổ thông và cử nhân tại Việt Nam, anh Vũ Văn Trung tiếp tục hành trình học thuật tại nước ngoài, đạt được nhiều thành tích, giải thưởng trước khi trở thành giảng viên kinh tế học tại ĐH hàng đầu nước Anh.

Hành trình tiến sĩ không cô đơn

Ở tuổi 30, tiến sĩ Vũ Văn Trung, ngành kinh tế học, đã trở thành giảng viên kinh tế học tại ĐH Loughborough (Anh), chinh phục mục tiêu hoạt động sư phạm anh đặt ra từ khi theo đuổi con đường học thuật chuyên nghiệp.

Theo bảng xếp hạng những trường ĐH tốt nhất nước Anh năm 2023 của tờ The Guardian, ĐH Loughborough đứng thứ 10, chỉ xếp sau những tên tuổi lớn như ĐH Oxford, ĐH Cambridge.

Từ chàng trai trường huyện Hải Dương thành giảng viên kinh tế học tại trời Âu - Ảnh 1.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Nhật Bản, anh Vũ Văn Trung nhận học bổng toàn phần để học tiếp bậc tiến sĩ ở New Zealand

NVCC

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Trung kể từng học tập tại Trường THPT Quang Trung (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), sau đó tốt nghiệp cử nhân ở Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội). Đam mê học thuật, anh tiếp tục theo đuổi chương trình thạc sĩ ngành kinh tế học ở ĐH Ritsumeikan (Nhật Bản), và giành suất học bổng toàn phần bậc tiến sĩ trong 3 năm tại ĐH Otago, trường ĐH đầu tiên của New Zealand.

“Quy trình ứng tuyển học bổng tiến sĩ rất khác giữa các quốc gia, cũng như giữa các trường trong một nước. Riêng hồ sơ của tôi cần đề cương nghiên cứu, CV và một số giấy tờ khác. Nhìn chung, để xin học bổng, quan trọng nhất là có nền tảng kiến thức vững, thường sẽ được trường kiểm tra qua hình thức phỏng vấn. Ngoài ra, cũng cần thể hiện rõ động lực, mục tiêu theo đuổi con đường học thuật”, anh Trung chia sẻ, đồng thời cho biết các kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu sẽ là điểm cộng.

Theo anh Trung, khi xác định học tiến sĩ, giảng viên hướng dẫn là yếu tố tiên quyết khi chọn trường. Thông thường, giảng viên sẽ công khai hồ sơ nghiên cứu trên website trường, và người học nên tìm đọc xem hướng nghiên cứu của thầy cô liệu có phù hợp với định hướng, sở thích nghiên cứu của bản thân. “Điều này hơi khó với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm nên hãy tham khảo từ người đi trước”, anh Trung lưu ý.

Từ chàng trai trường huyện Hải Dương thành giảng viên kinh tế học tại trời Âu - Ảnh 2.

Anh Vũ Văn Trung trong những ngày còn học tập tại ĐH Ritsumeikan, Nhật Bản

NVCC

Minh chứng cụ thể, tiến sĩ Trung nhận định nhờ tìm được “thầy giỏi” tại ĐH Otago mà anh đã công bố được 9 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín theo xếp hạng ABDC (A/A*) hoặc CABS (3/4). Đồng thời, trong năm 2021, anh cũng là sinh viên xuất sắc nhất Trường Kinh doanh, ĐH Otago và đạt giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc tại đây.

Với nhiều nghiên cứu sinh, hành trình tiến sĩ có thể sẽ cô đơn bởi mục tiêu chính là đào tạo những người có khả năng tư duy, nghiên cứu độc lập. Tuy nhiên, sự hỗ trợ và cơ hội giao tiếp thường xuyên với giảng viên hướng dẫn sẽ giúp người học lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm, từ đó định hình được hướng nghiên cứu cho riêng mình, theo anh Trung.

“Trong 3 năm, gần như mỗi ngày tôi đều tìm đến thầy hướng dẫn chính. Như khi xác định được ý tưởng, tôi luôn trao đổi với thầy để có lời khuyên. Thầy cũng theo sát tôi từ quá trình thu thập dữ liệu đến khi hoàn thành những bản thảo đầu tiên. Khi xem bài, thầy sẽ sửa và nhận xét trực tiếp bằng bút chì trên bản giấy. Thầy cũng tiếp tục đọc và sửa bài báo khoa học cho tôi sau khi có kết quả phản biện”, chàng trai Hải Dương nhớ lại.

Cách trở thành giảng viên quốc tế

Quyết định theo đuổi nền giáo dục ở New Zealand đã mang đến những cơ hội mà theo tiến sĩ Trung là giúp anh tiến xa hơn trong môi trường học thuật cạnh tranh ở Anh, cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến cách anh nghiên cứu, giảng dạy và đóng góp cho công việc tại ĐH Loughborough. “Dành thời gian phản biện và xem đó như nghiên cứu của mình” chính là một trong những bài học tâm đắc của nam tiến sĩ kinh tế học.

Từ chàng trai trường huyện Hải Dương thành giảng viên kinh tế học tại trời Âu - Ảnh 3.

Anh Vũ Văn Trung khi theo học tại ĐH Otago, New Zealand

NVCC

Không chỉ học tập và nghiên cứu, trong quá trình theo đuổi chương trình tiến sĩ, anh Trung còn tham gia nhiều hoạt động sư phạm để trau dồi thêm kinh nghiệm đứng lớp. Cụ thể, anh đã xin làm trợ giảng một số môn học về kinh tế học vi mô, vĩ mô, kinh tế quốc tế và thống kê ở trường.

Chia sẻ thêm về hành trình chinh phục vị trí giảng viên ĐH ở Anh, anh cho hay yếu tố “quyết định thành bại” là khả năng nghiên cứu của ứng viên. Theo tiến sĩ Trung, cách thuyết phục hội đồng tuyển dụng về khả năng nghiên cứu tương đối khác nhau giữa các trường ĐH. Chẳng hạn, một số khoa kinh tế hàng đầu ở Anh ưu tiên ứng viên tốt nghiệp tại các trường ĐH hàng đầu ở Bắc Mỹ hay châu Âu.

“Khả năng nghiên cứu có thể chứng minh qua các bài báo khoa học đã công bố hay chất lượng luận án tiến sĩ. Ngoài ra, còn một số yếu tố quan trọng khác có thể bổ trợ thêm cho hồ sơ ứng tuyển như kinh nghiệm giảng dạy hay khả năng xin tài trợ (funding) cho hoạt động nghiên cứu”, anh Trung cho hay.

Từ chàng trai trường huyện Hải Dương thành giảng viên kinh tế học tại trời Âu - Ảnh 4.

Anh Vũ Văn Trung dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng sư phạm khi còn học tiến sĩ

NVCC

Sau khi trở thành giảng viên tại Anh, tiến sĩ Trung cho biết anh tiếp tục dành thời gian nghiên cứu các chủ đề bản thân quan tâm. “Cơ hội giảng dạy cho sinh viên bản địa và quốc tế đến từ nhiều quốc gia cũng làm phong phú thêm trải nghiệm của tôi”, anh Trung chia sẻ.

“Hiện tại, ngoài công việc nghiên cứu, tôi đang giảng dạy các môn kinh tế học quốc tế ở khoa kinh tế học thuộc Trường Kinh doanh, ĐH Loughborough. Nếu có cơ hội, tôi rất vui được hợp tác nghiên cứu lẫn giảng dạy tại Việt Nam”, anh Trung nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.