Từ CCCD gắn chip đến mục tiêu Xã hội số

31/08/2022 15:02 GMT+7

Xây dựng ba trụ cột chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà rất cần các doanh nghiệp Việt Nam đến từ nhiều lĩnh vực cùng chung tay góp sức.

Câu chuyện thẻ CCCD gắn chip và khát vọng Xã hội số

Năm 2021, MK Group được lựa chọn trở thành đơn vị thực hiện dự án “Cung cấp thẻ CCCD có gắn chip” do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Bộ Công an đề ra. Dự án là một trong những thành tựu tiêu biểu của MK Group trong năm 2021 và cũng là bước tiến chiến lược của Chính phủ Việt Nam trong hành trình số hóa.

Khác với thẻ CCCD thông thường, chiếc thẻ CCCD gắn chip tích hợp nhiều thông tin định danh cá nhân, từ họ tên, tuổi tác, quê quán cho đến những dữ liệu sinh trắc học như vân tay, võng mạc… nhưng chỉ những cơ quan, tổ chức có đầu đọc chip mới được quyền tiếp cận những thông tin đó. Dù được sản xuất trong thời gian ngắn, tất cả thẻ CCCD gắn chip ở Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chiếc thẻ CCCD có gắn chip

Trong vòng 9 tháng, MK Group hoàn thành kế hoạch sản xuất và cá thể hóa gần 60 triệu thẻ CCCD gắn chip giữa lúc đại dịch đang ở đỉnh điểm. Nhưng hành trình lớn của MK Group không chỉ dừng lại ở đây, vì bên trong mỗi chiếc thẻ CCCD không chỉ là một con chip “made in Vietnam” mà còn gửi gắm khát vọng về một Xã hội số trong tương lai.

Tiến tới một Xã hội số lấy công dân làm trung tâm

Chính phủ Việt Nam quy định chuyển đổi số gồm ba trụ cột chính đó là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Ba trụ cột này có mối quan hệ khăng khít, gắn kết với nhau.

Trong đó, xã hội số là khái niệm gần gũi và thiết thực nhất với mọi người dân, bao gồm mọi khía cạnh của đời sống hằng ngày. Chính phủ Việt Nam định nghĩa: “Xã hội số là xã hội hiện đại được áp dụng và tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, làm thay đổi thói quen học tập, làm việc, giao tiếp, mua sắm, giải trí,... của tất cả mọi người dân, hình thành nên công dân số và văn hoá số”. Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng khẳng định xây dựng xã hội số lấy người dân làm trung tâm, theo đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, Chính phủ đóng vai trò bệ đỡ.

Ông Nguyễn Trọng Khang - Chủ tịch MK Group kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết trong một bài phỏng vấn: “Chính phủ ấp ủ ý định hình thành Chính phủ số, công dân số từ lâu nhưng những điều kiện trước đây chưa cho phép điều đó”.

Tiêu chí đầu tiên để đánh giá mức độ phát triển xã hội số chính là danh tính số và hệ thống định danh, xác thực điện tử, cũng chính là sứ mệnh mà MK Group theo đuổi. Hãy nhìn vào Estonia, một trong những quốc gia thành công nhất thế giới trong việc quản lý định danh của công dân. Tất cả người dân Estonia bất kể đang sống ở đâu đều có thẻ căn cước số do nhà nước cấp. Họ dùng thẻ CCCD để thanh toán hóa đơn, bỏ phiếu trực tuyến, ký hợp đồng, mua sắm, truy cập thông tin sức khỏe và hơn thế nữa. Cho đến nay, Estonia sở hữu hệ thống thẻ CCCD phát triển nhất thế giới.

Chủ tịch MK Group cho biết nhờ triển khai CCCD điện tử mà GDP của Estonia tăng tới 1%, tương đương với 4 tỉ USD. Ông hy vọng Việt Nam cũng có thể đạt được điều gì đó từ việc triển khai thẻ CCCD gắn chip.

Thẻ CCCD đem đến nhiều lợi ích cho người dân. Chẳng hạn người dân không cần mang nhiều giấy tờ, không cần mất thời gian xác minh danh tính và có thể tích hợp thêm các thông tin như tình trạng tiêm chủng, giấy đi đường, giấy phép lái xe, kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, thẻ CCCD cũng sẽ sớm được ứng dụng trong giao dịch tài chính, ngân hàng qua các máy giao dịch tự động.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng được lợi từ thẻ CCCD trong việc minh bạch hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trả kết quả của các dịch vụ hành chính công, góp phần phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác hành chính. Với doanh nghiệp, thẻ CCCD gắn chip có thể được dùng để ký số cho các hợp đồng ràng buộc, đơn đăng ký, xác nhận thông tin…

Thẻ CCCD gắn chip ở Việt Nam mới chỉ được triển khai giai đoạn đầu, có thể mang đến những lợi ích cơ bản như tính bảo mật cao, cắt giảm thủ tục hành chính. Trong tương lai, thẻ CCCD có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ khác nhau, góp phần xác thực các loại hình giao dịch để tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi, tối ưu nhất cho người dân, đưa công nghệ vào mọi mặt của đời sống.

Đại diện MK Group cho biết, hiện đang kết hợp cùng Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Microtec, là đơn vị cung cấp giải pháp để thực hiện thí điểm giao dịch qua ATM xác thực bằng CCCD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.