Truyền lửa nhân ái cho học trò

20/11/2015 10:31 GMT+7

Nhắc đến thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng Trường TH Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), hầu hết thầy cô trong ngành giáo dục đều nhìn nhận - đó là người thầy dào dạt lòng nhân ái.

Nhắc đến thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng Trường TH Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), hầu hết thầy cô trong ngành giáo dục đều nhìn nhận - đó là người thầy dào dạt lòng nhân ái.

Thầy Đặng Nhứt trong chuyến đi cứu trợ cùng Báo Thanh Niên năm 2007 - Ảnh: Diệu HiềnThầy Đặng Nhứt trong chuyến đi cứu trợ cùng Báo Thanh Niên năm 2007 - Ảnh: Diệu Hiền
Còn nhớ, năm 2007, khi bão lũ đang tàn phá miền Trung, Báo Thanh Niên viết bài về những vùng bị ngập sâu, nhiều nơi học trò không còn sách vở để học. Trong giờ chào cờ đầu tuần, thầy Nhứt đã mang bài báo ra đọc cho học sinh nghe, những câu chuyện về bạn bè đồng trang lứa của các em phải đến trường với cuốn vở ướt nhẹp, quần áo lấm lem bùn đất...
“Mỗi khi tôi gặp thầy, chia sẻ những gì mà trường và phụ huynh cần làm cho học sinh, thì thầy không quản ngại tìm bằng mọi cách làm cho bằng được để cho học sinh được hưởng thụ tốt nhất”, phụ huynh Trần Khắc Xin cảm động nói về thầy Đặng Nhứt.
Từ chia sẻ đó, các em học sinh trường đã ủng hộ tiền quà vặt, tiền tiết kiệm, sách vở để giúp các bạn vùng lũ. Bản thân thầy Nhứt cùng các giáo viên của trường cũng kêu gọi ủng hộ từ nhiều nguồn. Và trong chuyến đi cứu trợ năm ấy cùng Báo Thanh Niên, thầy cho học sinh của trường đi theo để các em cảm nhận được ý nghĩa của việc làm của mình, sau đó về chia sẻ với bạn bè trong lớp, trong trường. Em Trần Tiểu Quỳnh, học sinh lớp 3, được tham gia chuyến cứu trợ, rơm rớm nước mắt khi nhìn những bạn bè ở vùng lũ đi học trong tình cảnh thiếu thốn trăm bề.
Em tâm sự: “Con nghĩ mình may mắn nhiều hơn so với các bạn, nên cần phải phấn đấu học tập hơn nữa, và sẽ bớt ăn quà vặt để giúp đỡ các bạn nghèo”. Sau này, rất nhiều chuyến đi từ thiện đến với những vùng khó khăn được thầy Nhứt cùng thầy cô giáo trong trường tổ chức cho các em học sinh trong trường cùng đi... “Tôi nghĩ, đó chính là những bài học về lòng nhân ái vô cùng thực tiễn, hơn bất cứ sách vở nào”, thầy Đặng Nhứt nói.
Ngay trong trường, cũng luôn có những chương trình trợ giúp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quỹ khuyến học của trường... Năm học 2014-2015, khi cô học trò lớp 2 của trường tên Nguyễn Thị Phương Nhi bị nhiều chứng bệnh, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cần một số tiền lớn để phẫu thuật, thầy đã gõ cửa các nơi để giúp đỡ, xin tiền cho em. 300 triệu đồng là số tiền mà gia đình Phương Nhi nhận được từ sự kêu gọi này, để giúp đỡ em có thể phục hồi, quay lại trường học cùng bè bạn.
Khi ngành giáo dục còn loay hoay với việc học sinh lớn nhanh so với kích cỡ bàn ghế theo quy định của Bộ GD-ĐT, thầy Đặng Nhứt âm thầm tìm phương pháp đóng thêm gỗ xin được từ nguồn phế liệu, để nâng cao bàn cho phù hợp với tầm vóc học sinh, tránh cho các cháu nguy cơ mắc bệnh vẹo cột sống. Cách làm này sau đó được nhiều trường làm theo. Khi Trường TH Trần Văn Ơn xây dãy phòng học mới, thầy đề nghị làm một phòng vệ sinh riêng cho học sinh lớp 1 và yêu cầu nhà thầu phải thiết kế làm sao cho vừa kích cỡ của học sinh lớp 1. Bởi theo thầy, khi các em mới vào trường còn nhiều bỡ ngỡ, phải tạo điều kiện cho các em nhanh hòa nhập vào môi trường tiểu học.
Năm học 2014-2015, Trường TH Trần Văn Ơn vinh dự nhận danh hiệu Lá cờ đầu của ngành GD-ĐT TP.Đà Nẵng bậc tiểu học và bằng khen tập thể lao động xuất sắc của Chủ tịch UBND TP. Thầy Đặng Nhứt sẻ chia: “Sự tận tâm, nhọc nhằn, những hy sinh cao cả và thầm lặng của thầy cô giáo ở nhiều thế hệ trong nhà trường đã được xã hội ghi nhận. Đó chính là thành quả mà thầy cùng giáo viên nhà trường đã nỗ lực, yêu nghề và yêu trò...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.