Truyền cảm hứng đọc sách qua giờ học văn

09/06/2019 07:07 GMT+7

Ngày xưa, khi còn đi học, tôi đã có được niềm cảm thụ văn học chính từ những tiết học văn .

 
Các thầy cô đã thổi hồn vào bài giảng bằng chính sự cảm nhận của mình với tác phẩm văn học và những minh họa sống động gần gũi với đời thường trong những giờ học văn.

Ươm mầm và hình thành thói quen đọc sách

Qua những câu chuyện kể về nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi giảng bài Chiếc lược ngà, cô giáo đã đưa tôi đến với những tác phẩm khác của ông như Dòng sông thơ ấu, Mùa gió chướng, Đất lửa. Tôi yêu văn học Nga từ năm học lớp 9 khi được giáo viên giới thiệu đến Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, hay Timur và đồng đội của nhà văn Arkady Gaydar. Giờ đây mỗi khi nghe ca khúc Đôi mắt người Sơn Tây của Phạm Đình Chương phổ thơ Quang Dũng bất chợt tôi nhớ đến Tây tiến và người thầy dạy văn năm nào.
Nói không quá lời, những giờ học văn ngày xưa đã tạo nên chất xúc tác để ươm mầm và hình thành nên thói quen đọc sách trong tôi.

Giờ học văn nên kết nối với thế giới bên ngoài

Từ câu chuyện của mình, tôi nghĩ rằng những giờ học văn nên được kết nối rộng mở hơn với thế giới bên ngoài thay vì gói gọn trong chương trình. Mà việc giới thiệu những tác phẩm hay của một tác giả, một giai đoạn để học sinh tìm đọc và có được cảm nhận của riêng mình đó chính là những sự liên hệ thực tế sinh động và hiệu quả.
Những hạt giống của văn hóa đọc được gieo trồng từ những giờ học văn sẽ lan tỏa trong cộng đồng một cách tích cực nếu giáo viên biết linh hoạt trong hoạt động dạy học để giới thiệu những quyển sách hay đến với học trò. Chẳng hạn tác phẩm Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh có thể được giới thiệu đến học sinh tham khảo phục vụ cho đề tài miêu tả về con vật mà mình yêu thích trong chương trình ngữ văn 6. Học sinh sẽ đọc và cảm nhận và có thể “mượn‘’ những ý tưởng, câu văn trong tác phẩm để minh họa cho bài viết của mình. Ở một góc độ khác, thông qua những mẩu đối thoại, những tình huống và cách cư xử giữa những nhân vật trong tác phẩm, học sinh sẽ có được những thông điệp hữu ích về tình bạn, về mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình.

Giáo dục lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc không chỉ qua những giờ học lịch sử mà còn qua những trang văn. Sẽ là một sự kết nối hay giữa những âm điệu hào hùng, tràn đầy sức sống của những trang nam nhi - chiến binh quả cảm đang xả thân vì nước thể hiện hào khí Đông A ngút trời của quân đội nhà Trần qua bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng ) của danh tướng Phạm Ngũ Lão trong chương trình ngữ văn 10... 
Rất nhiều tác phẩm hay sẽ đến với học sinh nếu giáo viên biết cách lồng ghép và minh họa vào bài giảng của mình một cách khoa học và sống động với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Văn hóa đọc bị ảnh hưởng rất nhiều trong kỷ nguyên số hiện nay, việc truyền cảm hứng đọc sách qua những tiết học văn có thể là một trong những phương thức để học sinh dần dần tiếp cận với cái hay cái đẹp từ những quyển sách và giúp các em hình thành được thói quen đọc sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.