Trường THPT tư chật vật tuyển sinh

Không tuyển sinh được, nhiều trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội và TP.HCM đã dùng nhiều hình thức kéo người học nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

Không tuyển sinh được, nhiều trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội và TP.HCM đã dùng nhiều hình thức kéo người học nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

Học sinh một trường phổ thông ngoài công lập tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh một trường phổ thông ngoài công lập tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thậm chí như Báo Thanh Niên đã phản ảnh trước đây, có trường chỉ tập trung dạy các môn thi ĐH, những môn khác không học nhưng vẫn có điểm trong học bạ nhằm lôi kéo người học vào trường. Nhưng ngay cả điều này cũng không giúp các trường tuyển sinh được.
Xin không giao chỉ tiêu vì có cũng không tuyển được
Dù chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập nhiều năm gần đây của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 60%, nghĩa là vẫn còn chỉ tiêu khá lớn cho các trường ngoài công lập (NCL) nhưng trên thực tế các trường vẫn rất khó tuyển sinh.
Kỳ tuyển sinh năm nay, rất nhiều trường NCL ở Hà Nội đang đứng trước nỗi lo khó tuyển đủ học sinh (HS). Dù có hơn 100 trường NCL nhưng những trường thực sự tạo được sức hút chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Khi có số HS dự tuyển nhiều hơn chỉ tiêu thì nhiều trường NCL của Hà Nội chỉ tuyển được gần một nửa chỉ tiêu. Cá biệt, một số trường không đủ HS để mở lớp phải gửi sang các trường khác. Lãnh đạo Trường THPT Ngô Sỹ Liên, H.Chương Mỹ, cho biết số HS và giáo viên của trường hiện giảm hơn một nửa so với cách đây 5 - 6 năm.
Khoảng 3 năm gần đây, Sở GD-ĐT Hà Nội tỏ ra mạnh tay với các trường NCL khi kiên quyết không giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường chưa đảm bảo chất lượng tối thiểu. Năm nhiều nhất có tới 14 trường, còn năm 2015 có 5 trường. Tuy nhiên, cũng có một số trường không nằm trong diện này nhưng lại xin không giao chỉ tiêu vì biết có giao cũng chẳng tuyển đủ số HS tối thiểu để tổ chức các hoạt động dạy học.
Ông Đỗ Văn Mạn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT An Dương Vương, phản ảnh số HS thực học ở NCL chỉ đạt xấp xỉ 15% trong khi chủ trương xã hội hóa của Hà Nội là 40% HS học NCL và 30% ở những vùng kinh tế khó khăn. Nhiều trường đứng trước nguy cơ giải thể vì không có người học. Có trường chỉ đạt 1/4 - 1/5% công suất cơ sở vật chất đã đầu tư.
Trường tốp trên cũng hạ điều kiện đầu vào
Lãnh đạo các trường NCL tại TP.HCM cho biết số lượng HS nhập học trong 3 năm trở lại đây có năm giảm xuống khoảng phân nửa so với trước. Phó hiệu trưởng một trường dân lập tại Q.Tân Bình, một trong những trường thành lập đầu tiên của TP.HCM, đã từng có thời vào mỗi mùa tuyển sinh nhận cả ngàn HS, nay cũng phải lắc đầu ngao ngán: “Từ chỗ tuyển hàng ngàn HS/năm dần dần giảm xuống còn khoảng 600, đến 2 năm nay trường chỉ còn tuyển được khoảng 370. Trước đây, số lượng HS của thành phố chiếm khoảng 50% thì nay cũng giảm xuống còn khoảng 30%”.
Trường THPT Trương Vĩnh Ký cũng là một trong số những trường tốp đầu của hệ thống NCL, có uy tín về chất lượng và cơ sở vật chất nhưng số lượng HS lớp 10 đã giảm khoảng 10% so với 3 năm trước. Bà Phạm Thị Thu Trang, Chánh văn phòng nhà trường, thừa nhận trường đã phải hạ điều kiện xét tuyển điểm trung bình các môn toán, vật lý, tiếng Anh, hóa học… từ 7 xuống còn 6,5. Đặc biệt có một số HS xét thấy hạnh kiểm khá, có ý thức phấn đấu trong học tập nhưng điểm trung bình chỉ đạt 6, trường cũng tạo điều kiện tiếp nhận. Bà Thu Trang giải thích: “Trước tình hình tuyển sinh ngày một khó, trường hạ tiêu chí điểm số và sẽ huy động đội ngũ giáo viên dốc toàn lực để giúp các em nâng cao trình độ. Chỉ cố gắng bằng cách đó mới có thể trụ vững mà thôi”.
Trường THPT Nguyễn Khuyến thuộc hàng sáng giá tại TP.HCM với điều kiện xét tuyển đầu vào gắt gao vì luôn có đông HS muốn vào học nhưng những năm gần đây số lượng HS cũng đã giảm khoảng 5%. Bà Nguyễn Yên Chi, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Ít nhiều trường đã hạ một chút về điều kiện đầu vào. Chẳng hạn, trước đây khi tuyển sinh, trường có quy định số điểm trung bình 5 môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học nếu không đạt, trường có quyền từ chối tiếp nhận. Tuy nhiên, hiện nay trường đã nhân nhượng điểm môn tiếng Anh và phân công giáo viên phụ trợ cho HS môn học này ngay khi vào học”.
Bà Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nhân Văn, cho biết: “3 năm trở lại đây Trường Nhân Văn cũng như các trường trong khối NCL đều rất khó tuyển sinh. Năm vừa rồi trường đăng ký chỉ tiêu ban đầu là 240 HS nhưng chỉ tuyển được 100 em”.
Giáo dục thường xuyên lấn sân ?
Lãnh đạo Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) cho rằng do Sở GD-ĐT cho phép các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tuyển quá nhiều, gây khó khăn về nguồn tuyển của các trường NCL. Đồng quan điểm, ông Trần Văn Lê, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, H.Chương Mỹ thừa nhận trường mới thành lập, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên nhưng rất khó tuyển sinh. Dù quy định không được tuyển HS có điểm liệt nhưng các trung tâm vẫn tuyển sinh ồ ạt, gây khó khăn cho các trường NCL.
Tình hình tương tự tại TP.HCM, nhưng những năm gần đây hệ GDTX cũng tuyển sinh khó khăn không kém trường NCL. Ông Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (TP.HCM), thông tin: “Số HS đăng ký vào các trung tâm trong khoảng 5 năm trở lại đây liên tục giảm. Dù là trung tâm GDTX của thành phố, nhiều năm liên tục tuyển sinh rất tốt nhưng mấy năm trở lại đây trung tâm cũng giảm. Mỗi năm mất dần vài lớp. Như năm 2015 - 2016 chỉ tiêu đăng ký là 600 nhưng tuyển chưa đầy một nửa”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.10, năm học 2015 - 2016 chỉ tuyển được vài chục HS nên công tác dạy học gặp nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Tấn Thanh cho rằng số lượng HS vào các trung tâm giảm mạnh trong 5 năm trở lại đây nguyên nhân chính là do xã hội phát triển, hầu như không còn công chức, viên chức phải đi học bổ túc bằng cấp. Mặt khác, phụ huynh vẫn có định kiến là học kém mới vào GDTX. Ngoài ra, thay vì vào GDTX, hiện nay HS có thể chọn trường nghề để vừa học văn hóa vừa học nghề, khi ra trường cũng lợi hơn GDTX. Điều này tuy khiến các trung tâm gặp khó khăn nhưng theo các chuyên gia đó cũng là xu thế tất yếu và để GDTX thực hiện đúng chức năng. Ông Huỳnh Tấn Thanh cho biết: “Với GDTX thì việc dạy văn hóa cho HS chỉ là một trong những chức năng, ngoài ra còn có chức năng dạy nghề, bồi dưỡng chính trị... Tuy nhiên, hiện tại các trung tâm mới chỉ tập trung vào hoạt động dạy văn hóa và chưa thể thực hiện được các chức năng khác vì cơ sở vật chất không cho phép. Trong tương lai sẽ cố gắng để phát huy những chức năng khác”.
Lam Ngọc - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.