Trưởng thôn xuyên lũ giúp dân: 'Nếu có cái thuyền nữa thì tốt cho xóm nhà em'

Phạm Đức
Phạm Đức
07/11/2020 09:30 GMT+7

Anh Phạm Đình Hòa (37 tuổi), trưởng thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương, H.Thạch Hà, được cư dân mạng hết lời khen vì đi xuyên lũ giúp dân giữa biển nước trong đợt lũ lịch sử vừa qua ở Hà Tĩnh.

Nhanh trí và dũng cảm
Nằm ở vùng trũng nhất xã nhưng chưa bao giờ nước lũ lại dâng cao, gây ngập toàn bộ 120 nhà dân trong thôn như đợt mưa lũ vừa qua. Gặp PV Thanh Niên, anh Hòa kể những ngày đó mưa dồn dập, kéo dài khiến toàn bộ trục đường bị ngập. Mưa lớn và hồ Kẻ Gỗ xả lũ, nước ào ào tràn qua QL1A đổ xuống thôn Sơn Trình. Nhà dân lúc này bị nước lũ tràn vào, cả thôn cuống cuồng kê dọn đồ đạc lên cao. Đến sáng mưa không ngớt, mực nước cán mốc đỉnh lũ lịch sử năm 2010 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cả thôn chìm trong biển nước...
“Điện thoại tôi liên tục đổ chuông toàn là những lời kêu cứu của bà con nhờ đưa người đi sơ tán. Tôi lập tức lôi chiếc thuyền gỗ, chèo đi giúp người dân”, anh Hòa nhớ lại. Đa số nhà dân nước ngập cao hơn 1m. Không còn chỗ leo lên, nhiều người đứng bên trong nhà, nước ngập ngang ngực đang kêu cứu. Thuyền nhỏ, chỉ chở được 2 người nhưng số lượng rất đông, một mình anh Hòa cứu không xuể. Trước tình thế cấp bách, anh gọi thêm những hộ dân có thuyền đến lập thành một đội, đồng thời cầu cứu lãnh đạo huyện cử lực lượng đưa ca nô đến chi viện.
Nước lũ chảy xiết, ca nô của lực lượng cứu hộ lại không thể vào sâu bên trong các con hẻm nhỏ để cứu dân. “Không còn cách nào khác, tôi cùng một số thanh niên liều mình chèo thuyền đi vào. Đội chúng tôi có 7 thuyền nhỏ, chia nhau vào từng nhà đưa họ ra ca nô đi sơ tán. Cả ngày hôm đó, chúng tôi kịp sơ tán được các hộ dân bị ngập sâu nhất”, anh Hòa nói. Cụ Nguyễn Thị Kích (80 tuổi) nhà cấp 4 nên nước tràn vô nhà cả mét không có chỗ tránh, cụ lại sống một mình nên chỉ biết bám lấy cửa sổ. “Rất may thằng Hòa đến kịp thời không thì tôi bị lũ cuốn đi rồi”, cụ kể.

Anh Hòa cùng đội thuyền của thôn Sơn Trình chở hàng cứu trợ tiếp tế cho dân

Xuyên lũ nhận hàng cứu trợ

Trưa hôm sau, người trưởng thôn trẻ trở về nhà thì nước lũ đã vượt mốc đỉnh lũ lịch sử khoảng 0,6cm, hơn 1 tấn lúa ở nhà dù đã kê cao cũng bị ngập nước. Anh Hòa lúc này mới chở vợ con và mẹ già bị gãy tay sang nhà hàng xóm sơ tán. Tiếp đó, anh tiếp tục chèo thuyền đến các hộ dân nhà 2 tầng, kêu gọi họ nấu cơm mang đi tiếp tế cho các hộ không thể nấu nướng.
“Ngày 20.10 là đỉnh lũ, nhà dân bị ngập sâu nhất lên đến 2m. Xác định thôn ngập trong lũ dài ngày, lương thực sẽ không đủ để nuôi sống hơn 400 người trong thôn. Tôi và anh em trong đội chèo thuyền lên quốc lộ để xin lương thực từ các đoàn cứu trợ đi ngang qua”, anh Hòa nhớ lại. Những chiếc thuyền chở mì tôm, bánh chưng, nước uống nhận từ các đoàn cứu trợ trao tặng được nhóm anh Hòa vượt lũ chở về phân phát cứu đói cho bà con.
Ông Phan Văn Định (60 tuổi) bị mắc kẹt trong trang trại giữa cánh đồng. “Cả trang trại ngập sâu hơn 2m, tôi phải leo lên gác chuồng bò để ở. Suốt 4 ngày, may có anh Hòa chèo thuyền đưa mì tôm, nước uống và bánh chưng nên không bị đói khát”, ông Định khen. “Suốt những ngày cả thôn bị ngập, tôi và anh em cũng chở đồ ăn, thức uống đến tiếp tế. Lũ qua, rất may là người dân trong thôn được an toàn, không ai bị thiếu đói nên tôi cũng nhẹ lòng”, anh Hòa tâm sự.
Chị Lê Thị Trang (29 tuổi, vợ anh Hòa) kể những ngày chồng chèo thuyền đi cứu dân chị rất lo lắng. “Có hôm anh Hòa gọi về bảo cơm được đoàn cứu trợ cho người dân nhìn rất ngon nhưng không kịp ăn vì nhiều việc quá”, chị kể.
Ông Trần Nhật Tân, Bí thư H.Thạch Hà, dành lời khen ngợi anh Hòa trên trang cá nhân: “Hôm qua điện thoại, hỏi xem cá nhân có đề nghị gì không. Vẫn giọng đó, nhẹ nhàng. Sáng mai em đại diện Sơn Trình đi giúp bà con Nghệ An bị lũ, hôm nọ họ hỗ trợ mình... Giúp được dân là vui rồi, chứ em thiệt hại ít, không đề nghị hỗ trợ chi cho cá nhân mô. À, nếu anh cho cái thuyền nữa thì tốt cho xóm nhà em...”.

Cận cảnh cầu Ba Cô bị lũ cuốn mất chân vô cùng nguy hiểm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.