Trường Sa - Tuyến đầu tổ quốc: Điểm nóng Huy Gơ, Ken Nan

23/04/2021 05:22 GMT+7

Từ năm 2020 đến nay, Huy Gơ là một trong những nơi tập trung nhiều tàu cá Trung Quốc và họ thường xuyên lao xuồng cao tốc ra đe dọa, uy hiếp tàu thuyền Việt Nam đi qua khu vực này.

“Mềm nắn, rắn buông”

Khoảng 10 giờ sáng ngày 12.4.2021, tàu cá QNg 96653 TS của ông Phạm Văn Giàu (thôn Tây, xã An Hải, H.Lý Sơn, Quảng Ngãi) đang đánh bắt hải sản ở phía đông nam bãi đá Huy Gơ, thì bị 2 xuồng cao tốc của Trung Quốc ập tới vây quanh. Trên mỗi xuồng có khoảng 7 - 8 lính Trung Quốc mặc quần áo rằn ri, đội mũ sắt, đeo áo phao và hầu hết đều lăm lăm súng quân dụng trên tay. Trong khi 1 xuồng dừng máy cách khoảng 200 m cảnh giới, xuồng thứ 2 tiến lại gần mạn phải của tàu cá QNg 96653 TS đe dọa, yêu cầu phải rời đi nơi khác. Mặc dù có ngư dân đang trên thuyền thúng, lặn bắt hải sản dưới biển, nhưng trước sự đe dọa của lính Trung Quốc, thuyền trưởng tàu cá QNg 96653 TS phải chạy ra xa và dừng máy đợi thuyền thúng.
Phát hiện thấy ống kính của chúng tôi và động thái hỗ trợ của lực lượng chức năng, 2 xuồng cao tốc Trung Quốc dừng việc truy đuổi tàu cá Việt Nam. Một chiếc chạy hết tốc lực về căn cứ ở bãi Huy Gơ. Chiếc kia mang số hiệu 16, trước khi chạy về còn cố vòng lại với tốc độ cao, tạo sóng lớn, hắt nước vào lòng thuyền thúng của một ngư dân đang chao đảo trên mặt biển, tạo tình huống có thể chìm thuyền rất nguy hiểm.

Lính Trung Quốc có vũ trang đi trên xuồng cao tốc, ra ngăn cản tàu cá Việt Nam đi gần bãi Huy Gơ

Ảnh: Mai Thanh Hải

Việc các xuồng cao tốc Trung Quốc từ Huy Gơ lao ra xua đuổi, khiêu khích thậm chí đe dọa các tàu cá, tàu vận tải Việt Nam không phải là hiếm. “Họ diễu võ giương oai và muốn thử phản ứng. Nhưng chúng tôi đều giữ nguyên hướng đi, tốc độ của tàu. Họ bám theo một lúc, chán rồi lại quay về”, ông Trần Văn Nga, thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 (Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo, Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Bộ GTVT), chuyên vận tải công nhân, hàng hóa, trang thiết bị cho các hải đăng ngoài Trường Sa cho biết vậy và cười: “Mềm nắn, rắn buông”.

Các tàu cá Trung Quốc xếp đội hình 2-3-5-7 chiếc, neo đậu ở phía đông bắc bãi Ken Nan. Giữa các hàng tàu là cồn cát cao nhất của bãi ngầm

Ảnh: Mai Thanh Hải

Ken Nan dày đặc tàu cá

Từ đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi xuôi hướng tây nam xuống đảo Len Đao. Hành trình 14 hải lý (gần 26 km) đi qua gần chục bãi đá ngầm thuộc cụm Sinh Tồn, đều thấy tàu cá Trung Quốc thấp thoáng phía xa, nhưng tập trung nhiều nhất là ở bãi Ken Nan.

Biên đội tàu 788 và 417 của Việt Nam hành quân đến khu vực Huy Gơ - Ken Nan làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền

Ảnh: Mai Thanh Hải

Ken Nan là rạn san hô rộng khoảng 2,5 km2 thuộc cụm Sinh Tồn. Bãi này nằm về phía tây nam của bãi Huy Gơ và cách đảo Sinh Tồn 8 hải lý (gần 15 km) về phía đông bắc.

Nhóm tàu cá nghi là chỉ huy của đội tàu cá Trung Quốc tại Ken Nan, khi nào cũng neo gần bãi Huy Gơ để kịp thời di chuyển

Ảnh: Mai Thanh Hải

Ông Nguyễn Đình Huyên, nguyên thủy thủ tàu Trường Sa 22, kể: “Hồi còn tham gia trực bảo vệ chủ quyền ở cụm Sinh Tồn, chúng tôi liên tục tuần tra các bãi ngầm. Đến đâu cũng hạ xuồng vào kiểm tra. Ở Ken Nan, thường trôi nổi phao ống kết 2 - 3 chiếc thành bè, phía dưới có neo để dễ mắc vào các hốc đá. Khi phát hiện các phao này, chúng tôi cắt neo, kéo ra tiêu hủy, không để nước ngoài neo hạ bất cứ vật thể gì trong bãi”.

Xuồng cao tốc Trung Quốc chạy giữa đội hình tàu cá Trung Quốc neo đậu tại Ken Nan

Ảnh: Mai Thanh Hải

Buổi trưa giữa tháng 4.2021, từ phía đông bãi Ken Nan nhìn vào, chúng tôi thấy hơn 100 tàu cá Trung Quốc đang đậu. Mặc dù thời tiết rất thuận lợi, nhưng các tàu Trung Quốc đều thả 2 dây neo chắc chắn. Quan sát qua ống kính máy hình, thấy tàu cá Trung Quốc xếp thành hàng san sát 8 - 10 chiếc.Đặc biệt, chúng tôi còn thấy xuồng cao tốc chở lính Trung Quốc đang chạy tốc độ cao qua đội hình tàu cá. Một cán bộ kiểm ngư cho biết: “Phía Trung Quốc có lẽ rất ngán các tàu bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, nên mỗi khi tàu cá tập trung, liên tục cho xuồng từ Huy Gơ sang tuần tra”...

Tàu cá Trung Quốc neo đậu cạnh bãi Ken Nan, nhìn từ phía đông sang tây

Ảnh: Mai Thanh Hải

Đầu năm 1988, phía Trung Quốc bất ngờ lẻn lên bãi Huy Gơ (còn gọi là Tư Nghĩa) của Việt Nam, dựng nhà tạm để chốt giữ, phòng thủ. Từ cuối 2012 đầu 2013, Trung Quốc tập trung xây dựng trái phép căn cứ quân sự trên đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.