Trương Mỹ Lan nói 'đau xót' khi tự bào chữa

20/03/2024 15:45 GMT+7

Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày: 'Viện kiểm sát nói tôi quanh co, chối tội, đổ tội cho cấp dưới, tôi đau xót'.

Ngày 20.3, gần 200 luật sư bắt đầu tham gia bào chữa cho 86 bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), sau khi đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa luận tội đối với các bị cáo. 

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình cho 3 tội danh "tham ô tài sản", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "đưa hối lộ".

Trương Mỹ Lan nói 'đau xót' khi tự bào chữa- Ảnh 1.

Trương Mỹ Lan bị Viện kiểm sát đề nghị tử hình

NHẬT THỊNH

Sau khi 5 luật sư bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan tự bào chữa bổ sung.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, khi nghe Viện kiểm sát luận tội, "viện kiểm sát nói tôi quanh co, chối tội, đổ tội cho cấp dưới, tôi đau xót" - bị cáo Lan nói.

Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo đã khai bản thân cảm thấy có trách nhiệm, khi tham gia tái cơ cấu SCB, làm các nhân viên SCB vô tình phạm tội. "Tôi cùng chịu trách nhiệm với anh em, tôi không có quanh co", bị cáo Lan trình bày.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bào chữa: 'Trái tim rỉ máu để SCB hoạt động'

Về khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo Lan nêu giai đoạn bị tạm giam "trái tim vẫn rỉ máu để SCB hoạt động bình thường, đề nghị luật sư liên hệ với các nhà đầu tư tiếp tục tham gia tái cơ cấu SCB, có điều họ nói phải gặp tôi".

Bị cáo Trương Mỹ Lan nhiều lần nhắc đến việc có tổ chức tài chính, nhà đầu tư sẽ tham gia vào khắc phục hậu quả vụ án, thì HĐXX cắt ngang bị cáo và nhấn mạnh "nếu có HĐXX tạo điều kiện ngay, chỉ cần bị cáo nói HĐXX sẽ tạo điều kiện ngay".

Trương Mỹ Lan nói 'đau xót' khi tự bào chữa- Ảnh 2.

Tòa nhà số 19 - 25 Nguyễn Huệ (Q.1), nơi này hiện là trụ sở chính của SCB

NHẬT THỊNH

Trương Mỹ Lan đòi tiền thuê nhà của SCB

Sau đó bị cáo Trương Mỹ Lan xúc động, trình bày thêm về quá trình hình thành hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, dùng mọi sức lực, tài chính để tái cơ cấu SCB, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét lại thiệt hại của vụ án, kết quả giám định lại của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân để xác định giá trị thật tài sản đảm bảo...

Song, HĐXX nêu những nội dung trên, trong quá trình bào chữa, 5 luật sư của bị cáo đã trình bày, vì vậy HĐXX yêu cầu các luật sư trao đổi lại với bị cáo Trương Mỹ Lan để trình bày những nội dung mới, và HĐXX sẽ cho bị cáo tự bào chữa sau cùng.

Sau đó, bị cáo Lan trình bày bổ sung về việc tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Theo bị cáo, căn nhà này được mẹ mua cho con bị cáo. Nay mẹ bà đã mất nên bà muốn giữ căn nhà này cho các con. Vì vậy, ngoài việc đề nghị giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ 112 Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM) để bảo tồn di tích lịch sử, bị cáo đề nghị giải tỏa kê biên tòa nhà 19 Nguyễn Huệ.

Ngoài ra, theo bị cáo Lan, tòa nhà 19 Nguyễn Huệ, bị cáo cho SCB thuê hơn 1 năm nay nhưng SCB không trả tiền, vì vậy đề nghị HĐXX xem xét thu hồi tiền thuê để khắc phục hậu quả trong vụ án.

Xem nhanh 20H: Bị cáo Trương Mỹ Lan nói 'trái tim rỉ máu' khi tự bào chữa | Bao giờ nhà đầu tư Tân Hoàng Minh được trả lại tiền?

Cần xác định lại tội danh tham ô tài sản

Trước đó, chiều tối 19.3 và sáng nay 20.3, lần lượt 5 luật sư đã bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, gồm các luật sư: Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh, Trương Thanh Đức.

Trương Mỹ Lan nói 'đau xót' khi tự bào chữa- Ảnh 3.

Luật sư Phan Trung Hoài tham gia bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan

NHẬT THỊNH

Về tội danh của bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng cần làm rõ hành vi tham ô tài sản của bị cáo Lan. Theo ông, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh Trương Mỹ Lan là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Bởi, đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản.

Đồng thời, ông Hoài cũng đề nghị HĐXX thận trọng xem xét lại việc quy buộc tội danh “tham ô tài sản” bị tách ra thành tội danh độc lập do thời điểm phát sinh hiệu lực của bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), vì về bản chất và hành vi của Trương Mỹ Lan được xác định là cùng phương thức, thủ đoạn phạm tội (nếu có) xuyên suốt trong 10 năm.

Theo cáo trạng, hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan chia làm 2 giai đoạn: từ ngày 1.1.2012 - 31.12.2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng; giai đoạn từ ngày 1.1.2018 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô tài sản hơn 304.000 tỉ đồng nợ gốc, và hơn 129.000 tỉ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Trương Mỹ Lan nói 'đau xót' khi tự bào chữa- Ảnh 4.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa

NHẬT THỊNH

Lý do tách 2 giai đoạn, Viện kiểm sát nêu bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, trong khi bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý về thời điểm trước và sau ngày 1.1.2018.

Tức, hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1.1.2018, xử lý theo điều khoản tương ứng là Điều 179 "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; hành vi phạm tội xảy ra sau 1.1.2018, xử lý theo điều khoản tương ứng là tội “tham ô tài sản”. Đồng thời, Viện kiểm sát có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho bị cáo.

VIDEO Bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB bao nhiêu tiền?

Cam kết đem hết tài sản cá nhân và gia đình nhằm khắc phục

Ngoài tội danh, các luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan cũng lần lượt trình bày về bối cảnh, nguyên nhân xảy ra vụ án, rằng bản thân bị cáo và gia đình có nhiều nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ và dùng tài sản tái cơ cấu SCB. Đáng tiếc là không thành công.

Bên cạnh đó, bị cáo đã nhìn nhận trách nhiệm của bản thân; xét nhân thân bị cáo và gia đình có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM, Việt Nam; gia đình tự nguyện dùng toàn bộ tài sản, phối hợp cơ quan tiến hành tố tụng, khắc phục giải quyết hậu quả trong vụ án. 

Vì vậy, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét để có chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với bị cáo Trương Mỹ Lan. 

Trương Mỹ Lan nói 'đau xót' khi tự bào chữa- Ảnh 5.

Các bị cáo đồng phạm trong vụ án Trương Mỹ Lan

NHẬT THỊNH

Luật sư đề nghị xem xét lại thiệt hại vụ án

Đối với thiệt hại vụ án, các luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét cách xác định lại thiệt hại của vụ án. 

Theo luật sư, SCB ký hợp đồng thuê Công ty thẩm định giá Hoàng Quân để định giá tài sản của ngân hàng nhằm xác định giá trị tài sản đảm bảo, nhưng chính SCB đã phủ nhận nhiều kết quả của công ty này. Cụ thể là, trong 726 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá, thì SCB chỉ chấp nhận định giá 520 mã tài sản, còn lại SCB loại bỏ các tài sản này.

"Không hiểu tại sao SCB lại loại bỏ các tài sản đó? Việc xác định thiệt hại dựa trên nguyên tắc lấy dư nợ trừ đi giá trị tài sản đảm bảo đã khiến bà Lan phải chịu trách nhiệm với số thiệt hại cao hơn rất nhiều so với sai phạm bị cáo buộc", luật sư Giang Hồng Thanh nói.

Hiện, chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân là văn bản duy nhất mà cơ quan tố tụng dùng để xác định thiệt hại. Trong khi đó chứng thư thẩm định giá đối với bất động sản có giá trị trong vòng 6 tháng, động sản là 3 tháng - tức tính đến thời điểm hiện nay đã hết hiệu lực, không có ý nghĩa trong việc làm căn cứ tính thiệt hại. 

"Nếu tính đúng, tính đủ thì số thiệt hại của vụ án sẽ không nhiều như vậy hoặc có thể không gây thiệt hại", luật sư Giang Hồng Thanh nêu.

Chiều qua 19.3, Viện kiểm sát đã đề nghị án tử hình đối với Trương Mỹ Lan; 3 mức án chung thân đối với 3 cựu lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn.

Các bị cáo đồng phạm còn lại giúp sức cho Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB bị đề nghị từ 3 năm tù treo đến 24 năm tù.

Viện kiểm sát đề nghị HĐXX buộc Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB hơn 677.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.