Trường học theo mô hình tiên tiến muốn nâng mức thu, tăng sĩ số !

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
18/05/2021 20:11 GMT+7

Đại diện của các trường học theo mô hình tiên tiến cho rằng mức thu 1,5 triệu đồng/ tháng theo quy định là không còn phù hợp và đề nghị tăng mức thu để có điều kiện phát triển theo nhu cầu của học sinh.

Chiều 18.5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội thảo tổng kết và góp ý dự thảo quyết định về mô hình “Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và thế giới”, trong đó có phần thảo luận về mức thu hàng tháng.

Tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sau 10 năm thực hiện, đến nay cả thành phố có 40 trường hoạt động theo mô hình trường tiến tiến. Trong đó, có 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 8 trường THCS và 3 trường THPT.
Các trường hoạt động theo mô hình tiến tiến sẽ được thu mức học phí chính quy là 120.000 đồng/học sinh/tháng. Khoản thu còn lại được thỏa thuận để đảm bảo các yêu cầu hoạt động thực hiện mô hình tiên tiến nhưng tổng mức thu thỏa thuận không quá 1.500.000 đồng/học sinh/tháng theo quy định.

Nhu cầu lớn, tăng mức thu và sĩ số lớp thế nào cho hợp lý?

Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý mức thu 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng được phê duyệt từ năm 2015 đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập. "Vật giá tăng, phần lớn xuất phát từ yêu cầu ngày càng cao đối với các hoạt động giáo dục (người bản xử dạy tiếng Anh, học tiếng Anh - Tin học theo chuẩn quốc tế, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, giáo dục ngoài nhà trường, giáo dục STEM…). Điều này khiến nhiều trường gặp khó khăn trong vấn đề thu chi cũng như có đủ kinh phí để mở rộng các hoạt động", ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, khi mô hình trường tiến tiến phát triển, nhu cầu mở rộng ngày càng cao, nhưng sĩ số học sinh/lớp là rào cản chính đối với các địa phương. Chỉ tiêu mỗi địa phương (quận, huyện) có ít nhất mỗi cấp học 1 trường tiên tiến là chưa thể đạt được.
Do đó, Sở GD-ĐT đề xuất UBND TP.HCM cho phép điều chỉnh sĩ số học sinh/lớp nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng. Theo đó, bậc mầm non sẽ nâng từ mức 25 lên 30 trẻ/lớp, tiểu học từ 30 lên 35 em/lớp, THCS - THPT lên 40 em/lớp.
Tại hội thảo, bà Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), cho biết: "Mô hình này mang lại hiệu quả lớn và được phụ huynh ủng hộ nhiệt tình. Năm đầu, trường chỉ có 4 lớp và sau 5 năm có tới 28 lớp với 800 học sinh đăng ký theo học".
Tuy nhiên, với mức thu 1,5 triệu đồng/tháng như hiện nay, các trường khó đảm bảo được các nhu cầu của học sinh như: dạy học 2 buổi/ngày, tăng cường tiếng Anh, học với giáo viên nước ngoài; có điều kiện ôn tập cho học sinh để các em đạt chuẩn đầu ra…, theo bà Hạnh.
Đồng quan điểm đó, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho rằng các trường gặp khó khăn nếu duy trì mức thu 1,5 triệu đồng/tháng trong tình hình hiện nay.
“Chúng ta đã yêu cầu giáo viên có trình độ cao thì cũng phải có cơ chế phù hợp ngoài lương để khuyến khích thầy cô dạy ở những trường này. Việc tăng thêm mức thu sẽ giúp các trường có điều kiện triển khai, áp dụng nhiều mô hình tiên tiến vào dạy học, cùng lúc có thêm khoản thu để tăng thu nhập cho giáo viên", ông Thanh nói. Tuy nhiên, theo ông Thanh, cần có quy định rõ ràng về mức thu và tỷ lệ chi để không xảy ra tình trạng lạm thu hay lạm dụng chi vào con người.
Trong khi đó, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1), cho rằng nên giữ mức sĩ số lớp như hiện nay.
Ông Khoa nêu quan điểm: “Điểm mạnh của các trường tiên tiến là sĩ số học sinh. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên giữ sĩ số này, không nên đẩy lên quá cao. Phụ huynh mong con em được học trong mô hình này là vì sĩ số ít và tin tưởng rằng giáo viên sẽ quan tâm, sâu sát học sinh hơn. Nếu chúng ta tăng lên 40 em thì sĩ số gần bằng lớp học bình thường”.

Học tại các trường tiên tiến, học sinh sẽ được thụ hưởng nhiều chương trình giáo dục mới với mức thu phù hợp

Nguyễn Loan

Sẽ đề xuất tăng mức thu đối với trường tiên tiến

Ghi nhận ý kiến từ các trường, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng sĩ số học sinh ít trên mỗi lớp là một trong nhưng ưu điểm thu hút phụ huynh cho con học ở những trường theo mô hình tiến tiến. Tuy nhiên, vì sĩ số học sinh ở một số khu vực có nhu cầu cao nên nhiều trường có nhu cầu tăng thêm sĩ số, do đó Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tính toán thêm, theo ông Hiếu.
"Hiện chúng ta cũng khó lòng theo được mức diện tích theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với các trường chất lượng cao nên hầu hết những trường tiên tiến ở TP.HCM đang xây dựng theo quy định của thành phố là 6-7m2/trẻ mầm non, bậc tiểu học là 8-10m2/học sinh.. để đảm bảo được sân chơi và bãi tập", ông Hiếu lưu ý.
Về mức thu, ông Hiếu cũng mong UBND TP.HCM tính toán mức thu, chi… để các trường tiên tiến có điều kiện, được trích một phần chi cho con người.
Còn ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện mức thu ở những trường tiên tiến đang được chia theo tỷ lệ 40% cải cách tiền lương, 60% cho các khoản khác. Trong đó, trường theo mô hình tiên tiến được linh động về tỷ lệ chi ở các nhóm, khi mới thành lập thì chi cho cơ sở vật chất nhiều hơn. Tỷ lệ chi có thể thay đổi hàng năm và cân đối để đảm bảo thực hiện được chương trình tiên tiến.
“Về ý kiến tăng mức thu từ các trường, chúng tôi sẽ ngồi lại với ban giám hiệu để tìm hiểu nhu cầu nhằm xây dựng mức thu mới, theo một khung nhất định và đảm bảo hoạt động dạy học đáp ứng được sự phát triển theo xu hướng hiện nay”, ông Nam nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.