Trường ĐH tự chủ trong bổ nhiệm hiệu trưởng

30/05/2018 09:33 GMT+7

Theo tờ trình dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH mà Chính phủ trình lên Quốc hội hôm nay (30.5), nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tự chủ giáo dục ĐH được xem là mấu chốt.

Về tự chủ trong hoạt động chuyên môn, các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự được tập trung ở nội dung sửa đổi quy định về hội đồng trường để có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng trường ĐH công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của hội đồng trường. Hiệu trưởng trường ĐH tư thục do hội đồng quản trị quyết định mà không cần UBND tỉnh/thành công nhận nhưng ràng buộc là “hiệu trưởng khi bổ nhiệm không quá 65 tuổi”.

Mặc dù dự thảo luật cho phép hội đồng trường (và hội đồng ĐH) được “quyết định tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các chức danh lãnh đạo trong trường, giảng viên” nhưng phải “phù hợp với quy định của pháp luật”. Mà pháp luật ở đây, cụ thể là ngay trong dự thảo sửa luật này, tiêu chuẩn hiệu trưởng không mấy thay đổi so sới luật hiện hành. Vẫn phải “có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có kinh nghiệm tham gia quản lý”. Có một chút mới so với hiện hành ở chỗ không buộc phải “đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 5 năm” mà chỉ cần “có kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH ít nhất 5 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên”.
Về vấn đề này, PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, băn khoăn: “Tiêu chuẩn hiệu trưởng là người có kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH ít nhất 5 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên phù hợp với điều kiện hiện nay ở VN nhưng cũng nên tham khảo thông lệ quốc tế để có thể thu hút được người giỏi trong quản lý khoa học và đào tạo ở nước ngoài”.
Về tuyển sinh, điểm mới của dự thảo là bỏ hẳn quy định về “tổ chức tuyển sinh”. Các trường tuy được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải theo ngành, nhóm ngành đào tạo. Riêng với các ngành đào đạo giáo viên, dự thảo luật “chốt” luôn: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định tiêu chí, nguyên tắc, quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quy định chỉ tiêu tuyển sinh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.