Trường ĐH tự chủ: Ngân sách chỉ cấp theo cơ chế đặt hàng

29/08/2017 09:30 GMT+7

Theo dự thảo Nghị định quy chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ GD-ĐT đang chủ trì xây dựng, từ năm 2021, ngân sách nhà nước cấp cho cơ sở giáo dục ĐH tự chủ theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định.

Theo dự thảo nghị định này, nguồn tài chính của trường ĐH sẽ khá phong phú. Chẳng hạn từ dịch vụ giáo dục ĐH của chương trình đào tạo đại trà theo phương thức chính quy và giáo dục thường xuyên do cơ sở giáo dục ĐH tự quyết định theo quy định của pháp luật về giá. Cơ sở giáo dục ĐH phải công khai mức thu học phí của từng năm học và dự kiến cho cả khóa học trước khi tuyển sinh. Hoặc thu từ dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng để cấp chứng chỉ, dịch vụ khảo thí, kiểm định chất lượng, hoạt động nghiên cứu khoa học... Hoặc từ nguồn huy động tài trợ để thành lập các quỹ theo quy định; nguồn vốn viện trợ, tài trợ khác....

Ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ chi thường xuyên hằng năm cho cơ sở giáo dục ĐH sau khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính đến hết năm 2020. Trường ĐH đã chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trước thời điểm nghị định ban hành, được nhà nước thí điểm cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020. Từ năm 2021, ngân sách nhà nước cấp cho trường ĐH tự chủ theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng sẽ cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên.
Hạch toán như doanh nghiệp
Cũng theo dự thảo nghị định, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ trong việc sử dụng nguồn tài chính, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, mua sắm đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp. Được tự quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục ĐH và các nguồn hợp pháp khác do cơ sở mình tự huy động và thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Cơ sở giáo dục ĐH được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển sang áp dụng cơ chế hạch toán như doanh nghiệp, được quyết định các dự án đầu tư từ nguồn vốn hợp pháp như quy định đối với doanh nghiệp.
Trường ĐH phải quyết định và chịu trách nhiệm đối với các dự án đầu tư mua sắm từ nguồn hợp pháp của mình. Được quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị được đầu tư và giá trị thương hiệu của nhà trường để liên doanh, liên kết phục vụ mục đích giáo dục - đào tạo. Đồng thời, được vay vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay thương mại của các tổ chức tín dụng.

Trong chi thường xuyên, đơn vị được tự quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn ngân sách cấp chi thường xuyên, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục ĐH...
Sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu chi nếu có, trường ĐH phải trích tối thiểu 25% để lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Trường được tự quyết định sử dụng các quỹ đảm bảo đúng mục đích, công khai minh bạch và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ đã được hội đồng trường thông qua.
Tăng quyền lực hội đồng trường
Theo dự thảo nghị định, cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự. Trong đó có quyền quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các phòng, ban chức năng; tổ chức khoa học và công nghệ; tổ chức phục vụ đào tạo... Được quyết định thành lập các đơn vị liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tài sản nhà nước, bù đắp chi phí và có tích lũy.
Cơ sở giáo dục ĐH được tự quyết định định hướng phát triển nguồn nhân lực của nhà trường. Quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Được tự quyết định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, người lao động đáp ứng các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý của đơn vị trực thuộc; thực hiện quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH theo quy định, trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức. Tự quyết định các chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng đối với viên chức và người lao động...
Theo dự thảo nghị định, quyền lực của hội đồng trường tăng đáng kể so với điều lệ trường ĐH mà Bộ GD-ĐT đã ban hành năm 2014. Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường, là nơi ra quyết nghị các nội dung tự chủ mà nghị định này quy định. Điểm mới nổi bật trong dự thảo nghị định là hội đồng trường được thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định đề nghị cơ quan chủ quản bổ nhiệm.

tin liên quan

Ít học sinh thành phố 'đậu' trường y vì điểm ưu tiên
Trong phiên họp cuối cùng của hội nghị hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược VN vào hôm qua (27.8), khi bàn về vấn đề tuyển sinh năm sau, nhiều thành viên tỏ ra e ngại trước thực tế năm nay quá ít thí sinh thành phố lớn trúng tuyển vào ngành y đa khoa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.