Trường đại học tổ chức giảng dạy trực tuyến ngay tại bệnh viện

21/03/2020 08:00 GMT+7

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trường đại học Tân Tạo đã chuyển toàn bộ chương trình học sang hình thức giảng dạy trực tuyến.

Tại khoa Y, ngoài những giảng viên cơ hữu, các bác sĩ hướng dẫn lâm sàng, sinh viên khoa Y còn được hướng dẫn bởi các Giáo sư nổi tiếng Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là Mỹ tham gia vào quá trình dạy online.
Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Thạch, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo, việc học trực tuyến là cần thiết trong giai đoạn này. Hình thức học này vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, cũng như đem đến về sự linh hoạt về thời gian cho giảng viên lẫn học sinh.
Theo Giáo sư Thạch, so với việc học truyền thống, với một lớp gồm 60 sinh viên thực tập tại bệnh viện, đây là một thách thức rất lớn cho giảng viên để truyền đạt kiến thức để mọi người cùng hiểu và tích cực tham gia học tập. Nhưng, nhờ vào cách học trực tuyến như Zoom, sinh viên có thể dễ dàng nói chuyện cũng như nêu ý kiến cho cả lớp cùng thảo luận.

Học trên ca bệnh lâm sàng

Phương pháp học Bedside Teaching của các trường y trên thế giới đã được áp dụng tại Khoa Y Trường ĐH Tân Tạo, tuy nhiên sinh viên vẫn chưa thể thực hành tại bệnh viện trong thời gian này. Để linh động hơn và đảm bảo cho phương pháp học hiệu quả, nhà trường đã sắp xếp cho các em học và biện luận những ca lâm sàng trực tuyến. Hằng ngày, các sinh viên được học lý thuyết, tiếp thu thêm nhiều cách tiếp cận, góc nhìn về bệnh học từ các giáo sư đầu ngành Việt Nam. Bên cạnh đó, các GS Mỹ như Giáo sư Peter Singer - từng giữ chức Chủ tịch của Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (American Thyroid Association) đã giảng dạy hơn một tháng nay, thảo luận ca lâm sàng với sinh viên Khoa Y vào mỗi sáng thứ tư hằng tuần.
GS Thạch Nguyễn cùng GS Kenneth Rosenfield - khoa Y ĐH Harvard, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Mỹ thảo luận với sinh viên khoa Y Trường đại học Tân Tạo

GS Thạch Nguyễn cùng GS Kenneth Rosenfield - khoa Y ĐH Harvard, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Mỹ thảo luận với sinh viên khoa Y Trường đại học Tân Tạo

Ngoài việc học trực tiếp trên các ca lâm sàng, toàn thể sinh viên Y cũng được tiếp cận gần hơn với những cập nhật mới nhất của Y khoa thế giới nhờ có cơ hội làm việc và trao đổi với các Giáo sư nổi tiếng trong ngành. Trong các bài giảng về cập nhật cho điều trị lần này, các bạn đã vinh dự được học với một giáo sư rất gần gũi với Trường đại học Tân Tạo, đó là GS Kenneth Rosenfield - một giáo sư đến từ Đại học Harvard. Thầy đã hướng dẫn và cập nhật thông tin mới nhất về thuyên tắc phổi (Pulmonary Embolism) cho khoa Y TTU.

Học và thảo luận y khoa bằng tiếng Anh

Để hình thức thảo luận ca lâm sàng hiệu quả nhất, sinh viên được chia thành mỗi nhóm nhỏ thảo luận cùng với các giáo sư đầu ngành và các bác sĩ trong nước va Mỹ. Điều đó giúp các em vừa học mà còn nâng cao khả năng tiếng Anh.
Ngoài ra còn rất nhiều gương mặt bác sĩ nổi tiếng thế giới trong ngành nội khoa đã nhận lời mời giảng dạy online cho sinh viên Khoa Y TTU, đặc biệt là PGS Ann Nguyen Khoa Y, Đại học Chicago và GS Andy Nghia Nguyen (Houston bang Texas).
GS Talarico là người luôn dành hết tâm huyết cho Khoa Y Trường đại học Tân Tạo

GS Talarico là người luôn dành hết tâm huyết cho Khoa Y Trường đại học Tân Tạo

Hình thức học online này ở khoa Y được tổ chức thành nhiều lớp học khác nhau. Trong đó, lớp Giải phẫu học (Human Gross Anatomy) được tổ chức bởi GS-BS Ernest Talarico đến từ Chicago, Bang Illinois, Mỹ. Lớp Huyết học (Hematology) do GS Andy Nghia Nguyen, trực tiếp phụ trách. Lớp này được mở ra cho tất cả sinh viên Việt Nam từ mọi trường y trên toàn quốc và hiện đã có trên 400 sinh viên ghi tên học.
Hình thức học online cũng được tổ chức với môn nội khoa, nhi khoa, sản khoa và ngoại khoa. Cơ hội cho các bạn còn được mở ra khi các bạn còn được tham gia lớp học về việc tiếp cận bệnh nhân sinh viên theo triệu chứng khoa Nghiên cứu tim mạch, Bệnh viện Methodist…
Nhờ các ứng dụng công nghệ, Trường đại học Tân Tạo và khoa Y đã không bị chậm trễ việc học, hơn thế, còn phát triển mạnh mẽ hơn trước khi có đại dịch Covid-19 xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.