Trường đại học Đà Lạt: Nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội

21/06/2023 13:37 GMT+7

Trong suốt 65 năm qua, Trường đại học (ĐH) Đà Lạt đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Lâm Đồng nói riêng, Tây nguyên và cả nước nói chung khi đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Những dấu ấn qua chặng đường 65 năm hình thành và phát triển

Trường ĐH Đà Lạt (Lâm Đồng) là trường công lập được thành lập theo Quyết định số 426/TTg ngày 27.10.1976 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Viện ĐH Đà Lạt (thành lập từ năm 1957) với chức năng, nhiệm vụ được giao là "Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật về một số ngành mũi nhọn, một số ngành cần thiết cho hệ thống các viện nghiên cứu khoa học đã và sẽ có ở Đà Lạt".

Trường ĐH Đà Lạt –- nơi có môi trường nghiên cứu, học tập rất lý tưởng cho sinh viên

Trường ĐH Đà Lạt - nơi có môi trường nghiên cứu, học tập rất lý tưởng cho sinh viên

Từ một trường ĐH tổng hợp, ĐH Đà Lạt đã trở thành cơ sở giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo từ trình độ ĐH đến bậc tiến sĩ, đáp ứng hầu hết nhu cầu nguồn nhân lực cho các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với thế mạnh đặc thù của vùng Tây nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Đến nay, Trường ĐH Đà Lạt có tổng cộng 57 ngành đào tạo; bao gồm 6 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 10 ngành đào tạo thạc sĩ và 41 ngành đào tạo ĐH, được phân ra các lĩnh vực chính gồm: khối ngành khoa học tự nhiên - công nghệ kỹ thuật; khối ngành kinh tế kinh doanh và quản lý; khối ngành khoa học xã hội - nhân văn và khối ngành đào tạo giáo viên, trong đó riêng số lượng các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chiếm trên 50% tổng số ngành đào tạo hiện có của các cơ sở giáo dục ĐH toàn khu vực Tây nguyên.

TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho hay toàn bộ các chương trình đào tạo của trường đã được xây dựng theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra quốc tế CDIO, với giá trị đào tạo cốt lõi là "kiến thức - kỹ năng và thái độ", phù hợp với triết lý giáo dục "Thụ nhân - Khai phóng - Bản sắc" của nhà trường. Trường ĐH Đà Lạt là thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế và của mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (AUN). Ngoài việc là cơ sở giáo dục ĐH đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn 2.0 của Bộ GD-ĐT, đến nay trường đã có 8 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng chương trình, trong đó có 3 chương trình theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA và sẽ tiếp tục có thêm 2 chương trình được kiểm định trong năm 2023 theo bộ tiêu chuẩn quốc tế này.

Về đội ngũ giảng viên cơ hữu, hiện nay nhà trường có 312 giảng viên với hơn 98% có trình độ sau ĐH, trong đó có 1 giáo sư, 16 phó giáo sư - tiến sĩ, 105 tiến sĩ. Số lượng giảng viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sĩ chiếm 40%, vượt xa mức trung bình chung của các trường ĐH trong cả nước.

Tính đến nay đã có hơn 77.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp từ Trường ĐH Đà Lạt, đóng góp một nguồn nhân lực hết sức to lớn và có chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và của cả nước. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2015 trở lại đây, hơn 55% sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐH Đà Lạt thuộc khu vực Tây nguyên đã đóng góp nguồn nhân lực hết sức to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này.

Trường ĐH Đà Lạt với vai trò góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6.10.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trường đại học Đà Lạt: Nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội - Ảnh 3.

Đầu tư cho cơ sở vật chất cũng luôn được Trường ĐH Đà Lạt chú trọng

TS Lê Minh Chiến, Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, cho biết trường phải là cơ sở giáo dục ĐH đi đầu trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trường ĐH Đà Lạt đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới:

Một là, trên cơ sở huy động các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và của trường, tiếp tục tăng cường đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất, hiện đại hóa hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học và quản lý.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh chính sách đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên cơ hữu phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo của trường, đặc biệt ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Ba là, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh việc dịch chuyển ngành nghề đào tạo, phát triển các lĩnh vực đào tạo mới phù hợp với các định hướng phát triển trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bốn là, đầu tư cho một số khoa ngành trọng điểm nhằm hướng tới thành lập ít nhất 3 trường thành viên với mục tiêu phát triển Trường ĐH Đà Lạt trở thành ĐH Đà Lạt vào năm 2030.

Năm là, tăng cường công tác kiểm định chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là việc hình thành các trung tâm, viện nghiên cứu hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Phấn đấu đến năm 2030 Trường ĐH Đà Lạt trở thành một trong những cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu khu vực Đông Nam Á và có tên trong các bảng xếp hạng các trường ĐH uy tín của thế giới.

Năm 2023, Trường ĐH Đà Lạt tuyển sinh hệ chính quy với 41 ngành đào tạo trình độ đại học với 2.850 chỉ tiêu. Ngoài các phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD-ĐT, năm 2023, Trường mở rộng thêm phương thức tuyển sinh xét tuyển thẳng đối với các thí sinh đạt 3 năm học sinh giỏi tại các trường THPT trong cả nước.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.