‘Trường ca Achilles’ - Khúc bi ca về mối tình đồng tính trong thần thoại Hy Lạp

03/01/2021 14:00 GMT+7

Lấy cảm hứng từ sử thi Iliad , tác giả Madeline Miller đã kể lại câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nhưng bi tráng giữa hai người hùng Hy Lạp trong cuốn sách đầu tay của mình - Trường ca Achilles .

Sử thi Iliad của Homer bắt đầu vào những năm cuối của cuộc chiến thành Troy viết về cơn thịnh nộ của người anh hùng Achilles khi người cậu yêu thương nhất, Patroclus ngã xuống.
Dù Homer không miêu tả Patroclus và Achilles như hai người tình thật sự nhưng ông cũng chưa bao giờ phủ nhận mối quan hệ đặc biệt của họ.
Và để điền vào những chỗ còn trống trong Iliad, Madeline Miller đã viết nên Trường ca Achilles kể về mối tình cảm động giữa hai người anh hùng Hy Lạp mà từng bị nhiều người né tránh nhắc đến.

Patroclus và Achilles - Một mối tình tráng lệ và bi thương

Huyền thoại bắt đầu từ khi Patroclus, một hoàng tử trẻ vụng về và yếu ớt bị trục xuất khỏi chính vương quốc của mình vì vô tình mắc phải một tội lỗi nghiêm trọng. Cậu được đưa tới vương quốc Phthia, nơi vua Peleus chấp nhận hết những đứa trẻ lầm lạc và rèn luyện chúng trở thành một đội quân tinh nhuệ.
Chính tại đây, Patroclus đã làm thân được với cậu con trai hoàng kim của vương quốc này, Achilles, kẻ được tiên đoán trở thành "Người Hy Lạp vĩ đại nhất", mạnh mẽ, đẹp đẽ và mang một nửa dòng máu nữ thần.
Từ khi còn ở Phthia cho đến lúc được vị nhân mã Chiron nuôi dạy trên đỉnh Pelion, hai đứa trẻ có một sự gắn kết kỳ lạ. Dù trái ngược nhau hoàn toàn nhưng những gì Patroclus nghĩ đến Achilles lại không phải là sự ghen tị, đó là sự ngưỡng mộ gần như sùng bái.
Theo thời gian, tình cảm của hai người càng ngày càng trở nên sâu đậm hơn, vượt lên trên cả tình bạn, tình bằng hữu hay tri kỷ, họ trở thành tất cả của nhau. Nhưng thần linh chưa bao giờ công bằng, các nữ thần Số phận có thể đưa con người đến với nhau theo cách thơ mộng nhất, và cũng có thể thử thách họ bằng những nghịch cảnh đau thương nhất.
Thời niên thiếu, Achilles đã có nhận được một lời đề nghị hoặc là có một cuộc đời dài không ai biết tới hoặc một cuộc đời ngắn ngủi nhưng huy hoàng rực rỡ. Khi nàng Helen bị bắt cóc tới thành Troy, Achilles đã dong buồm tới thành Troy cùng những người Hy Lạp khác, chiến đấu lấy của cải và danh vọng.
Bị giằng xé giữa tình yêu và nỗi lo sợ dành cho người bạn của mình, Patroclus ra trận theo Achilles. Và đây là khởi nguồn cho cơn thịnh nộ của Achilles trong những năm cuối cùng của cuộc chiến thành Troy với lời gào khóc vang thấu tận trời xanh.
Madeline Miller để Trường ca Achilles được kể lại dưới lời của Patroclus, một chứng nhân cô đơn và đau khổ trước sự điên dại và thịnh nộ của Achilles.
Nhưng Achilles hiện lên trong mắt của Patroclus không chỉ là một kẻ máu lạnh chỉ biết chém giết. Cậu cũng có cảm xúc như bao người thường khác, cậu cũng vật lộn phải trải qua những kỳ vọng lớn lao của người Hy Lạp. Dù cao ngạo và ích kỷ nhưng tình cảm Achilles dành cho Patroclus là chân thật, cậu cũng hy sinh nhiều thứ để được ở bên cạnh người tình, giống như cách Patroclus đã lùi lại phía sau để Achilles được tỏa sáng.
Trường ca Achilles là một câu chuyện mà sau khi đọc xong, người đọc sẽ không bao giờ có thể đọc thần thoại Hy Lạp cũng như Iliad như cách họ từng đọc trước đây. Một kết cục ai cũng biết trước nhưng vẫn phải theo dõi đến từng câu chữ trong những trang sách cuối cùng.

Dành 10 năm để kể một câu chuyện không được nhắc đến

Tác giả Madeline Miller vốn là một giảng viên người Mỹ, tốt nghiệp bằng cử nhân và thạc sĩ ngành Latin học và ngành Hy Lạp cổ đại tại trường Đại học Brown. Là người yêu thích và hứng thú với các câu chuyện thần thoại Hy Lạp, cô nhận thấy nhiều bài luận văn đã chọn cách né tránh nhắc đến mối tình giữa Achilles và Patroclus, điều mà cô cảm nhận thấy chính là cốt lõi câu chuyện trong sử thi Iliad của Homer.
Vậy nên lấy sử thi Iliad thành một điểm cố định trên đường chân trời và hướng về đó mà viết, Miller đã kể lại câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nhưng bi tráng giữa hai người anh hùng, về lý do họ ra nông nỗi đó, và điều gì đã xảy ra giữa họ trong những phân cảnh mà Homer không mô tả.
Một chi tiết cũng quan trọng khác chứng tỏ Miller rất trung thành với Iliad, đó là về "gót chân Achilles". Thực chất trong Iliad, Homer không hề nhắc đến điểm yếu gót chân này của Achilles, chi tiết này mãi về sau mới được thêm vào trong các phiên bản hậu Homer nhằm giải thích và thêm thắt vào việc Achilles dường như là bất bại.
Theo đó, nữ thần biển Thetis đã thử nhiều cách để khiến Achilles trở nên bất tử, bao gồm nắm gót chân cậu nhúng xuống sông Styx và hơ cậu trên lửa để thiêu cháy dòng máu phàm nhân trong cậu. Đó là lý do tại sao gót chân lại trở thành điểm yếu của Achilles.
Tuy nhiên, Madeline Miller vì lấy cảm hứng từ Iliad nên đã chọn cách triển khai nhân vật theo Homer. Cô cũng luôn thấy câu chuyện về "gót chân Achilles" rất không thực khi làm sao người ta có thể chết chỉ vì bị bắn vào gót chân.
Hành trình 10 năm hoàn thiện cuốn sách Trường ca Achilles của Madeline Miller bằng đúng 10 năm diễn ra cuộc chiến thành Troy. Trong 5 năm đầu, cô đã viết xong bản thảo, soi xét nó thật lâu, rồi bỏ đi và viết lại từ đầu. Và phải đến 5 năm tiếp theo cuốn sách mới được hoàn thành và xuất bản.
Ngay khi được ra mắt năm 2011, tác phẩm đã được công chúng đón nhận nhiệt thành. Tác phẩm sau đó được trao giải Orange năm 2012 cho hạng mục tiểu thuyết. Giải Orange, sau này đổi tên thành Women’s Prize, là một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất của Anh, dành cho các tiểu thuyết nguyên tác được viết bằng tiếng Anh và bởi các tác giả nữ không phân biệt quốc tịch.
Giống như cách Homer đã viết Odyssey để song hành cùng Iliad, năm 2018, Miller cũng viết cuốn tiểu thuyết thứ hai trong sự nghiệp của mình là Circe sau thành công của Trường ca Achilles. Circe là câu chuyện của một nữ phù thủy nguy hiểm nhưng đơn độc, đã thử thách người anh hùng Odyssey trên hành trình trở về quê hương sau cuộc chiến thành Troy.
Cuốn sách sau đó được đề cử Women's Prize năm 2019, và cùng với Trường ca Achilles đã đánh dấu một sự nghiệp văn chương rực rỡ của Madeline Miller.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.