Trưởng ban Kinh tế T.Ư: Tìm giải pháp đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/12/2021 17:10 GMT+7

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho biết, việc tổng kết Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần tìm được giải pháp để Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp, thực phẩm của thế giới .

Làm rõ vướng mắc trong thực hiện nghị quyết "tam nông"

Chiều 1.12, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về tổng kết Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 khóa X năm 2008 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân (Nghị quyết 26), làm việc với Bộ NN-PTNT về việc thực hiện và tổng kết Nghị quyết 26.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị

gia hân

Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong 13 năm qua, nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng GDP từ 2008 - 2021 tăng 2,94%.

“Kim ngạch xuất khẩu đạt 378,65 tỉ USD, tăng 8,17%, cán cân thương mại liên tục xuất siêu; nông sản Việt Nam có mặt tại 196 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản”, ông Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng, nhiều lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới chưa gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa, môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm có nguy cơ lan rộng.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho biết, trong bối cảnh mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển đất nước và luôn đề ra những chủ trương, định hướng sát thực với bối cảnh và tình hình mới, nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của đất nước và bổ sung, phát triển các chủ trương đó ở tầm cao mới.

Cho biết hội nghị được tổ chức nhằm góp ý cho các nội dung tổng kết Nghị quyết 26, đồng thời góp ý cho Bộ NN-PTNT trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 26 trong 15 năm qua, từ đó, rút ra những kinh nghiệm, bài học trong thực hiện Nghị quyết 26 và định hướng trong giai đoạn tới gắn với chức trách nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện và công tác tổng kết Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

gia hân

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị phải chỉ ra khó khăn, bất cập và quan trọng là làm cho rõ được nguyên nhân của tồn tại hạn chế đó.

Ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị cần đưa ra được những giải pháp cụ thể phát triển khoa học công nghệ để trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, năng suất, thu nhập của người nông dân cùng những giải pháp phát triển logistics trong nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp, thực phẩm của thế giới.

Nông nghiệp là thước đo sự bền vững quốc gia

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc

gia hân

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, vào thời điểm ban hành Nghị quyết 26 cách đây 15 năm, có rất nhiều vấn đề chưa được đặt ra trong hiện tại, như cách mạng 4.0 hay kinh tế xanh, tiêu dùng xanh trong nông nghiệp…

Hay như vấn đề thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 vừa qua, vai trò của ngành nông nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, ông Hoan cho biết, thời gian tới việc tiêu thụ nông sản không chỉ là vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn mà phải dán nhãn sinh thái.

“Đây là một vấn đề thách thức cực lớn”, ông Hoan nói và cho rằng, có nhiều vấn đề cần phải được đánh giá để đưa vào nghị quyết, chiến lược mới của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.

Ông Hoan cũng phân tích, đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta cũng chứng kiến lượng người rất lớn từ thành thị trở về nông thôn. “Vậy trong những năm tới phải đối diện thế nào với dòng dịch chuyển dân cư? Trước đây ta tự hào rằng, nông thôn đóng góp lao động cho thành phố, nhưng hiện tại thì như thế nào? Bao nhiêu người từ thành phố về? Bao nhiêu người rồi sẽ trở lại thành phố? Những người đã về thì làm công việc gì?”, ông Hoan nêu.

Dẫn lại nhận định của chuyên gia dự báo người Mỹ, Jason Schenker, tác giả của cuốn sách “Tương lai sau đại dịch Covid-19”, ông Hoan cho biết, sau đại dịch, nông nghiệp vẫn là ngành thiết yếu. Bộ trưởng NN-PTNT nhấn mạnh, nông nghiệp là “trụ đỡ”, là “thước đo sự bền vững của một quốc gia”.

Từ đó, ông Hoan đề nghị việc đánh giá nông nghiệp không chỉ có tỷ lệ GDP của nông nghiệp mà phải xem xét vị trí, vai trò của nông nghiệp trong cấu trúc kinh tế xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.