Trưởng bản giúp dân thoát nghèo

Khánh Hoan
Khánh Hoan
06/12/2022 19:22 GMT+7

Anh Moong Văn Dần (41 tuổi, trưởng bản Na Lợt, xã Nhôn Mai, H.Tương Dương, Nghệ An) đã tiên phong trong việc đổi mới cách làm ăn và giúp dân bản trồng gừng, trồng sắn làm cây kinh tế chủ lực để thoát nghèo .

Bị cô lập giữa rừng

5 năm về trước, bản Na Lợt là một trong những nơi xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An. Từ bản này ra trung tâm xã phải mất 3 giờ đi bộ, xuống huyện phải mất 1 ngày cả đi bộ lẫn đi thuyền theo sông Nậm Nơn.

Toàn bản Na Lợt đều là đồng bào dân tộc Khơ Mú, cái nghèo đeo bám từ nhiều đời nay vì muốn phát triển kinh tế cũng quá khó do bị cô lập giữa rừng.

Anh Moong Văn Dần (phải) đã hướng dẫn người dân bản Na Lợt trồng gừng đem lại thu nhập cao

Khánh Hoan

Năm 2016, tuyến đường nhựa nối từ H.Quế Phong sang H.Kỳ Sơn được mở đã giúp bản Na Lợt thoát khỏi cảnh “ốc đảo”, cô quạnh giữa đại ngàn. Tốt nghiệp THPT ở trường huyện, vì nhà nghèo, anh Moong Văn Dần không thể học tiếp mà quay về bản Na Lợt lấy vợ, sinh con và sau đó được bầu làm trưởng bản.

Anh Dần kể: “Sau khi được dân bản bầu chọn, mình đã có ý định phải tìm được cách để bớt nghèo, nhưng không biết phải làm gì vì chăn nuôi, trồng cây hàng hóa đều rất khó đưa hàng đi tiêu thụ do không có đường. Muốn bán con bò phải dắt bộ gần 30 km sang xã Tri Lễ, H.Quế Phong mới bán được”.

Nhìn người dân quẩn quanh trong đói nghèo và hủ tục, anh Dần bắt đầu phát động đợt đổi mới đời sống bằng cách bỏ các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, loại bỏ dần những cuộc giết trâu, bò ăn uống linh đình khi có đám cưới hoặc đám tang, kéo dài gây tốn kém cho người dân.

Đồng bào dân tộc Khơ Mú của mình trên này không siêng như người Mông, cứ ngồi bó gối trước cửa nhà, suốt ngày rượu chè, đói nghèo cũng cứ cam chịu và mình rất muốn họ thay đổi”, anh Dần nói.

Xóa đói nghèo bằng trồng cây hàng hóa

Sau khi tuyến đường chạy qua bản thông suốt, nối với 2 huyện Quế Phong và Kỳ Sơn, bản Na Lợt như được khai sáng. Điện lưới sau đó 2 năm cũng được kéo đến.

Năm 2017, anh Dần chuyển sang làm Bí thư Chi bộ bản Na Lợt và anh lại phát động người dân làm cuộc “cách mạng” để thoát đói nghèo.

Anh sang xã Tri Lễ ở kề bên học cách trồng cây chanh leo. Đây là loại cây khá dễ trồng, nhanh cho quả, có doanh nghiệp thu mua sản phẩm với giá cao nên lúc đó được coi là cây xóa nghèo. Anh Dần rủ thêm một số người trong bản phát quang rồi trồng 2 ha chanh leo. Năm đó, anh thu về 80 triệu đồng tiền lãi từ bán chanh.

Đường vào bản Na Lợt

Khánh Hoan

Thấy cây chanh leo rất hiệu quả, năm sau, nhiều người trong bản học theo rồi trồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, giá chanh leo bị rớt do thị trường gặp khó, anh Dần lập tức chuyển sang trồng sắn cao sản và gừng. Mô hình này được anh học hỏi ở địa phương khác và về họp dân rồi hướng dẫn, áp dụng cho các gia đình trong bản.

Ban đầu, anh Dần trồng 1 ha sắn cao sản và hơn 1 ha gừng để kiểm tra đất. Rất may, thổ nhưỡng ở đây hợp với 2 loại cây này nên hiệu quả kinh tế tốt, nhất là gừng. Sau đó, anh Dần hướng dẫn cho nhiều người trong bản cùng trồng 2 loại cây này. Đất sản xuất của bản trước đây chỉ để trồng cây chăn nuôi trâu bò thì giờ đã được chuyển sang đất sản xuất cây hàng hóa.

Ông Moong Văn Nguyên, một người dân ở bản Na Lợt, hồ hởi khoe, ông vừa bán nửa tấn gừng, thu về gần 8 triệu đồng. “Đây mới chỉ là đợt 1, nếu biết gừng dễ trồng và cho thu nhập cao thế này thì ta đã trồng từ lâu rồi”, ông Nguyên nói.

Sắn cao sản của người dân ở bản Na Lợt vừa thu hoạch

Khánh Hoan

Không chỉ giúp gia đình trồng sắn, gừng và chăn nuôi trâu bò, anh Dần còn vận động những thanh niên hay lêu lổng trong bản không đi xa mà ở lại bản để sản xuất, làm ăn.

Ông Lương Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, đánh giá mô hình sản xuất của anh Dần là rất năng động và hiệu quả cao. Không chỉ dám nghĩ, dám làm, anh Dần rất có uy tín và có trách nhiệm với dân bản. Mô hình kinh tế này đã giúp nhiều gia đình ở bản Na Lợt vốn rất nghèo nay đã từng bước thoát nghèo thành công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.