Trước thời điểm xem xét cho thuê, vỉa hè Hà Nội được sử dụng thế nào?

27/12/2023 10:17 GMT+7

Ngoài các vị trí được thí điểm cấp phép để kinh doanh dịch vụ thương mại ở Q.Hoàn Kiếm hay các địa điểm được cấp phép trông giữ phương tiện thì hiện tại, hầu hết vỉa hè ở Hà Nội đều bị người dân chiếm dụng để phục vụ mục đích cá nhân.

Thông tin vào tháng 1.2024, UBND TP.Hà Nội dự kiến sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến phố đủ điều kiện để cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ đã thu hút sự quan tâm của chị Nguyễn Thị Hoa (47 tuổi; chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ở P.Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trước thời điểm xem xét cho thuê, vỉa hè Hà Nội được sử dụng thế nào?- Ảnh 1.

Vỉa hè phố Hàng Gai (Q.Hoàn Kiếm) có bề rộng khoảng 2 m, là một trong 56 tuyến phố cấm đỗ xe trên vỉa hè

NGUYỄN TRƯỜNG

Đã từ lâu, khoảng không trên vỉa hè rộng khoảng 1,5 m trước cửa hàng được chị Hoa tận dụng triệt để kê bàn, ghế phục vụ hoạt động kinh doanh. Do chiếm dụng không gian của người đi bộ nên mỗi khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, chị Hoa cùng nhân viên lại hối hả thu dọn đồ đạc kẻo bị xử phạt.

Hà Nội xem xét thu phí vỉa hè vào đầu năm 2024

"Tôi đồng ý với chủ trương này của thành phố nhưng có chút băn khoăn về giá cho thuê vỉa hè. Cho thuê để quản lý hiệu quả hơn cũng tốt nhưng không rõ tuyến phố nơi tôi đang kinh doanh có đủ điều kiện cho thuê hay không. Nếu không thì tôi chưa biết xoay xở thế nào vì không gian bên trong cửa hàng quá chật chội, không đủ để kinh doanh", chị Hoa cho hay.

Trước thời điểm xem xét cho thuê, vỉa hè Hà Nội được sử dụng thế nào?- Ảnh 2.
Trước thời điểm xem xét cho thuê, vỉa hè Hà Nội được sử dụng thế nào?- Ảnh 3.

Vỉa hè ở địa chỉ 18 Hàng Bài (bên trái) và 30A Lý Thường Kiệt được Q.Hoàn Kiếm cho thuê để kinh doanh từ năm 2021. Vị trí sử dụng hè phố nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng 1 và sát tường nhà với chiều rộng được tạm sử dụng là 1,5 m

NGUYỄN TRƯỜNG

Trong khi đó, một người dân trú tại phố Ngô Quyền (Q.Hoàn Kiếm) cho hay, vỉa hè là của người đi bộ. Việc để vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp mang lại nhiều lợi ích cho xã hội hơn so với cho một bộ phận kinh doanh, buôn bán. "Không thể đánh đổi lợi ích của một bộ phận nhỏ lấy lợi ích chung của toàn xã hội", người dân này bày tỏ.

Theo ghi nhận tại Hà Nội, Q.Hoàn Kiếm là địa phương duy nhất cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm (chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu và 15 Ngô Quyền.

Trước thời điểm xem xét cho thuê, vỉa hè Hà Nội được sử dụng thế nào?- Ảnh 4.

Vỉa hè trên phố Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm) bị tận dụng để kinh doanh dịch vụ ăn uống

NGUYỄN TRƯỜNG

Vỉa hè các tuyến phố được cho thuê nêu trên đều chung một đặc điểm là có bề rộng từ 5 - 7 m. Các tổ chức được cho thuê vỉa hè là các khách sạn, nhà hàng sang trọng. Vị trí sử dụng hè phố nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng 1 và sát tường nhà với chiều rộng được tạm sử dụng là 1,5 m. Thời gian cấp phép sử dụng tạm thời hè phố là 6 tháng/lần với giá 45.000 đồng/m2/tháng.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 26.12: Hà Nội xem xét thu phí vỉa hè

Bên cạnh việc cho thuê để kinh doanh dịch vụ, vỉa hè, lòng đường ở Q.Hoàn Kiếm, tại Hà Nội, vỉa hè, lòng đường còn đang được cấp phép để trông giữ phương tiện với giá 45.000 đồng/m2/tháng. Tính đến ngày 19.5.2023, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép sử dụng cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích là 37.985 m2 để trông giữ xe tạm thời dưới lòng đường.

Trước thời điểm xem xét cho thuê, vỉa hè Hà Nội được sử dụng thế nào?- Ảnh 5.

Vỉa hè trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) được tận dụng để trông giữ xe máy, "đẩy" người đi bộ xuống lòng đường

NGUYỄN TRƯỜNG

Mỗi năm, khoản phí thu được từ việc cho thuê vỉa hè, lòng đường trông giữ xe tạm thời trung bình khoảng 43 tỉ đồng. Ngoài ra, có 17 UBND các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã cấp phép sử dụng tạm thời để trông giữ xe trên hệ thống vỉa hè, lòng đường khoảng 422 điểm đỗ với diện tích 93.300 m2... nhưng số tiền thu về mỗi năm không được công bố rộng rãi.

Còn lại, hầu hết vỉa hè ở Hà Nội bị người dân chiếm dụng để phục vụ nhu cầu kinh doanh dịch vụ hoặc để dừng đỗ các phương tiện cá nhân trước cửa nhà.

Trước thời điểm xem xét cho thuê, vỉa hè Hà Nội được sử dụng thế nào?- Ảnh 6.
Trước thời điểm xem xét cho thuê, vỉa hè Hà Nội được sử dụng thế nào?- Ảnh 7.

Vỉa hè trên phố Giáp Nhất (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) và đường Trường Chinh (Q.Đống Đa, Hà Nội) bị chiếm dụng để kinh doanh

NGUYỄN TRƯỜNG

Theo trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, trật tự vỉa hè là "cả một vấn đề rất phức tạp". Mỗi đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì có cải thiện, sau đó "đâu lại vào đó". Bởi lẽ, vỉa hè là nguồn thu nhập chính của một bộ phận không nhỏ người dân gắn với kinh doanh trên hè phố… 

Để giải quyết vấn đề trật tự vỉa hè, ông Trung cho rằng, phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Trong đó, phải giải quyết được bài toán kinh tế của các hộ dân với việc đảm bảo trật tự văn minh đô thị, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Hoàn Kiếm từng đề xuất thí điểm cho thuê 36 vị trí

Trước đó, UBND Q.Hoàn Kiếm đã có đề án báo cáo UBND TP.Hà Nội đề xuất thí điểm giai đoạn 1 cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.

Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ, gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ, gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2 m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.

Sau thời gian thí điểm, Q.Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có hè rộng từ 3 m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1 m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè.

Tuy nhiên, sau đó, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng xây dựng đề án chung để áp dụng cho toàn thành phố.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, việc quản lý lòng đường, vỉa hè phải gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị. Trong đó, sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, Vành đai 1 - 2 - 3… để ra từng khu vực, từng quận, huyện TP.Hà Nội định hướng những vỉa hè đủ điều kiện ở các khu phát triển du lịch, văn hóa có thể được cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ du lịch. Dự kiến UBND TP.Hà Nội sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1.2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.