Trước bàn thờ Bác Hồ ở quận 5-Paris

25/12/2021 16:39 GMT+7

Điều tôi thích ở bàn thờ ấy là sự tối giản nhưng hoàn toàn trang nghiêm của nó. Đứng trước trang thờ giản dị ấy, vẫn thấy xúc động một cách bình dị

Vợ chồng tác giả trước bàn thờ Bác Hồ ở Foyer Viet Nam

thanh thảo

Ngày cuối năm, tự nhiên tìm trong thư mục bài vở trên máy tính của mình, tôi chợt thấy một bức ảnh cũ. Mở ra, thì đó là bức ảnh vợ chồng tôi chụp trước bàn thờ Bác Hồ ở Foyer Viet Nam tại số nhà 80, phố Monge, quận 5-Paris.

Đó là vào mùa thu năm 2005, vợ chồng tôi được vợ chồng chú em Võ Văn Thận, nhà thơ chủ quán Foyer Viet Nam, mời sang Paris chơi. Hai năm trước đó, tôi cũng đã có dịp sang Paris khi tham dự Festival Thơ quốc tế ở Pháp. Lần này thì hai vợ chồng được mời sang để “liên hoan vui vẻ” với bạn bè anh em người Việt ở Pháp.

Năm 2003, khi sang Paris dự Liên hoan thơ quốc tế, tôi đã quen và trở nên rất thân thiết với vợ chồng em Võ Văn Thận. Là người Nam Bộ “đặc sệt”, Võ Văn Thận sang Pháp sau năm 1975, và anh đã theo học ở một trường chuyên dạy ẩm thực Pháp để có được tấm bằng làm đầu bếp. Học ẩm thực Pháp, nhưng Võ Văn Thận lại mở quán ăn Việt ở Paris, chuyên bán các món ăn Việt, đặc biệt là các món ăn Nam Bộ.

Ở Paris, sang đó tôi mới biết, có rất nhiều quán ăn Việt, chủ yếu tụ tập ở quận 13. Riêng quán Foyer Viet Nam của Thận mở tại quận 5, thuộc khu Latin, nơi tập trung dày đặc các trường đại học danh tiếng nhất ở Pháp. Đơn giản chỉ vì “Foyer Viet Nam” vốn thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũ, là ngôi nhà được sử dụng theo kiểu Câu lạc bộ, hay “Nhà trọ miễn phí” dành cho sinh viên miền Nam ngày trước sang Pháp du học có thể tá túc mấy hôm nếu có người nhà sang thăm, nói chung là dành cho người Việt ở tạm ít hôm miễn phí. Vì thế, mới có tên Foyer Viet Nam, tức “Mái ấm Việt Nam”. Sau ngày hòa bình thống nhất, ngôi nhà này được bàn giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cũng với mục đích giúp đỡ khách Việt từ trong nước sang Paris muốn tá túc mấy ngày miễn phí.

Đại sứ quán Việt Nam, có trung gian là Hội người Việt tại Pháp, đã giao ngôi nhà cho vợ chồng Võ Văn Thận quản lý, mở một nhà hàng ẩm thực Việt, có đóng lệ phí cho Hội, mục đích cũng là giúp những người Việt sang Paris công tác hay “tư tác” có chỗ ở mấy ngày, lại có quán ăn, dĩ nhiên ăn thì phải trả tiền.

Năm 2005, vợ chồng tôi đã ở Foyer Viet Nam gần nửa tháng, ăn ở miễn phí luôn.

Võ Văn Thận là người Nam Bộ đặc biệt thật thà, sau này anh cũng khổ vì sự thật thà ấy của mình. Nhưng làm sao được, thật thà là bản tính, chứ không phải kỹ năng.

Lần sang Pháp năm 2003, tôi đến quán Foyer Viet Nam và lập tức bị hút vào một tấm ảnh đặc biệt mà Thận treo rất trang trọng. Đó là chân dung Bác Hồ, do một nhà báo kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp chụp tại Hà Nội. Trong bức ảnh này, Bác Hồ đang ung dung thanh thản… hút thuốc. Bức chân dung quá có thần, khiến tôi rất mê. Thấy tôi mê vậy, Thận nói: “Để em biếu anh bức chân dung này của Cụ Hồ. Em sẽ kiếm bức khác, cũng y như thế này cho quán em.”

Tôi phấn khởi quá, rước ngay bức chân dung của Bác Hồ về Quảng Ngãi, và treo trên tường phòng khách nhà mình, nơi ai mới bước vào cũng nhìn thấy ngay.

Rất nhiều khách đến nhà tôi chơi đã trầm trồ khen bức ảnh này quá đẹp. Phong thái tự do của Bác Hồ hiện rất rõ ở bức ảnh này. Thế mới biết, người nghệ sĩ khi muốn thể hiện về Bác Hồ, dù là làm thơ, viết văn hay vẽ và chụp ảnh, thì điều cần thiết đầu tiên là nghệ sĩ cũng phải có được sự tự do của bản thể, thì tác phẩm mới có cơ hội thành công.

Bởi trong cuộc đời này, Bác Hồ là “Khách Tự do” cơ mà.

Còn bức ảnh Bác Hồ trong căn phòng nhỏ ở Foyer Viet Nam mà vợ chồng tôi đang đứng là bức ảnh thờ, nghiêm túc và giản dị. Điều tôi thích ở bàn thờ ấy là sự tối giản nhưng hoàn toàn trang nghiêm của nó. Đứng trước trang thờ giản dị ấy, vẫn thấy xúc động một cách bình dị. Căn phòng rất nhỏ, nhưng tôi thấy rất dễ thở khi đứng trong đó.

Cách quán Foyer chỉ khoảng 100 mét, ở một phố rất nhỏ, tôi đã được anh Nghĩa, Chủ tịch Hội người Việt tại Pháp, dẫn tới thăm ngôi nhà mà ngày xưa Bác Hồ đã từng ở để làm thợ ảnh. Khi chúng tôi tới, không gặp được chủ nhà, nên chỉ đứng bên ngoài nhìn vào. Nơi ấy, trong thập niên 1910-1920, khi Bác Hồ mới sang Pháp, đã có thời gian Bác làm thợ ảnh tại ngôi nhà này. Và tôi chợt hiểu. Bức chân dung Bác Hồ hút thuốc do nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp chụp ở Hà Nội, sở dĩ đầy tinh thần tự do như thế, không chỉ vì câu slogan được viết bằng tiếng Pháp bên dưới chân dung: “ Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do”. Vì nếu không viết câu ấy, người chiêm ngắm vẫn nhận ra cái thần của câu nói ấy khi nhìn gương mặt thanh thản của Bác Hồ.

Đó là gương mặt hiền hậu một cách nhẹ nhàng, thanh thản một cách tối giản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.