Trúng tuyển trường đại học danh giá Hàn Quốc nhờ bài luận về K-pop

16/12/2021 14:27 GMT+7

Không khoe thành tích mà kể chuyện về những khuyết điểm và sự trưởng thành, một nữ sinh Việt Nam thuộc thế hệ Gen Z đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học hàng đầu Hàn Quốc nhờ vào bài luận của mình về K-pop và sự chân thành.

Bí quyết viết bài luận với bốn phép “hô biến”

Trong đợt tuyển sinh vừa qua, Võ Ngọc Anh Thư (21 tuổi) được ĐH Hanyang cấp học bổng 50% học phí cho cả bốn năm học, khoảng 20 triệu won (389 triệu đồng) và có thể nâng lên 100% dựa vào kết quả học tập các kỳ tiếp theo. Đây là trường ĐH đứng hàng thứ 3 tại Hàn Quốc, theo bảng xếp hạng của tờ nhật báo uy tín JoongAng Ilbo.

Bên cạnh đó, cô còn nhận được học bổng kỳ đầu từ ĐH Sungkyunkwan và ĐH Sogang, đều là những trường hàng đầu tại thủ đô Seoul, lần lượt xếp hạng 97 và 494 trên thế giới, theo bảng xếp hạng QS World University Rankings.

Bí quyết giành được những suất học bổng này là nhờ vào cách viết bài luận của Thư lúc nộp hồ sơ xin học bổng. “Tôi nhận thấy bản thân có những thành tích học tập không thể chọi lại các ứng viên khác. Do đó, khi đăng ký xin học bổng, tôi tập trung toàn lực vào bài luận vì nó chiếm đến 70% khả năng lọt vào mắt xanh của các giáo sư”, nữ sinh thế hệ Gen Z nói.

Võ Ngọc Anh Thư, 21 tuổi, từng đậu vào khoa Quan hệ Quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trước khi sang Hàn du học

NVCC

Theo Thư, bài luận là cách duy nhất để thể hiện sự nỗ lực, cách tư duy và suy nghĩ của cô. Do đó, nữ sinh đã tham khảo ý tưởng làm bài luận từ bạn bè, bao gồm những người từng nhận được học bổng du học, để tự rút ra phương pháp làm bài luận mang đậm phong cách cá nhân.

Trong bài luận viết bằng tiếng Hàn nộp cho các trường, Thư không đơn thuần chỉ trả lời câu hỏi mà còn kể những câu chuyện về bối cảnh trưởng thành, những gì đã trải qua và đúc kết được. Không sở hữu GPA và thành tích nổi bật so với những ứng viên khác, cô cho biết mình không che giấu chúng mà cố gắng khai thác khuyết điểm thành ưu điểm.

“Trong bài luận, tôi nhấn mạnh rằng tôi có thể không phải sinh ra đã hơn người nhưng tôi luôn có những mục tiêu để cố gắng, trước đây đã như vậy, thì sau này sẽ luôn như vậy”, Thư kể.

Cô cũng tin rằng hội đồng tuyển sinh không cần bài luận phải “đao to búa lớn”, mà quan tâm đến cách ứng viên nhìn nhận những thứ diễn ra xung quanh và cách chúng ảnh hưởng đến suy nghĩ, tầm nhìn của người đó theo thời gian.

“Vì thế, tôi không hề giấu việc mình là một fan K-pop cuồng nhiệt. Bên cạnh đó, "Làn sóng Hàn Quốc" (Hallyu) giúp tôi tiếp xúc với văn hóa Hàn Quốc, tiếp cận với việc truyền thông Hàn Quốc đã thúc đẩy nền văn hóa nước họ ra ngoài thế giới như thế nào, và tôi cũng muốn làm điều tương tự như vậy với quê hương Việt Nam”, cô nói về những gì đã viết trong bài luận.

Dù gặp nhiều trắc trở trong hành trình học tiếng Hàn, Anh Thư vẫn cảm thấy may mắn vì luôn nhận được sự giúp đỡ từ mọi người

NVCC

Bên cạnh đó, việc tìm hiểu mọi thứ trên website của trường ĐH cũng là một điểm sáng trong hồ sơ xét tuyển. “Thông qua việc tìm hiểu, tôi biết được định hướng của trường dành cho sinh viên và khi áp vào bài luận không chỉ làm tôi nổi bật hơn mà còn khiến các giáo sư chú ý rằng tôi đã tìm hiểu rất nhiều về trường, hoàn toàn quyết tâm trở thành sinh viên của trường”, Thư bật mí.

Tổng hợp lại, Thư cho rằng có bốn phép “hô biến” để làm bài luận hiệu quả: Biến khuyết điểm thành ưu điểm, biến điều nhỏ nhặt thành mục tiêu lớn lao, biến kế hoạch tương lai thành những hành động chi tiết và quan trọng nhất là biến bài luận thành một câu chuyện đáng đọc.

Khi được hỏi liệu giỏi văn có phải là lợi thế để viết bài luận tốt hơn, nữ sinh từng giành giải nhì học sinh giỏi văn cấp thành phố tại TP.HCM thừa nhận đó cũng là một ưu điểm, nhưng không là yếu tố quyết định. “Một bài luận hay không chỉ cần ngôn ngữ trau chuốt, bay bổng hay những ý tưởng xa rời thực tế mà phải thể hiện được con người của mình”, cô phân tích.

Chia sẻ thêm về bí quyết học tốt môn văn, Thư cho rằng học sinh cần trau dồi khả năng ngôn ngữ và góc nhìn đa chiều của bản thân với vạn vật trong cuộc sống. Nữ sinh viên cho biết thêm: “Để tăng khả năng sử dụng ngôn từ, tôi chủ yếu đọc nhiều sách, tin tức, hay bài văn hay. Đến giờ, tôi vẫn tiếp tục trau dồi khả năng ngôn ngữ qua việc đọc các tài liệu tiếng Việt, Hàn, Anh. Điều này giúp góc nhìn của mình trở nên đa chiều hơn, giúp những gì mình viết ra có chiều sâu và dễ gây rung cảm”.

Trong đề viết bài luận, nhà trường ra chủ đề: Vì sao bạn lại chọn ngành truyền thông và học ở Hàn Quốc. Dưới đây là một đoạn trong bài luận của Thư:

"Thanh xuân tôi đã ngang qua "Làn sóng Hàn Quốc" (Hallyu) vào giữa thập niên 2000 và nó đã ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đến sở thích, mà còn cả đam mê và sự phát triển cá nhân. Thông qua quản lý truyền thông và sáng tạo nội dung, các chương trình truyền hình, âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc đều in dấu giá trị quốc gia và truyền tải những hình ảnh tuyệt vời về đất nước của họ. Từ đó, tôi cảm thấy rõ ràng sức mạnh của truyền thông trong việc thúc đẩy văn hóa Hàn Quốc ra thế giới. Cùng với tác động của Hallyu, tôi đã nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nội dung và mong được làm điều tương tự với đất nước mình và giới thiệu rộng rãi sản phẩm của tôi với mọi người. Vì vậy, tôi bắt đầu định hướng vào ngành truyền thông từ khi còn trẻ và theo đuổi mục tiêu này của tôi khi bắt đầu đam mê ấy, đó là Hàn Quốc”.

Hành trình không đơn độc ở xứ sở Kim Chi

Anh Thư giành được học bổng của các ĐH ở Hàn Quốc trong lúc cô đang là sinh viên năm nhất khoa Quan hệ Quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Vừa học ĐH, cô vừa dành thời gian học tiếng Hàn sau khi lấy được chứng chỉ tiếng Anh IELTS với kết quả 6.5. Với sự nỗ lực không ngừng, cuối cùng cô đạt TOPIK 4 (Kỳ thi năng lực tiếng Hàn).

Khi giành được học bổng vào ĐH Hanyang, Thư quyết định nghỉ học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vì chuyên ngành cũ không có nhiều liên hệ với ngành truyền thông ở Hàn Quốc. “Dù phải học lại từ đầu nhưng tôi không hối tiếc vì có cơ hội tiếp cận trọn vẹn nền giáo dục ĐH của Hàn Quốc”, Thư nói.

Đến Hàn Quốc vào đầu năm 2021, Thư tiếp tục học tiếng Hàn nâng cao và ban đầu cảm thấy “sốc” khi chỉ hiểu được 20-30% những gì giáo sư nói, dù đã trải qua nhiều tháng học tiếng Hàn ở Việt Nam.

“May mắn là tôi không đơn độc. Giáo sư sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của tôi vì thầy kể rằng thầy cũng từng du học, hiểu tôi đang trải qua những khó khăn gì. Trường cũng có chương trình cố vấn để sinh viên bản địa giúp đỡ du học sinh. Đàn anh của tôi luôn tận tâm giảng lại bài, giúp tôi tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn”, cô chia sẻ.

Trong khoảng thời gian ở Hàn, Anh Thư (hàng 2, thứ 2 từ phải qua) tham gia làm biên kịch cho một bộ phim ngắn về cuộc sống du học sinh Việt Nam

NVCC

Thầy Lý Hồng Danh, giáo viên tiếng Anh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) và cũng là người viết thư giới thiệu Thư với trường đại học ở Hàn Quốc, nhận xét cô là đứa học trò sau khi được cung cấp kiến thức cơ bản về các khái niệm, thì luôn quan tâm đến việc đào sâu hơn nữa cho đến khi hiểu tường tận về nó. “Điều này rất đáng khen vì nhiều học sinh của tôi không làm điều đó, mà các em thường chờ đợi sự chỉ dẫn từ giáo viên”, thầy Danh chia sẻ.

Kể về dự định tương lai, Thư cho biết cô muốn quay trở lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp ĐH ở Hàn Quốc, tham gia vào lĩnh vực truyền thông và sản xuất chương trình. “Tôi muốn trở thành người xây dựng những chương trình truyền hình giúp mang văn hóa Việt Nam ra quốc tế, như Hàn Quốc đã và đang thực hiện”, Thư nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.